TỰ DO NGÔN LUẬN, TƯ DO BÁO CHÍ Ở VIỆT NAM LUÔN ĐƯỢC ĐẢM BẢO

Trong thời gian qua, tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF) thường xuyên đưa ra những bản báo cáo đánh giá sai lệch, thiếu khách quan về quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam, khi xếp Việt Nam vào nhóm quốc gia có ít tự do báo chí. Nội dung đánh giá của RSF chẳng những không có gì mới mà còn cho thấy tổ chức này đang cố tình phớt lờ thực tế về bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam.

Tự do báo chí là một biểu hiện cho tiến bộ, văn minh, là một yếu tố hết sức quan trọng đối với sự ổn định, thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Nhận thức rất rõ vai trò quan trọng của báo chí, Việt Nam luôn quan tâm bảo vệ và thúc đẩy các quyền cơ bản của con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và quyền tiếp cận thông tin. Điều này được quy định cụ thể trong Hiến pháp và các văn bản pháp luật có liên quan. Việt Nam luôn nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm tạo điều kiện thúc đẩy và bảo vệ các quyền cơ bản của công dân về tự do ngôn luận. Hiến pháp năm 2013 nêu rõ “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin… Việc thực hiện các quy định định này do pháp luật quy định”. Luật Báo chí sửa đổi và Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 cũng nêu rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí; bảo đảm mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin; bảo đảm cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ, kịp thời, minh bạch, thuận lợi cho công dân.

Tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam còn được thể hiện rõ qua sự phát triển đa dạng về các loại hình báo chí. Tính đến nay, cả nước có 816 cơ quan báo chí, 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình, hơn 41.000 người đang công tác trong các cơ quan báo chí và 17.161 người được cấp thẻ nhà báo. Những năm qua, báo chí Việt Nam thực sự trở thành cầu nối giữa “ý Đảng lòng dân” đã tạo sự đồng thuận trong xã hội, thúc đẩy công cuộc xây dựng đất nước, là phương tiện để người dân kiểm tra, giám sát thực thi pháp luật, đóng góp ý kiến phản biện đối với các chính sách, pháp luật của Nhà nước. Và đây là công cụ xã hội bảo vệ quyền của người dân. Đó là minh chứng sinh động nhất cho việc bảo đảm tự do báo chí ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng được ghi nhận là một trong những nước có tốc độ phát triển và sử dụng Internet cao trên thế giới với hơn 68,17 triệu người sử dụng Internet, chiếm 70,3% dân số. Ngày nay, Internet và mạng xã hội đang được sử dụng rộng rãi trong đời sống sinh hoạt ở Việt Nam, cho phép người dân được tiếp cận thông tin và bày tỏ quan điểm, chính kiến của mình. Nhiều cơ quan, tổ chức hiện đang sử dụng Internet và mạng xã hội như một công cụ để làm việc, giải quyết các thủ tục hành chính, giữ mối liên hệ với người dân, nắm bắt và giải quyết kịp thời tâm tư, nguyện vọng chính đáng của quần chúng nhân dân. Tuy nhiên, những tổ chức, cá nhân cố tình lợi dụng Internet và mạng xã hội để xâm hại đến lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân thì sẽ được xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Rõ ràng, thực tế về bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam là khách quan không ai có quyền phủ nhận được. Những đánh giá phiến diện về quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam cho thấy, RSF đang đi ngược lại tôn chỉ của người làm báo là tôn trọng và không được phép xuyên tạc, bóp méo sự thật.

(BVTH)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *