Một việc tốt dù nhỏ, cũng đều được quý trọng
Đến hiện tại, đại dịch Covid-19 đã và đang khiến giới y học trên thế giới đau đầu, đồng thời làm nảy sinh trong đời sống nhiều vấn đề, hiện tượng xã hội phức tạp mà con người chưa có giải pháp, kinh nghiệm giải quyết. Vì thế trong khi nhanh chóng hình thành mối liên kết toàn cầu cùng tìm cách phòng, tránh, chữa trị hiệu quả thì mỗi quốc gia tùy vào điều kiện để xây dựng chiến lược, sách lược, biện pháp phòng, chống, chữa trị phù hợp, đồng thời giải quyết những khó khăn riêng ở quốc gia mình.
Đối với Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị các cấp chính quyền và toàn thể người dân, chúng ta đã vượt qua ba làn sóng của dịch bệnh và đang nỗ lực để chiến thắng ở làn sóng thứ tư, đồng thời đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ trong phát triển kinh tế – xã hội.
Đáng tiếc, trong khi hầu hết nhân dân đặt niềm tin vào Đảng, Nhà nước, đồng tình, đồng lòng, đồng hành, nỗ lực cùng Chính phủ chiến thắng dịch bệnh, thực hiện yêu cầu phòng, chống, giúp đỡ đồng bào đang gặp khó khăn,… lại có một số người đi ngược lại xu hướng tích cực chung. Thể hiện qua hiện tượng tùy tiện trong tiếp nhận và xử lý thông tin, vô ý thức và thiếu trách nhiệm với cộng đồng, thậm chí có người như hùa theo kẻ xấu nên bịa đặt tung tin giả, hoặc lan truyền tin giả do kẻ xấu sản xuất với chủ đích gây mất trật tự, an ninh xã hội. Vì thế thời gian qua, một số cá nhân đã bị cơ quan chức năng xử phạt vì phao tin đồn nhảm, đưa tin giả lên mạng xã hội. Để giải quyết triệt để, ngày 23/7/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TTTT) có Công văn số 2765 gửi các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố về việc thực hiện Nghị quyết số 78/NQ-CP của Chính phủ, tăng cường xử lý tin giả, tin sai sự thật về Covid-19 trên mạng, trong đó khẳng định nếu không xử lý tốt thông tin xấu độc thì “sẽ dễ phát sinh điểm nóng, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội tại địa phương, gây khó khăn cho các công tác phòng, chống dịch bệnh của cả nước”. Công văn số 2765 của Bộ TTTT cũng nhấn mạnh báo chí, truyền thông bám sát chỉ đạo, định hướng tuyên truyền, làm nổi bật mục tiêu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết; nắm bắt dư luận truyền thông nước ngoài để phối hợp với đơn vị chức năng của Bộ TTTT và lực lượng báo chí cả nước kịp thời phản bác luận điệu xuyên tạc, chủ động cung cấp thông tin cho người dân; đồng thời xử lý nghiêm các cơ quan báo chí, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội đăng tải, phát tán tin giả, tin sai sự thật, gây hoang mang, hiểu lầm về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch tại địa phương. Và đó là các vấn đề cấp thiết, cần sớm triển khai nghiêm túc.
Chính vì vậy, những ai đang đi ngược xu hướng tích cực chung nên đọc ý kiến của người một thời từng là hacker, khi anh viết: “Tôi tin rằng tự do ngôn luận là tốt và tôi hoàn toàn ủng hộ, thế nhưng ngôn luận thì hãy bình luận một cách tử tế, chính xác và đưa ra những luận điểm – thông cảm tích cực, lạc quan hơn là tiêu cực. Để khuyến khích mọi người đoàn kết, tuân thủ quy định 5K và với khả năng của mình giúp sức với Nhà nước hay những anh hùng đang ở tuyến đầu. Ngay lúc này một việc tốt dù nhỏ đến đâu của bạn làm đều được coi là rất quý trọng. Cho dù đó là lời nói động viên, hay là một hành động nhỏ”.