Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn bảo đảm và thực thi tốt các quyền dân chủ của người dân
Trong thời gian qua, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị ở trong và ngoài nước thường xuyên tán phát các bài viết có nội dung xuyên tạc, vu cáo Đảng và Nhà nước Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền; chúng cho rằng chính quyền luôn tìm mọi cách để kìm hãm, tước đoạt quyền dân chủ của người dân. Hành động chống phá của chúng ít nhiều gây ra sự phân tâm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân, do thiếu thông tin và sự hiểu biết, nên phần nào suy giảm lòng tin đối với sự lãnh đạo của Đảng, đối với nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta.
Cần khẳng định rằng, luận điệu trên của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị là vô căn cứ và hoàn toàn bịa đặt, với mục đích công kích trực tiếp, trực diện vào vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội Việt Nam. Chúng ta đều biết rằng, từ khi thành lập cho đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn bảo đảm nguyên tắc dân chủ, xem đây là nguyên tắc sống còn của Đảng. Dân chủ xã hội chủ nghĩa được xác định vừa là mục tiêu, vừa là động lực và là bản chất của chế độ ta. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển năm 2011) khẳng định: “Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm dân chủ được thực hiện trong thực tế cuộc sống ở mỗi cấp, trên tất cả các lĩnh vực. Dân chủ gắn liền với kỷ luật, kỷ cương và phải được thể chế hóa bằng pháp luật, được pháp luật bảo đảm”. Hiến pháp năm 2013 cũng quy định rất rõ: “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân”, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân và phải được thể chế hóa quyền lực đó bằng pháp luật, được pháp luật bảo hộ. Quyền con người, quyền công dân được công nhận, tôn trọng, bảo vệ theo pháp luật; gắn quyền công dân với nghĩa vụ và trách nhiệm đối với xã hội”.
Trong thực tế, việc xây dựng và phát huy nền dân chủ ở Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng. Thể chế thực thi các quyền dân chủ của nhân dân từng bước được Nhà nước xác lập và cụ thể hóa. Ý thức dân chủ của công dân và của xã hội, trình độ và năng lực làm chủ của nhân dân từng bước được nâng lên. Dân chủ trong lĩnh vực kinh tế có bước phát triển quan trọng, là cơ sở cho phát triển, dân chủ trong các lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Đường lối xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh, hình thức phân phối, bình đẳng trước pháp luật. Dân chủ trong lĩnh vực chính trị – xã hội có những bước tiến mới. Dân chủ trong Đảng, trong các tổ chức đoàn thể, trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan dân cử được mở rộng và có những bước tiến mới. Bộ Chính trị đã ra quyết định về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội” và “Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị – xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”.
Từ những phân tích và dẫn chứng trên đây, có thể khẳng định rằng: Nền dân chủ ở Việt Nam thực sự tiến bộ, quyền dân chủ của người dân luôn được Đảng và Nhà nước bảo đảm và thực thi, không như những gì mà kẻ địch vu khống, xuyên tạc. Vì vậy, chúng ta cần phải luôn nêu cao tinh thần cảnh giác tránh rơi vào cái bẫy thông tin bịa đặt, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động.
(NQ)