Cảm xúc trong mùa dịch: khó khăn rất nhiều nhưng chắc chắn chúng ta sẽ vượt qua

Đại dịch thế kỷ Covid-19, bắt đầu bùng phát từ cuối năm 2019, đến nay đã có khoảng 200 triệu người mắc, cướp đi sinh mạng hơn 4 triệu người trên thế giới. Ở Việt Nam, dịch bắt đầu bùng phát từ đầu năm 2020, đến nay đã diễn ra 4 đợt bùng phát, với hơn 181 nghìn người mắc và cướp đi sinh mạng của 2.327 người. Đối với Phú Yên, may mắn 3 đợt đầu không có ca lây lan trong cộng đồng, đến đợt thứ 4, bùng phát vào ngày 23/6, đến nay (ngày 05/8), có 1.611 ca mắc, với 12 ca tử vong. Trong đợt dịch thứ 4 này, cả nước nói chung, Phú Yên nói riêng thực hiện áp dụng biện pháp kiểm soát xã hội để phòng chống dịch từ khoanh vùng, giản cách hẹp, đến giãn cách rộng, rồi siết chặt theo Chỉ thị 16, 16+. Có thể nói, đây là đợt bùng phát dịch dài ngày nhất, tốc độ lây lan nhanh nhất, rộng nhất, khó khăn, phức tạp và khó lường nhất, qua đó bộc lộ nhiều cung bậc cảm xúc trong xã hội.

Đầu tiên đó là sự gian nan vất vả của lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch, với trang phục bảo hộ kín mít, làm việc cả ngày lẫn đêm trong thời tiết mùa hè oi bức. Nhiều hình ảnh lực lượng phòng chống dịch (nhất là đội ngũ y tế) mệt lả, ngã lưng nghỉ ngơi ngay cả trên bàn, trên ghế, cầu thang, sàn nhà… tại nơi ứng chiến, có trường hợp kiệt sức gục ngã trong khi làm nhiệm vụ. Lực lượng bộ đội, công an, biên phòng miệt mài ngày đêm kiểm soát người nhập cư trái phép, phương tiện giao thông, canh gác các chốt phong tỏa, khu cách ly, kiểm soát người ra đường để phòng, chống dịch… Với cường độ làm việc cao, nguy hiểm, căng thẳng đã tạo nhiều áp lực cho lực lượng tuyến đầu, nên đôi lúc bộc lộ sự nóng vội, xử lý còn cứng nhắc, chưa thật sự phù hợp gây ra những phản ứng không hay trong xã hội như phạt người mua bánh mỳ ở Khánh Hòa, đánh shipper ở TP. Hồ Chí Minh… 

Nhưng những sai sót của lực lượng chức năng phòng, chống dịch thì ít, còn trường hợp người dân vi phạm, chống đối thì nhiều, có một số trường hợp lợi dụng tình hình gây rối loạn xã hội với mưu đồ xấu xa. Điển hình nhất là vụ người phụ nữ chở con đi ra đường không có lý do chính đáng, khi gặp chốt kiểm soát thì có những phát ngôn không phù hợp, chửi cán bộ “ngu như con bò, đồ con bò”, thậm chí động chạm đến cả Đảng, chế độ; hay vụ chị phụ nữ khi đi cách ly, thấy thiếu thốn cũng la ó, chửi bới lung tung… Ở Phú Yên cũng có các trường hợp chống đối điển hình, đó là vụ thanh niên Nguyễn Tấn Thạch trong khu phong tỏa ở thôn Phú Thượng, xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa tụ tập nhậu nhẹt, đưa người qua chốt kiểm soát bị nhắc nhở, còn mang hung khí hăm dọa lực lượng trực chốt; vụ ông Trần Văn Giảo (SN 1979, trú khu phố Phước Mỹ Tây, thị trấn Phú Thứ, huyện Tây Hòa) có hành vi cố ý gây thương tích,  gây rối trật tự công cộng khi đang thực hiện giãn cách xã hội; vụ thanh niên Phạm Văn Hiếu (34 tuổi), trú xã Hòa An, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên bị tuyên án 9 tháng tù giam và Trần Minh Luân ở huyện Sơn Hòa bị tuyên án 12 tháng tù giam vì tội chống người thi hành công vụ…. Khi xem những video Clip được dân mạng đăng tải trên Facebook, Zalo…về những trường hợp người dân dùng lời lẽ thô tục, hành vi côn đồ để chửi bới, chống đối lực lượng chức năng…. thì ai cũng ngao ngán, phẫn nộ, lên án gay gắt. Xã hội đang bị tổn thương bởi những hành vi vô văn hóa, bất chấp pháp luật của một bộ phận người dân.

