Xây dựng chỉnh đốn Đảng là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương giữa nhiệm kỳ khóa XIII của Đảng ta đã thành công tốt đẹp. Trong suốt thời gian diễn ra Hội nghị quan trọng này, cán bộ, đảng viên, nhân dân của thành phố Hải Phòng đều theo dõi sát các nội dung được nêu trong Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư từ sau Đại hội XIII của Đảng đến nay, và nhận thấy những nội dung này là toàn diện, sâu sắc, khách quan, đã nêu được kết quả đạt được và yếu kém, tồn tại.
“Trên dưới đồng lòng”
Là một đảng viên, qua theo dõi Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương giữa nhiệm kỳ khoá XIII, ông Lê Quang Nga, Bí thư kiêm Tổ trưởng Tổ dân phố số 10, (phường Đông Khê, quận Ngô Quyền) chia sẻ, về kinh tế, xã hội, từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đến nay, tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp, xung đột vẫn xảy ra, kinh tế thế giới khủng hoảng, lạm phát, đại dịch COVID-19 kéo dài, gây hậu quả nặng nề; chuỗi cung ứng đứt gãy, ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế, xã hội trong nước. Song với sự nỗ lực cao của toàn Đảng, toàn dân, các doanh nghiệp trong và ngoài nước với tinh thần như trong bài phát biểu bế mạc phiên họp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là “tiền hô hậu ủng”, “nhất hô bá ứng”, “trên dưới đồng lòng”, “dọc ngang thông suốt”, do đó kinh tế vĩ mô vẫn ổn định và phát triển, biến thách thức thành cơ hội. Tăng trưởng kinh tế trong nước năm 2021 là 2,56%, năm 2022 là 8,02%, và quý 1/2023 là 3,2%. Đây là thành tựu mà số ít nước trên thế giới đạt được.
Ông Lê Quang Nga đưa ra ví dụ minh chứng cho sự tăng trưởng này, đó là sức mua nội địa tăng cao sau 3 năm dịch bệnh. Trong dịp Tết Quý Mão vừa qua, nhân dân rất phấn khởi tin tưởng tuyệt đối vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước qua việc đón Tết vui tươi, hạnh phúc trong từng ngôi nhà, làng, bản. Chính phủ có nhiều chính sách đảm bảo an sinh xã hội đối với người lao động bị gián đoạn việc làm ảnh hưởng do dịch COVID-19, bà con vùng sâu, vùng xa, các gia đình chính sách, người có công với cách mạng…
Với thành phố Hải Phòng, tình hình chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh tiếp tục giữ vững ổn định, đạt được những kết quả quan trọng. Quý 1/2023, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn từ tình hình quốc tế và trong nước, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của thành phố đạt 9,65%, đứng đầu các thành phố trực thuộc Trung ương, xếp thứ 3 toàn quốc. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều điểm sáng; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được quan tâm và ngày càng nâng cao. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị được quan tâm toàn diện trên các mặt. Đây là những kết quả quan trọng để Hải Phòng phấn đấu trở thành thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; là động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và cả nước theo Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đối với các lĩnh vực khác như: Quốc phòng, an ninh, đối ngoại; Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; Đấu tranh phòng, chống tham nhũng; Xây dựng chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, xây dựng chiến lược thế trận lòng dân, đẩy lùi nguy cơ xung đột, chiến tranh, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, quan điểm rất rõ ràng hợp lòng dân…
Theo ông Lê Quang Nga, bên cạnh những kết quả và thành tựu đã đạt được trong nửa đầu nhiệm kỳ, song vẫn còn đó những hạn chế, tồn tại cần được khắc phục, sửa chữa kịp thời, có như vậy mới hoàn thành được các nhiệm vụ, chỉ tiêu mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Còn rất nhiều khó khăn, thách thức lớn phía trước, do đó ông đề nghị Đảng, Chính phủ phải có dự báo chính xác, lường trước những khó khăn mà tình hình thế giới mang đến, chủ động trong nước để vượt qua khó khăn, tạo điều kiện, cải tiến đầu tư từ nguồn vốn nước ngoài, tạo việc làm trong nước để đảm bảo an sinh xã hội. Cùng đó, Chính phủ gỡ những nút thắt về phát triển kinh tế, kiên quyết với tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm, tỷ lệ ít đối với các bộ, ngành, địa phương, đây cũng là nguyên nhân kìm hãm sự tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Phát triển kinh tế phải đi đôi với sự phát triển văn hóa xã hội, hai lĩnh vực này cùng hỗ trợ cùng phát triển, không nên coi nhẹ một lĩnh vực nào. Nền kinh tế phát triển nhưng văn hóa xã hội thụt lùi, đây là nguy cơ của một Nhà nước pháp quyền.
