NHẬN DIỆN CÁC THỦ ĐOẠN CHỐNG PHÁ HOẠT ĐỘNG CỦA QUỐC HỘI VIỆT NAM
Cứ mỗi lần Quốc hội tổ chức kỳ họp thì các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị lại đẩy mạnh các hoạt động chống phá, xuyên tạc về hoạt động của Quốc hội. Chúng cho rằng:“Quốc hội không có vai trò thực chất, chỉ quyết nghị theo chỉ đạo của Đảng, chỉ mang tính hình thức, người dân thì quay lưng, ngoảnh mặt với hoạt động của Quốc hội” “Quốc hội Việt Nam chỉ là con rối của Đảng”,…Ngoài ra, chúng còn cắt ghép, pha trộn, chỉnh sửa các bài tranh luận, phát biểu của các đại biểu nhằm bôi nhọ, xúc phạm uy tín, danh dự của các đại biểu Quốc hội, nhất là đại biểu Quốc hội giữ các vị trí chủ chốt trong bộ máy Nhà nước.
Như chúng ta đã biết, Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đây là vấn đề cốt lõi, hết sức rõ ràng của chế độ chính trị nước ta. Vai trò lãnh đạo của Đảng đã được quy định trong Hiến pháp (Điều 4 Hiến pháp năm 2013), phù hợp với ý chí của toàn dân tộc, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Hiến pháp năm 2013 cũng quy định rõ: “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước”. Quốc hội do nhân dân bầu ra, là cơ quan nhà nước cao nhất thực hiện quyền lực của nhân dân. Chỉ Quốc hội mới có quyền thể chế ý chí, nguyện vọng của nhân dân thành Hiến pháp và pháp luật, thành các quy định chung mang tính chất bắt buộc phải tuân thủ đối với mọi tầng lớp trong xã hội.
Hiến pháp đã khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội. Điều này không hề làm mất đi vai trò của Quốc hội. Bởi quyền lực Nhà nước ở nước ta là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, nhưng đó là sự lãnh đạo có nguyên tắc và theo quy định. Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Như vậy, mối quan hệ giữa Đảng và Quốc hội vẫn là mối quan hệ biện chứng, hai chiều, nghĩa là Đảng lãnh đạo hoạt động của Quốc hội, nhưng sự lãnh đạo đó vẫn phải trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, không thể đứng trên, đứng ngoài Hiến pháp và pháp luật đã được Quốc hội thông qua. Đảng lãnh đạo nhưng luôn tôn trọng và phát huy vai trò của Quốc hội, không áp đặt, không làm thay, mà định hướng nội dung và phương thức hoạt động của Quốc hội. Đảng lãnh đạo, chứ Đảng không điều hành công việc của Quốc hội.
Kể từ khi ra đời cho đến nay, Quốc hội Việt Nam đã luôn hoàn thành xuất sắc vai trò, sứ mệnh của mình đối với đất nước, với dân tộc. Trong những năm gần đây, hoạt động của Quốc hội ngày càng đổi mới, uy tín của Quốc hội ngày càng được nâng cao, Quốc hội ngày càng thể hiện tốt vai trò đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Điều đó đã tăng cường niềm tin của cử tri và nhân dân đối với Quốc hội. Mỗi kỳ họp Quốc hội diễn ra luôn là sự kiện chính trị – xã hội được cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm, theo dõi. Bởi cử tri tin tưởng rằng, những nguyện vọng, ý kiến tâm huyết của mình luôn được Quốc hội, các đại biểu Quốc hội trân trọng, lắng nghe, bàn thảo nghiêm túc và từ đó cho ra những quyết sách đúng đắn, đóng góp tích cực cho sự phát triển của đất nước, nâng cao đời sống nhân dân.
Kết quả đó là minh chứng bác bỏ hoàn toàn những luận điệu xuyên tạc rằng “Quốc hội không có vai trò thực chất, chỉ quyết nghị theo chỉ đạo của Đảng, chỉ mang tính hình thức, người dân thì quay lưng, ngoảnh mặt với hoạt động của Quốc hội”. Việc chống phá hoạt động của Quốc hội là hành động đi ngược lại lợi ích của quốc gia, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích của những người dân chân chính. Do đó, mỗi người dân Việt Nam cần nêu cao tinh thần cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động để Quốc hội ngày càng thực hiện tốt vai trò đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân.
(BV)