Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trước sự phát triển của trí tuệ nhân tạo và mạng xã hội
Không gian mạng, nhất là mạng xã hội (MXH) ngày nay có vai trò và tác động lớn đến đời sống xã hội. Trước sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence – viết tắt là AI) và MXH thì công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các thông tin xấu, độc của các thế lực thù địch trên không gian mạng đòi hỏi phải liên tục đổi mới và phát huy những mặt tích cực của công nghệ.
Việc sớm nhận diện, ứng phó kịp thời với những mặt trái của công nghệ AI và MXH sẽ giúp tìm ra giải pháp phù hợp.
Trí tuệ nhân tạo và những ứng dụng
AI hay còn gọi là trí thông minh nhân tạo là một ngành thuộc lĩnh vực khoa học máy tính. Là trí tuệ do con người lập trình tạo nên với mục đích giúp máy tính có thể tự động hóa các hành vi thông minh như con người. AI là thành quả mô phỏng các quá trình trí tuệ của con người bằng máy móc, đặc biệt là các hệ thống máy tính. Các quy trình này bao gồm học tập (thu nhận thông tin và quy tắc sử dụng thông tin), hệ thống lý luận (sử dụng quy tắc để đạt được kết luận gần đúng hoặc xác định) và tự điều chỉnh.
AI lần đầu tiên được báo cáo nghiên cứu chính thức vào năm 1956. Đến đầu thế kỷ XXI có bước phát triển nhảy vọt nhờ khả năng tính toán của thiết bị và công nghệ điện toán đám mây trên nền tảng dữ liệu lớn (big data). Một trong những nguyên tắc cơ bản của AI là mô phỏng theo suy nghĩ, tư duy con người dựa trên nền tảng dữ liệu lịch sử và các thuật toán định hướng tối ưu hóa. Vì thế, khi cơ sở dữ liệu đầu vào càng lớn, các hành động lịch sử càng nhiều thì khả năng tư duy và đưa ra câu trả lời càng chính xác, tối ưu. Khả năng phát triển của AI được dự đoán là chưa có điểm dừng chừng nào nó còn tiếp cận đầy đủ kho tàng tri thức và dữ liệu hành động của con người đã được số hóa.
Ngày nay, AI được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội như: sản xuất, kinh doanh (tự động hóa sản xuất, bán hàng, thanh toán, phân tích đánh giá xu hướng…); chăm sóc sức khỏe (chẩn đoán, tư vấn, hỗ trợ bệnh nhân…); giáo dục (chấm điểm, đánh giá năng lực, hỗ trợ người học, trợ giảng…); pháp luật (sàng lọc, đánh giá dữ liệu…); giải trí (điện ảnh, âm nhạc, hội họa…).
Khi mạng xã hội được hỗ trợ bởi AI
MXH (social network) là hệ thống thông tin cung cấp cho cộng đồng người sử dụng mạng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin với nhau, bao gồm dịch vụ tạo trang thông tin điện tử cá nhân, diễn đàn (forum), trò chuyện (chat) trực tuyến, chia sẻ âm thanh, hình ảnh và các hình thức dịch vụ tương tự khác. Theo định nghĩa này, hiện nay tại Việt Nam phổ biến các mạng gồm: Facebook, Zalo, Instagram, Twitter, Youtube…
MXH mang lại nhiều tác động tích cực như tạo nên sự kết nối, chia sẻ các thông tin hữu ích, nâng cao kỹ năng sống… Mục đích của MXH là xây dựng mối quan hệ lành mạnh, giao lưu giữa người với người, nên thông qua MXH sẽ thúc đẩy, mở rộng các mối quan hệ, sự tương tác với nhau. Ngoài ra, thông tin trên MXH cũng được cập nhật nhanh chóng.
Bên cạnh đó, MXH cũng đã bộc lộ nhiều tác động tiêu cực, như: sử dụng nhiều MXH sẽ làm giảm tương tác giữa người với người; những yêu thích, bình luận… ảo trên mạng đang ngày càng khiến nhiều người cố theo đuổi những thứ không thực tế… Nghiêm trọng hơn, việc yêu thích sử dụng MXH có thể dẫn đến tình trạng nghiện – đặt MXH lên trên mọi mối quan hệ ngoài đời thực, để MXH can thiệp quá sâu vào cuộc sống hàng ngày sẽ ảnh hưởng xấu đến công việc, học tập. Đặc biệt, vì sự phát triển của MXH, hiện nay nhiều đối tượng lợi dụng MXH để kích động bạo lực, đưa thông tin sai sự thật, lừa đảo chiếm đoạt tài sản… diễn ra khá phổ biến, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng lớn đến tình hình an ninh, trật tự.
Đặc biệt, thời gian gần đây, dư luận rất quan tâm đến ứng dụng Chat GPT. Chat GPT (Chat Generative Pre-training Transformer) là một công cụ dạng hộp trò chuyện (chatbot) được phát triển bởi công nghệ AI của Công ty OpenAI. Công cụ xử lý ngôn ngữ này có khả năng tương tác ở dạng đối thoại đàm thoại và đưa ra những phản hồi giống như con người. Mô hình ngôn ngữ này có khả năng trả lời các câu hỏi, hỗ trợ thực hiện các tác vụ như soạn email, viết luận, ngôn ngữ lập trình và viết nội dung.