Về quốc phòng an ninh, đối ngoại, ông Lê Quang Nga cho rằng, Đảng, Chính phủ phát huy những thành quả đạt được, chủ động phòng ngừa, kiên quyết, khôn khéo bảo vệ vững chắc Tổ quốc; cương quyết đấu tranh với những kẻ thù địch, phản động; giữ vững lập trường, quyết tâm bảo vệ vững chắc những thành quả đã đạt được… tất cả lợi ích quốc gia dân tộc là tối thượng.
Đối với xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, đây không phải chỉ xây dựng chỉnh đốn Đảng trong nửa nhiệm kỳ cuối mà còn là những mục tiêu lâu dài trong tiến trình phát triển của Đảng. Theo ông Lê Quang Nga, phát triển Đảng không phải số lượng nhiều mà Đảng mạnh cần kiên quyết đưa ra khỏi Đảng những thành phần cơ hội, sách nhiễu, thờ ơ với nhiệm vụ, không còn uy tín với nhân dân…
“Tự soi, tự sửa”
Nhà báo Nguyễn Anh Tú, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Hải Phòng cho rằng, thực tế cho thấy, Đảng ta đã thẳng thắn “tự soi, tự sửa”, không né tránh khuyết điểm, nhìn thẳng vào khuyết điểm của các đảng viên đang giữ những chức vụ cao trong Đảng và hệ thống chính trị để có quyết định xử lý nghiêm minh, kịp thời, nhưng cũng rất thấu tình, đạt lý đối với các tập thể, cá nhân có những sai phạm trong thực thi công vụ, sa đọa về đạo đức, lối sống, làm mất niềm tin của nhân dân đối với tổ chức Đảng và bộ máy Nhà nước dù cho ở cấp nào. Đích thân đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần đã chỉ rõ ngay từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay rằng: Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng. Trong điều kiện Đảng cầm quyền, xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải gắn kết chặt chẽ với xây dựng hệ thống chính trị; làm cho Đảng và từng tổ chức thành viên hệ thống chính trị luôn trong sạch, vững mạnh toàn diện; bảo đảm tính nhất quán, đồng bộ, tổng thể, liên thông trong tổ chức và hoạt động; tăng cường năng lực đề kháng, phòng ngừa, loại bỏ mọi nguy cơ suy thoái, biến chất.
Chúng ta đều biết, tại Đại hội XIII của Đảng, Đảng ta đã phát triển thành tố “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh” của Đại hội XII thành “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”. Và ngay tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương giữa nhiệm kỳ khóa XIII vừa bế mạc, Đảng ta thẳng thắn nhìn nhận công tác xây dựng Đảng còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém, khuyết điểm kéo dài, chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với nhiều biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc…
Đề cập về nội dung xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương giữa nhiệm kỳ khóa XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: Chúng ta cũng đã tạo ra được sự chuyển biến rất tích cực, với nhiều dấu ấn nổi bật trong việc kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn hơn giữa “xây” và “chống”, toàn diện hơn trên các mặt công tác xây dựng Đảng. Đặc biệt, công tác cán bộ tiếp tục được coi trọng hơn, đúng mức hơn với vị trí, vai trò là “then chốt của then chốt”; có nhiều cách làm, quy định mới, hiệu quả cao hơn, gắn kết chặt chẽ với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi và xử lý nghiêm minh những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, bất kể người đó là ai; không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
Đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét cho thôi giữ chức vụ, cho nghỉ công tác, nghỉ hưu, bố trí công tác khác đối với 14 cán bộ diện Trung ương quản lý; các địa phương cũng bố trí công tác và thực hiện chính sách đối với 22 trường hợp cán bộ sau khi bị kỷ luật theo đúng chủ trương của Đảng về việc “có vào, có ra; có lên, có xuống”. Việc này thể hiện tinh thần kiên quyết, gương mẫu, nghiêm minh, nhân văn, có tác dụng giáo dục, cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe trong đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên; đồng thời đã khẩn trương chỉ đạo kiện toàn các nhân sự lãnh đạo thay thế, được dư luận cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình, đánh giá rất cao. Chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên cũng từng bước được nâng lên, trên cơ sở thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, đặc biệt là Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về vấn đề này.
Theo Tổng Bí thư, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng tiếp tục được đổi mới, tăng cường trên cơ sở ban hành có chất lượng và tổ chức thực hiện nghiêm túc, đồng bộ nhiều quy định mới của Đảng, đã góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; tình trạng tham nhũng, “lợi ích nhóm”, “tư duy nhiệm kỳ”; “chủ nghĩa cá nhân”, “tha hóa quyền lực” trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; đồng thời, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, củng cố niềm tin của nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, kỷ cương, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Với những kết quả đạt được trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị từ sau Đại hội XIII của Đảng đến nay, nhà báo Nguyễn Anh Tú và người dân thành phố Hải Phòng càng thêm tin tưởng rằng, đây chính là “Điểm tựa vững chắc để Đảng ta lãnh đạo con thuyền Cách mạng Việt Nam đi đến mọi thắng lợi” trong thời gian tới./.
TTXVN