Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do tôn giáo: Những điểm tương đồng trong tự do tôn giáo ở Việt Nam và thế giới (kỳ 2)

Tự do tôn giáo là một trong những vấn đề được quan tâm trong các quyền và tự do cơ bản của con người, sớm quy định thành văn và trở thành luật nhân quyền ở mỗi quốc gia và quốc tế. Tại Việt Nam, từ năm đầu thành lập, Đảng ta đã có tuyên bố về tự do tín ngưỡng, và xuyên suốt đến ngày nay, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước là tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Nhân dân.

Thường trực Tỉnh ủy tặng hoa chúc mừng Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2022-2027. Ảnh: THÙY THẢO

Tự do tôn giáo, tín ngưỡng luôn được tôn trọng và bảo đảm

Khi tôn giáo là niềm tin và ứng xử theo lẽ phải, gắn bó dân tộc, phụng sự Tổ quốc, thì tôn giáo xứng đáng được tôn trọng, bảo hộ và tạo điều kiện để phát triển. Do đó, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Nhân dân; đoàn kết tôn giáo, hòa hợp dân tộc. Chính sách đó luôn được Ðảng, Nhà nước bảo đảm trên thực tế và cụ thể bằng văn bản pháp luật.

Ngay từ năm 1930, trong Chỉ thị về thành lập Hội phản đế Đồng Minh, Đảng ta đã có tuyên bố đầu tiên về chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng. Từ đó đến nay, các chủ trương, chính sách của Đảng về tín ngưỡng, tôn giáo luôn được quan tâm và từng bước được hoàn thiện, phù hợp với tình hình phát triển của đất nước.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ bảy (khóa IX) khẳng định “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận Nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng CNXH ở nước ta. Thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo đúng pháp luật”. Báo cáo Chính trị tại Đại hội Đảng lần thứ XI nêu “Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo; động viên các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống tốt đời, đẹp đạo, tham gia đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Đại hội XIII là lần đầu tiên Đảng ta đề cập trực tiếp các nội dung về tôn giáo và công tác tôn giáo một cách toàn diện; đồng thời tiếp tục khẳng định và bổ sung một số nội dung phù hợp với tình hình mới. Văn kiện Đại hội XIII nhấn mạnh: “Tập trung hoàn thiện và triển khai thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo; có những chính sách đặc thù giải quyết khó khăn cho đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện tốt đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết toàn dân tộc”. Trong tác phẩm Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Đại đoàn kết toàn dân tộc là nguồn sức mạnh và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp cách mạng ở Việt Nam; không ngừng thúc đẩy sự bình đẳng và đoàn kết giữa các dân tộc, tôn giáo”.

Hiến pháp năm 1946 khẳng định “Mọi công dân Việt có quyền tự do tín ngưỡng”. Hiến pháp năm 2013 quy định rõ: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật…”.

Bên cạnh đó, tự do tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật Việt Nam bảo vệ, quy định trong Bộ luật Dân sự và cụ thể hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật ngày càng hoàn thiện hơn.

Điểm tương đồng giữa Việt Nam và thế giới

Quyền tự do tôn giáo được ghi nhận từ rất sớm trong các văn kiện luật nhân quyền quốc gia và quốc tế.

Tuyên ngôn Thế giới về nhân quyền năm 1948 (UDHR) ghi nhận quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo, trong đó tập trung chủ yếu vào việc cấm phân biệt đối xử về tôn giáo: “Mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, niềm tin lương tâm và tôn giáo; quyền này bao gồm cả tự do thay đổi tôn giáo hoặc tín ngưỡng của mình, và tự do bày tỏ tôn giáo hay tín ngưỡng của mình…”. Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 (ICCPR) quy định: “Không ai phải chịu ép buộc dẫn đến làm tổn hại quyền tự do lựa chọn có hoặc tin theo tôn giáo hay tín ngưỡng của họ”. ICCPR cũng quy định quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo có thể bị giới hạn bởi luật khi cần thiết để “bảo vệ an toàn, trật tự công cộng, sức khỏe, đạo đức xã hội, hoặc các quyền và tự do cơ bản của người khác” và nghiêm cấm mọi hành động cổ vũ hằn thù dân tộc, sắc tộc, tôn giáo dẫn đến kích động, phân biệt đối xử và bạo lực.

Bình luận chung của Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc (Human Rights Committee, HRC) năm 1993 nêu rõ: “Nghiêm cấm việc thực hành tôn giáo hoặc tín ngưỡng có tính chất tuyên truyền cho chiến tranh hoặc cổ vũ hận thù dân tộc, sắc tộc, tôn giáo, hay kích động sự phân biệt đối xử, thù địch hoặc bạo lực. Các quốc gia thành viên có nghĩa vụ ngăn chặn những hành động đó bằng pháp luật”; “Cho phép hạn chế quyền tự do bày tỏ tôn giáo, tín ngưỡng nhưng với điều kiện phải được pháp luật quy định và chỉ khi cần thiết để bảo vệ an toàn, trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức xã hội…”.

Ở các quốc gia, vấn đề tự do tôn giáo được đề cập khá sớm trong văn bản luật, có thể kể đến Thỏa ước Augsburg (Đức) năm 1555 và Luật của Rhode Island 1647 (năm 1790, vùng lãnh thổ này gia nhập vào Hợp chúng quốc Hoa Kỳ thành tiểu bang Rhode Island) đã thống nhất người dân “có quyền được thừa hưởng về tự do tôn giáo”. Các quốc gia trên thế giới cũng quy định hoạt động tôn giáo phải tuân thủ luật pháp, được sự cho phép của chính quyền. Pháp quy định “Việc tụ tập để thực hiện các nghi lễ tôn giáo phải báo cáo và chịu sự kiểm soát của các cơ quan chính quyền có chức năng gìn giữ trật tự công cộng”. Ở Đức, các giám mục Thiên Chúa giáo khi nhậm chức phải tuyên thệ: “Tôi xin thề và hứa sẽ tôn trọng chính phủ hợp hiến. Chiểu theo nghĩa vụ phải quan tâm tới lợi ích của Nhà nước Đức trước bất kỳ sự gì khả dĩ tác hại tới lợi ích đó”. Ở Mỹ, luật của các bang quy định về hoạt động tôn giáo dựa trên yêu cầu thống nhất chung “Chỉ sau khi được chính quyền xem xét, đồng ý cho phép thành lập thì các tổ chức tôn giáo mới được phép hoạt động và có tư cách pháp nhân”…

Tại Việt Nam, cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển 2011) đã nêu rõ: “Đấu tranh và xử lý nghiêm đối với mọi hành động vi phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo và lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo làm tổn hại đến lợi ích của Tổ quốc và Nhân dân”. Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng, khẳng định: “Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự phát triển đất nước. Kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm minh những đối tượng lợi dụng tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN; chia rẽ, phá hoại đoàn kết tôn giáo và khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.

Qua đó có thể thấy rằng, luật pháp quốc tế hay ở các nước và Việt Nam đều công nhận quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của công dân và các hoạt động tôn giáo phải tuân thủ pháp luật.

————————

Kỳ cuối: Những thủ đoạn xuyên tạc tự do tôn giáo ở Việt Nam

PHẠM HOÀNG/PYO

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.