CẢNH BÁO THỦ ĐOẠN GIẢ DANH QUÂN NHÂN, MẠO DANH ĐƠN VỊ QUÂN ĐỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN
Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Phú Yên xuất hiện tình trạng nhiều người dân nhận được liên hệ từ các đối tượng giả danh quân nhân, mạo danh các đơn vị Quân đội để để lừa đảo, nạn nhân của các đối tượng này là các chủ Doanh nghiệp bán hàng, cửa hàng dịch vụ, hộ kinh doanh và người dân buôn bán … có thông tin liên hệ công khai trên các website, mạng xã hội hoặc vô tình để lộ thông tin từ đó chúng thu thập tìm hiểu và tiếp cận.
Khoảng tháng 6/2024, anh Đ.N.Y trú tại TP Tuy Hòa là chủ một Đại lý kinh doanh thương mại và dịch vụ điện công nghiệp, tự động hóa tại Phú Yên nhận được cuộc gọi từ số điện thoại 0349831215 đến số điện thoại của anh Đ.N.Y được anh Y để công khai trên các trang thông tin điện tử. Đối tượng này tự xưng Hoàng Văn Tùng là cán bộ hậu cần thuộc Lữ đoàn 682 Quân đội nhân dân Việt Nam đang đóng quân tại xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên liên hệ đặt mua 01 Biến tần 3 pha 380V, công suất 110k có giá trị hơn 68 triệu đồng để phục vụ nhu cầu của đơn vị, sau đó đối tượng này chuyển khoản đặt cọc số tiền 02 triệu đồng và hẹn giao thiết bị vào hôm sau. Tuy nhiên, lúc sau đối tượng yêu cầu anh Đ.N.Y mua giúp một thiết bị khác có giá trị hơn 100 triệu đồng nhưng Đại lý của anh Đ.N.Y không buôn bán thiết bị này nên giới thiệu anh Đ.N.Y liên hệ đến số điện thoại 0967932405 của công ty Xuất nhập khẩu AVA để chuyển khoản số tiền hơn 100 triệu đồng đặt mua giúp. Vì số tiền lớn nên anh Đ.N.Y đã đến trực tiếp đơn vị Lữ đoàn 682 để tìm hiểu thì tá hỏa phát hiện không hề có người nào tên Hoàng Văn Tùng là cán bộ hậu cần thuộc Lữ đoàn 682 và đơn vị này cũng không có nhu cầu mua thiết bị trên để phục vụ công tác.
Thủ đoạn của các đối tượng này là gọi điện thoại đến trực tiếp hoặc nhắn tin thông qua các nền tảng mạng xã hội (Facebook, Zalo) tự xưng là quân nhân thuộc các đơn vị Quân đội đóng quân trên địa bàn tỉnh liên hệ có nhu cầu mua hàng của người dân để phục vụ công tác. Thông tin các tài khoản mạng xã hội (Facebook, Zalo, …) của các đối tượng thường có các hình ảnh mặc trang phục sĩ quan Quân đội và có nhiều bài viết đăng tải các hoạt động của lực lượng Quân đội, đồng thời khi liên hệ mua hàng các đối tượng sẽ thực hiện chuyển khoản đặt cọc một số tiền để tạo lòng tin. Sau đó chúng nhờ mua thêm các mặt hàng khác với số lượng lớn hoặc mặt hàng có giá trị cao mà cửa hàng nạn nhân không có để giới thiệu một nguồn hàng từ cửa hàng trung gian khác do nhóm đối tượng lừa đảo giả danh với lợi nhuận hấp dẫn, dụ dỗ nạn nhân chuyển khoản đặt cọc mua hàng. Khi nạn nhân chuyển khoản đặt cọc thì các đối tượng chặn tin nhắn và cắt đứt liên lạc, chiếm đoạt tiền.
Nguyên nhân của các vụ việc trên là do người dân thiếu cảnh giác, tin tưởng chuyển khoản đặt cọc hàng, giao hàng khi chưa xác thực kỹ thông tin, chấp nhận giao dịch với đối tượng lạ và một phần vì ham lợi nhuận cao nên nhiều nạn nhân đã ứng tiền chuyển khoản để nhập các loại hàng hóa mà cửa hàng mình không kinh doanh dẫn đến bị chiếm đoạt tài sản.
KHUYẾN CÁO:
– Người dân KHÔNG thực hiện bất kỳ giao dịch chuyển tiền nào khi chưa xác thực kỹ thông tin người mua hàng.
– Thường xuyên tìm hiểu, cập nhật liên tục các kiến thức về các thủ đoạn lừa đảo thông qua các báo, đài, trang mạng xã hội chính thống để phòng tránh.
– Hạn chế chia sẻ các giấy tờ chứa đựng thông tin cá nhân, số điện thoại … lên các trang mạng xã hội nhằm tránh để các đối tượng lừa đảo thu thập để phục vụ cho hoạt động lừa đảo.
– Khi gặp các trường hợp đối tượng có dấu hiệu lừa đảo, đề nghị người dân trình báo ngay cơ quan chức năng gần nhất để được hướng dẫn, xử lý kịp thời. Tích cực chia sẻ các thông tin cảnh báo đến người thân, bạn bè và mọi người xung quanh, góp phần ngăn chặn tội phạm lừa đảo trên không gian mạng.
(TTYN)