Trong đại dịch này, sự thiệt hai, mất mát đến với mọi người dân là quá lớn. Những người làm kinh doanh thì hầu hết đều gặp khó khăn, thiệt hại nghiêm trọng nhất là những ngành du lịch, kinh doanh dịch vụ như nhà hàng, khách sạn, dịch vụ vận tải lữ hành, hàng hóa lưu niệm…. Nhiều nhà hàng, khách sạn trụ không nổi phải đóng cửa hoặc rao bán cơ sở, trả mặt bằng… Nhiều hãng vận tải, trong đó có hãng bị phá sản, bán cả phương tiện để gán nợ ngân hàng…

Nhưng thành phần bị ảnh hưởng, tổn thương nặng nhất vẫn là những người yếu thế, nghèo khổ lao động cực nhọc để trang trải cuộc sống tối thiểu hàng ngày. Nay thực hiện giãn cách xã hội, họ càng gặp khó khăn, chật vật để tìm miếng ăn cho gia đình, trả tiền thuê nhà, hay trả nợ nần do vay mượn. Nhìn cảnh những chú xe ôm, người bán vé số, người làm thuê… đi xin cơm từ thiện từng ngày, cố nhặt mớ rau héo còn sót lại bên đường, hay ngày hai bữa phải chống chịu với mì tôm từ thiện mà ứa nước mắt. Quý giá thay, những lúc khó khăn này, tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách được khơi dậy, phát huy một cách mạnh mẽ. Bên cạnh việc triển khai các gói hỗ trợ của Nhà nước, nhiều tổ chức, nhà hảo tâm khắp mọi miền đất nước chung tay tổ chức nhiều hoạt động thiện nguyện kịp thời, có ý nghĩa thiết thực, làm ấm lòng những người khó khăn, nghèo khổ.

Đợt dịch thứ 4 đã trải qua 3 tháng (từ đầu tháng 5/2021) và chưa biết lúc nào có thể được ngăn chặn, đẩy lùi. Người dân không khỏi hoang mang, lo lắng khi chứng kiến số ca F0 cứ trụt xuống rồi tăng lên qua từng ngày. Xã hội ngày càng căng thẳng, áp lực ngày càng tăng cao trong bối cảnh phải triển khai quyết liệt, nghiêm ngặt hơn trong công tác phòng, chống dịch của các cấp chính quyền với sự nóng lòng của người dân muốn thoát khỏi sự khó khăn, túng quẫn trong sinh hoạt, trong cuộc sống. Để giải quyết được vấn đề này là điều không phải dễ, trong khi nguồn lực đất nước còn hạn hẹp, tiền hỗ trợ cho dân chưa được nhiều, chỉ có thể đủ trang trải cuộc sống tạm thời, chứ không thể kéo dài.

Hy vọng lớn nhất bây giờ là đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng vắc xin Covid để mong đạt được miễn dịch cộng đồng. Chúng ta đang bắt đầu triển khai tiêm vắc xin rộng rãi cho nhân dân, đối tượng được ưu tiên tiêm trước là người cao tuổi. Dư luận cũng đang phân vân, liệu tiêm ngừa vắc xin đạt từ 60 – 70% dân số thì có đảm bảo đạt được miễn dịch cộng đồng không? Vì thực tế ở các nước châu Mỹ, châu Âu… tỷ lệ người dân tiêm ngừa vắc xin Covid cao thì dịch bệnh vẫn tiếp tục bùng phát trước sự tấn công của biến thể mới – Delta. Điều này đã được các nhà nghiên cứu y học và tổ chức Y tế thế giới đánh giá, lý giải rằng: Biến thể mới Delta nguy hiểm hơn và lây lan nhanh cho bất cứ ai, nhưng những người được tiêm đủ vắc xin nếu bị nhiễm bệnh cũng chỉ có triệu chứng nhẹ, không nguy hiểm đến tính mạng, đặc biệt những người tiêm đủ 2 mũi vắc xin thì hiệu quả càng cao hơn. Khi đó, bệnh Covid-19 không còn đáng sợ nữa, nó như những bệnh cúm khác mà thôi. Vì vậy, chúng ta có thể yên tâm tiêm vắc xin và đây là cách tốt nhất để chúng ta thoát khỏi nổi ám ảnh của đại dịch Covid-19, đưa xã hội trở lại cuộc sống bình thường và tiến lên.

Hồng Thái

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.