Sự ra đời của Chat GPT đã dấy lên cuộc tranh luận rằng liệu máy móc có thể thay thế hoàn toàn suy nghĩ của con người hay không và ngày càng xuất hiện nhiều mối lo ngại về tính đúng đắn khi sử dụng năng lực của máy móc để thay thế khả năng tư duy, năng lực sáng tạo của con người.
Nhận diện những nguy cơ tiềm ẩn
Khi AI được sử dụng ngày càng rộng rãi trên các nền tảng MXH, những vấn đề rất đáng lo ngại sẽ xuất hiện. Cụ thể, khi một thông tin đưa lên MXH thì ngay lập tức có thể thu hút rất nhiều người xem, tham gia bình luận, đưa ra các nhận xét dựa trên quan điểm cá nhân. Nếu thông tin đó sai lệch hoặc cố ý hướng sự chú ý theo chủ đích của người đăng thì rất dễ tạo ra một xu hướng, nhận thức về vấn đề thiên lệch so với thực tế một cách có chủ đích. Việc này nếu lặp lại nhiều lần, sự tham gia bày tỏ quan điểm của số đông ngày càng lớn thì các công cụ AI sẽ sử dụng dữ liệu này thành cơ sở để đưa ra lời giải đáp cho người dùng khi được tương tác.
Các phần tử xấu, các thế lực thù địch có thể sử dụng AI và MXH tung tin thất thiệt, cố ý xuyên tạc sự thật, xuyên tạc lịch sử, chống phá Đảng, Nhà nước ta hoặc xâm nhập và sửa đổi cơ sở dữ liệu mở bằng nhiều hình thức, thủ đoạn khác nhau để lôi kéo nhiều người theo dõi, tham gia bình luận. Một khi số lượng tương tác đủ lớn sẽ tạo nên xu hướng, nhận thức sai lệch. Nếu người dùng sử dụng các công cụ tìm kiếm, tương tác, nhất là các thế hệ trẻ chưa được định hình về nền tảng nhận thức thì dễ bị lôi cuốn, có nhận thức lệch lạc.
Một cách thức khác là sử dụng số lượng lớn người dùng ở nước ngoài, nhất là các nước phương Tây thiếu thông tin, ít thiện cảm với thể chế chính trị của nước ta để đưa những thông tin bôi nhọ, xuyên tạc, nói xấu nhằm tạo dư luận, gia tăng số lượng tương tác, hình thành các xu hướng cực đoan ở nước ngoài, sau đó sử dụng các công cụ chuyển ngữ AI để chuyển nội dung sang tiếng Việt, vừa tránh né được sự kiểm duyệt của cơ quan chức năng, vừa gây ra sức chống phá rất lớn về tư tưởng, thúc đẩy quá trình “tự diễn biến” rất nguy hiểm.
Các giải pháp bảo vệ
Từ những phân tích nói trên có thể thấy rằng trong xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới, việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các thông tin xấu, độc, thù địch trên không gian mạng đòi hỏi phải có những giải pháp toàn diện, mạnh mẽ cả về nhận thức, hành động và thể chế.
Thứ nhất, tiếp tục khẩn trương hoàn thiện thể chế quản lý nhà nước trên không gian mạng, xem không gian mạng cũng là tài nguyên, chủ quyền quốc gia, văn hóa trên không gian mạng cũng là một phần không thể tách rời của nền văn hóa Việt Nam. Từ đó phải hoàn thiện thể chế quản lý nhà nước tất cả các mặt của đời sống xã hội trên không gian mạng để tạo môi trường lành mạnh nhằm định hướng đời sống xã hội trên không gian mạng theo đúng định hướng XHCN.
Thứ hai, từng bước chuẩn hóa, số hóa và xây dựng cơ sở dữ liệu số về Đảng, văn kiện Đảng, tài liệu về chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng để tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trên không gian mạng nhằm cung cấp tài nguyên đủ mạnh cho các nền tảng số ứng dụng để đảm bảo tính định hướng thông tin.
Thứ ba, coi trọng việc xây dựng văn hóa ứng xử, đề cao tinh thần dân tộc trong xem xét, cấp phép cho các nền tảng MXH tham gia hoạt động ở Việt Nam, đồng thời hỗ trợ để phát triển các nền tảng, ứng dụng AI của người Việt để tạo nên hệ sinh thái văn hóa Việt trên không gian mạng. Đây cũng là một cách khẳng định chủ quyền quốc gia, dân tộc trên không gian mạng.
Thứ tư, huy động và phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên trong tham gia đóng góp ý kiến bình luận, đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, phản động để tạo sức mạnh cân bằng thông tin, tích cực tập hợp quần chúng trên không gian mạng, đẩy mạnh cung cấp thông tin chính thống, chia sẻ thông tin tích cực để lành mạnh hóa môi trường thông tin trên không gian mạng.
(HUỲNH LỮ TÂN/PYO)