KHÔNG THỂ XUYÊN TẠC THÀNH TỰU THỰC HIỆN QUYỀN BÌNH ĐẲNG GIỚI Ở VIỆT NAM

Vừa qua, nhân dịp kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10), các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đã tán phát lên không gian mạng nhiều thông tin xuyên tạc về kết quả thực hiện quyền bình đẳng giới của nước ta. Chúng vu cáo, xuyên tạc rằng, quyền của phụ nữ nói chung, quyền chính trị của phụ nữ ở Việt Nam nói riêng không được Đảng, Nhà nước bảo đảm. Đây là nhận định hết sức phiến diện, vô căn cứ về chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với vấn đề bình đẳng giới và công tác phụ nữ, nhằm gieo rắc tâm lý mặc cảm, tự ti đối với phụ nữ, làm cho phụ nữ thiếu tin tưởng về vị trí, vai trò của mình đối với gia đình, cộng đồng xã hội.

Chúng ta đều biết rằng, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ký kết Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (Công ước CEDAW) và đã từng bước luật hóa các nội dung về bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ, như: Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Hôn nhân và gia đình;… Mục tiêu bình đẳng giới đã được ghi rõ trong Luật Bình đẳng giới của Việt Nam, đó là “xóa bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế – xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình”. Như vậy, ở Việt Nam không có chuyện “quyền chính trị của phụ nữ tham gia chính trường có sự phân biệt” và không “vi phạm nhân quyền, mà cụ thể là Công ước CEDAW” như bọn chúng cáo buộc.

Để thúc đẩy việc thực hiện bình đẳng giới, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW thể hiện rõ quan điểm về công tác cán bộ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước: “Xây dựng, phát triển vững chắc đội ngũ cán bộ nữ tương xứng với vai trò to lớn của phụ nữ là yêu cầu khách quan, là nội dung quan trọng trong chiến lược công tác cán bộ của Đảng”. Tại khoản 1 và khoản 3, Điều 26 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới” và “Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới”; khoản 2, Điều 26 Hiến pháp năm 2013 cũng quy định: “Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội”..

Với những nỗ lực, tích cực nêu trên, sự tham gia của phụ nữ vào đời sống chính trị đất nước đã có sự tăng lên rất nhiều. Theo số liệu thống kê của các cơ quan chức năng, hiện nay nước ta có 19 nữ là Ủy viên Ban Chấp hành Trương ương Đảng khóa XIII, chiếm 9,5%. Trong nhiệm kỳ 2020 – 2025, có 466 nữ là ủy viên Ban chấp hành đảng bộ cấp tỉnh (UVBCH), chiếm 13,3%, 104 nữ là ủy viên thường vụ (UVTV) cấp ủy cấp tỉnh, chiếm 10,75%; 6.376 nữ là UVBCH đảng bộ cấp huyện, chiếm 17,3%, 1.459 nữ là UVTV cấp ủy cấp huyện, chiếm 13,2%… Trong hoạt động Nhà nước, tại Quốc hội khóa XV có 151 nữ đại biểu Quốc hội, chiếm 30,26%; trong đó có 3 Chủ nhiệm, 16 Phó Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, 36 lãnh đạo các cấp vụ. Nhiệm kỳ 2021-2026, có 1.079 nữ đại biểu HĐND cấp tỉnh, chiếm 29%; cấp huyện có 6.584 nữ, chiếm 29,2%. Trong đó, có 14 nữ chủ tịch, 34 phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh, thành phố. Ngoài ra, có 03 bộ trưởng, 10 thứ trưởng, 02 chủ tịch và 24 phó chủ tịch UBND tỉnh, thành phố, 170 Giám đốc sở, ngành cấp tỉnh…

Những thành tựu vượt bậc của công tác cán bộ nữ và bình đẳng giới ở Việt Nam trong thời gian qua là minh chứng rõ ràng nhất để khẳng định chắc chắn rằng: Các luận điệu xuyên tạc, phê phán Đảng, Nhà nước Việt Nam vi phạm quyền chính trị của phụ nữ là hoàn toàn không có cơ sở và sai sự thật. Tất nhiên, chúng ta vẫn sẽ còn tiếp tục phấn đấu để sớm nâng cao hơn nữa tỷ lệ phụ nữ tham gia cấp ủy, chính quyền các cấp, nhằm rút ngắn khoảng cách và tiến tới nam nữ bình quyền trên mọi lĩnh vực.

(NA.PB)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.