VÔ CẢM – CĂN BỆNH CẦN LÊN ÁN
Trong một lần về quê, ngồi uống cà phê với mấy anh bạn, bỗng trong quán xảy ra xô xát, đánh nhau giữa một số thanh niên, trong lúc những người lớn tuổi tiến đến can ngăn, thuyết phục để nhanh chóng giải quyết mâu thuẫn thì một số thanh niên lại thờ ơ lướt web, thẩm chí một số dùng điện thoại quay ghi lại hình ảnh không mấy đẹp đẽ đó để tung lên mạng… khi sự việc giải quyết xong, một anh bạn vì quá bức xúc đã lên tiếng “sao các cháu thấy các bạn đánh nhau mà không can ngăn…” gần như ngay lập tức nhận được câu trả lời “chúng nó đánh nhau như cơm bữa, hơi đâu mà can chú ơi, không khéo nó đánh lỗ đầu…”.
Hằng ngày, trong cuộc sống, trên những mặt báo hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng khác, ắt hẳn ta thấy không ít những vấn đề đánh nhau của nữ sinh và xung quanh là các bạn học viên khác nhìn theo cổ vũ và…quay phim, hay là thái độ lạnh lùng, vô cảm của một số người trên tuyến đường giao thông khi có một người bị ngã xe… trong khi một số người nhiệt tình giúp đỡ người bị nạn, thì một số không nhỏ lại thờ ơ, thẩm chí tranh thủ “ghi hình”… Đó chính là sự vô cảm. Những người sống vô cảm, thường mang trong họ tâm niệm “Đèn nhà ai nấy sáng”, tức là họ không muốn dính dáng đến những rắc rối, phiền phức có thể mang lại cho họ. Và những người sống vô cảm, họ luôn luôn không quan tâm tới những hoạt động, những sự kiện trong đại, những vấn đề quan trọng của cộng đồng, của xã hội, của đất nước. Họ đã tự tạo ra một cái hang để chui rúc vào đó, và tách biệt bản thân với xã hội. Có thể ở trong cái hang đó, họ sẽ được sống cho riêng mình, không phải lo âu về những phiền toái của người khác nhưng rồi liệu khi họ cần một sự giúp sức nào đó, liệu có ai chuẩn bị sẵn sàng chui rúc vào cái hang của riêng họ để giúp sức họ hay không, và liệu họ có thể sống cô độc trong cái hang do họ tạo ra suốt cả đời hay không…
Cho dù bất kì lý do nào đi chăng nữa cũng không thể ngụy biện cho sự vô cảm, càng không thể so sánh với tình người, tình cảm lớn lao mà các thế hệ người dân Việt Nam có được. Người dân Việt Nam chúng ta rất đỗi tự hào và ai cũng nhớ lời răn dạy của ông cha về tình người: “Thương người như thể thương thân”, “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”… Văn hóa tình người được thẩm thấu từ thuở lọt lòng bằng lời ru của mẹ là những điệu hò, câu ví; là ca dao tục ngữ… Tình người được nuôi dưỡng từ rất sớm, được dạy ở trường lớp, trong mọi cấp học. Trong xã hội ngày nay, có rất nhiều những gương người tốt, việc tốt, những tấm lòng vì cộng đồng, sẵn sàng hy sinh cả tính mạng để cứu người…, những tấm gương tốt, những hình ảnh đẹp đã góp phần tô thắm hình ảnh tươi đẹp của con người Việt Nam trong thời đại mới. Những con người sống lạnh lùng, vô cảm, ích kỷ trong cuộc sống cần được lên án, giáo dục, cảm hóa để góp phần xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.
NVS