Phải “bắt đúng bệnh, điều trị đúng thuốc” (bài 2)
Trong đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu phải xác định rõ trách nhiệm của mình trước Đảng, trước nhân dân, trước Tổ quốc, gắn trách nhiệm của tập thể với cá nhân.
Bài 2: Vai trò nêu gương của người đứng đầu là “vắc xin” miễn dịch
Trong cuộc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên hiện nay, người đứng đầu có vai trò đặc biệt quan trọng. Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã chỉ ra một trong những nguyên nhân cơ bản của suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống thuộc trách nhiệm của người đứng đầu.
Làm thế nào để phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên hiện nay? Để trả lời cho câu hỏi trên, Đảng ta phải triển khai đồng bộ, toàn diện các giải pháp theo hệ thống “trên – dưới, dọc – ngang”. Trong đó, nêu gương trách nhiệm của người đứng đầu là một giải pháp giữ vai trò đặc biệt quan trọng.
Chúng ta phải thống nhất nhận thức rằng, người đứng đầu là người có trách nhiệm cao nhất và chịu trách nhiệm trước cấp trên về việc lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, xây dựng tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh, giáo dục và rèn luyện cán bộ, đảng viên thuộc quyền. Là người lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý tình hình mọi mặt của tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, chịu trách nhiệm cao nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, xây dựng tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh.
Người đứng đầu là những người thường xuyên nghiên cứu, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng thành nghị quyết, kế hoạch để tổ chức thực hiện tại cơ quan, đơn vị mình. Họ cũng là “cầu nối” đem “ý Đảng” đến với “lòng dân” thông qua công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục quần chúng, xây dựng nhận thức đúng đắn cho mình và cho quần chúng về nhiệm vụ phòng, chống suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên. Họ cũng là người trực tiếp quản lý, giáo dục, rèn luyện và phát triển đội ngũ cán bộ, đảng viên, gương mẫu, đi đầu trong tu dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống, đề cao tự phê bình và phê bình, đấu tranh phê phán những quan điểm, suy nghĩ, tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống sai trái, lệch lạc; chấn chỉnh những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên trong cơ quan, đơn vị mình.
Trong đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu phải xác định rõ trách nhiệm của mình trước Đảng, trước nhân dân, trước Tổ quốc, gắn trách nhiệm của tập thể với cá nhân. Nếu để xảy ra tình trạng tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên thuộc cơ quan, đơn vị mình thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm và phải xem xét xử lý theo quy định của Đảng. Người đứng đầu cũng phải chịu trách nhiệm cao nhất trước tổ chức nếu không kịp thời đấu tranh, kiên quyết xử lý cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; không có biện pháp rèn luyện, giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên, không khuyến khích, phát huy được vai trò của các tổ chức, cá nhân trong phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; không kịp thời bảo vệ và động viên những cán bộ, đảng viên hăng hái đấu tranh phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong tổ chức, cơ quan, đơn vị mình.
Bàn về vai trò của người đứng đầu trong công tác nêu gương, rèn luyện đạo đức cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định, ở phương Đông và ở Việt Nam, “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”; “Xưa nay, làm gương cho người khác soi vào bao giờ cũng thuận chiều xuôi từ trên xuống dưới chứ không bao giờ ngược từ dưới lên trên. Nghĩa là, người nhiều tuổi làm gương cho người ít tuổi; người có chức vụ cao làm gương cho người chức vụ thấp hoặc người không có chức vụ; đảng viên làm gương cho nhân dân”.
Quán triệt và vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò nêu gương của người đứng đầu trong công tác xây dựng đạo đức cách mạng, Đảng ta đã nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của việc thực hiện nêu gương của người đứng đầu và vận dụng vào công tác đấu tranh phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Theo đó, trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu trong tổ hợp “những người có chức, có quyền”. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) đã khẳng định thêm tư duy đó khi chỉ ra rằng: “Các cấp ủy, tổ chức Đảng phải chỉ đạo, rà soát, hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền, theo hướng quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó; phân định rõ thẩm quyền và trách nhiệm tập thể, cá nhân trong từng công đoạn giải quyết công việc và có chế tài xử lý nghiêm những hành vi vi phạm. Kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức đối với cán bộ làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ, yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu. Trước mắt, rà soát, kiểm tra, xử lý dứt điểm các vụ việc vi phạm trong thực thi quyền lực gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Sẽ là thất bại trong việc phòng, chống và ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, nếu có sự hư hỏng từ đội ngũ này, chứ không phải chỉ từ đảng viên. Vì thế, phải nghiêm khắc, quyết liệt từ phía tổ chức và từ chính sự tự giác, răn mình, từ sự tự nhận thức của người đứng đầu.
Người xưa có câu: “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”. Đây là cặp phạm trù “nguyên nhân – kết quả” và là hệ quả trong ứng xử của xã hội trong quan hệ của người đứng đầu với cán bộ, đảng viên. Vai trò nêu gương của người đứng đầu chính là sức mạnh của sự định hướng, dẫn dắt và trở thành “véc tơ lực” trong công cuộc phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên. Người đứng đầu phải là người có sứ mệnh luôn luôn trở thành một “tấm gương sáng” không một chút bụi mờ. Người đứng đầu phải trở thành “ngọn hải đăng” để định hướng, dẫn lối cho cán bộ, đảng viên và quần chúng trong quá trình tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên. Biện pháp nêu gương, phát huy vai trò trách nhiệm của người đứng đầu là một biện pháp có tính “tiên quyết”, là liều “vắc xin” miễn dịch hữu hiệu nhất trong việc tiến công vào mặt trận chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay.
Chúng ta có niềm tin vững chắc vào sự thắng lợi của cách mạng, vào tiền đồ tương lai của đất nước sẽ đạt được những kết quả nổi bật mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định. Điều đó phụ thuộc vào quá trình tu dưỡng đạo đức, lối sống và hành động của mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu trong việc chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Bài 3: Kết hợp giữa “xây” và “chống”, đề cao tự phê bình và phê bình
Cao Văn Cầm/Biên Phòng