TÍNH NHÂN DÂN CỦA HIẾN PHÁP NĂM 2013 LÀ KHÔNG THỂ XUYÊN TẠC

Vừa qua, trên trang Thông Luận, Quyền Được Biết, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đã đồng thời tán phát bài viết“Sự tàn ác vô giới hạn” có nhiều nội dung xuyên tạc, phủ nhận giá trị của bản Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam. Trong đó, chúng cho rằng Điều 4 Hiến pháp 2013 vi phạm tiêu chuẩn đa nguyên đa đảng, đề nghị xóa bỏ Điều này. Rõ ràng đây là một phán xét xằng bậy, vô căn cứ, nhằm mục đích xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội.

Như chúng ta đã biết, dù thể chế chính trị có thể khác nhau, nhưng bất kỳ quốc gia nào trên thế giới đều có bản Hiến pháp nhằm thể hiện sức mạnh, ý chí và lợi ích của giai cấp cầm quyền để duy trì trật tự, ổn định và phát triển xã hội. Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam mang bản chất giai cấp công nhân và có tính Nhân dân sâu sắc. Khác với bản chất của hiến pháp của các nước tư sản, Hiến pháp Việt Nam là sự thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng, được thể hiện trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 (Bổ sung, phát triển năm 2011), phấn đấu vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, đem lại ấm no, tự do, hạnh phúc cho toàn thể dân tộc; ý chí, lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, được bảo đảm thực hiện bằng sức mạnh của Nhà nước và dựa trên cơ sở giáo dục, thuyết phục mọi người tôn trọng và tự giác chấp hành. Hiến pháp là công cụ pháp lý của Nhà nước để quản lý, điều chỉnh các quan hệ xã hội nhằm xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, mang lại lợi ích cho đa số nhân dân lao động chứ không như Hiến pháp của các nước tư sản chỉ vì lợi ích của thiểu số giai cấp tư sản. Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam mang tính nhân dân sâu sắc, thể hiện đầy đủ lợi ích của nhân dân trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, quyền con người, quyền công dân được pháp luật tôn trọng và bảo vệ; quyền lực nhà nước thực sự thuộc về nhân dân.

Hiến pháp năm 2013 được xây dựng chặt chẽ, đúng quy trình bảo đảm khách quan, dân chủ, phát huy được trí tuệ của toàn xã hội. Với tinh thần lắng nghe, thấu hiểu, tiếp thu, chắt lọc tinh hoa, trí tuệ từ ý kiến đóng góp của người dân, Đảng, Nhà nước, đã phát huy quyền dân chủ, trách nhiệm, trí tuệ của toàn dân trong xây dựng Hiến pháp. Theo đó, các tầng lớp nhân dân đã tích cực, chủ động tham gia góp ý kiến trong xây dựng Hiến pháp; tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị của các nhà khoa học, chuyên gia lập pháp; cơ quan có trách nhiệm để lắng nghe, tiếp thu, phản hồi ý kiến của người dân công khai, minh bạch; ý kiến đóng góp về nội dung được tiếp thu cũng như những vấn không tiếp thu đều có sự giải trình rõ ràng, đầy đủ, cụ thể… Đây là việc làm bảo đảm quyền dân chủ của người dân trong xây dựng pháp luật và thể hiện tính tập trung của cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước. Với tinh thần, trách nhiệm cao trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, các đại biểu Quốc hội nên bản Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 đã được Quốc hội thông qua với sự đồng thuận rất cao 97,59%.

Tóm lại, Hiến pháp là cơ sở chính trị – pháp lý vững chắc để bảo vệ các quyền công dân, quyền con người, đồng thời bảo vệ chế độ xã hội, bảo vệ độc lập chủ quyền quốc gia. Bảo vệ Hiến pháp là bảo vệ điều kiện cơ bản cho thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Việc triển khai thi hành Hiến pháp phải dựa trên tinh thần “thượng tôn pháp luật”, bảo vệ tất cả tinh thần và lời văn của văn kiện này. Do đó, chúng ta không cho phép bất cứ tổ chức, cá nhân nào xuyên tạc, cản trở việc thực hiện hoặc thoái thác trách nhiệm tuân thủ Hiến pháp. Mọi người cần tỉnh táo trước những luận điệu xuyên tạc giá trị Hiến Pháp năm 2013 của các thế lực thù địch, góp phần bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân trong mọi tình huống.

(VPB)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.