CẦN PHẢI LUÔN QUÁN TRIỆT SÂU SẮC BÀI HỌC DỰA VÀO DÂN ĐỂ XÂY DỰNG ĐẢNG, XÂY DỰNG CHÍNH QUYỀN TRONG SẠCH, VỮNG MẠNH

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta thường xuyên chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của từng giai đoạn cách mạng. Trong đó, phát huy vai trò của Nhân dân, dựa vào Nhân dân để xây Đảng luôn là nguyên tắc xây dựng Đảng và được khẳng định trong các cương lĩnh, nghị quyết của Đảng.

Nhận thức sâu sắc vai trò to lớn của Nhân dân, Đảng ta đã có nhiều chủ trương, biện pháp để phát huy vai trò Nhân dân trong việc tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Hiến pháp năm 2013 cũng khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng cũng như quan hệ giữa Đảng với Nhân dân. Nhiều đạo luật được sửa đổi, bổ sung để phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở, tạo cơ sở pháp lý để thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; nhiều quy chế, quy định liên quan cũng được Đảng kịp thời ban hành, như: Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị, Quy định về việc đảng viên tham gia sinh hoạt ở khu dân cư, Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội và Nhân dân tham gia giám sát, phản biện, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền… đã tăng thêm cơ chế, điều kiện để Nhân dân góp ý kiến để xây dựng và bổ sung, hoàn thiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; tham gia giám sát cán bộ, đảng viên, công chức và các tổ chức, cơ quan trong hệ thống chính trị trong việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.

Tuy nhiên, việc phát huy vai trò của Nhân dân trong xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền thời gian qua còn nhiều mặt hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh, nhất là trong tình hình hiện nay. Ở một số nơi vẫn còn khiếu kiện đông người, người lao động ngừng việc tập thể không đúng pháp luật; ở cơ sở, người dân còn né tránh, e ngại trong việc góp ý, phê bình cán bộ, đảng viên, không dám tố giác tham nhũng, tiêu cực. Mặt khác, một số cấp ủy, chính quyền nhận thức vấn đề này chưa sâu sắc và đầy đủ, thậm chí có nơi còn vi phạm quyền làm chủ của Nhân dân, ngại tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân, thiếu trách nhiệm trong giải quyết các nguyện vọng, bức xúc của người dân. Những hạn chế, khuyết điểm trong công tác xây dựng Đảng làm cho Đảng chưa thật sự trong sạch, vững mạnh, làm giảm niềm tin của Nhân dân đối với Đảng.

Trong thời gian tới, để góp phần xây dựng Đảng và chính quyền trong sạch, vững mạnh, cần chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về quyền làm chủ, ý thức trách nhiệm của Nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tiếp tục khẳng định vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của quần chúng Nhân dân trong quá trình xây dựng, phát triển, bảo vệ đất nước; thực hành dân chủ rộng rãi, công khai, trước hết là dân chủ trong Đảng; xây dựng cơ chế phù hợp (cơ chế đối thoại, bàn bạc và lắng nghe ý kiến của Nhân dân), tạo điều kiện thuận lợi để Nhân dân tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng có hiệu quả; tiếp tục triển khai thực hiện tốt chủ trương, chính sách bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân; nâng cao chất lượng đời sống mọi mặt cho người dân, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết tốt những vấn đề bức xúc hiện nay; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, đặc biệt là chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, thực sự trọng dân, gần dân, hiểu dân; có trách nhiệm và biết phát huy vai trò, quyền làm chủ của Nhân dân, thực sự hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân…

(BPB)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.