Cần nhìn nhận khách quan về thực tế dân chủ ở Việt Nam

Những ai sử dụng Internet, mạng xã hội thì chắc chắn sẽ thấy có rất nhiều bài viết, video thông tin, bình luận xuyên tạc về tình hình dân chủ ở Việt Nam, với những luận điệu như “Việt Nam mất dân chủ, không có tự do ngôn luận, tự do báo chí”. Đặc biệt, trước thềm Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, các luận điệu này lại phát tán dày đặc hơn trên các trang mạng xã hội. Vậy, thực tế tình hình dân chủ ở Việt Nam có đúng như những gì họ viết, nói hay không?

Cần nhìn nhận khách quan về thực tế dân chủ ở Việt Nam

Hiến pháp của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, tại Điều 3 quy định rất rõ: Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện. Điều 6 cũng nói rõ: Nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh số: 34/2007/PL-UBTVQH, ngày 20/4/2007 “Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn”, Chính phủ ban hành Nghị định số: 60/NĐ-CP, ngày 19/6/2013, “Quy định chi tiết khoản 3 Điều 63 của Bộ luật Lao động về thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc” và Nghị định số: 04/2015/NĐ-CP, ngày 09/01/2015 “Về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập” đã góp phần tích cực vào quá trình phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Hiện nay, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội đang tích cực thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh theo Quyết định số 217-QÐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội. Ở các cơ quan, đơn vị, chính quyền cơ sở đều thành lập Ban Thanh tra Nhân dân (đây là tổ chức của quần chúng nhân dân) để thực hiện quyền giám sát của nhân dân đối với Nhà nước.  

Như vậy, ở Việt Nam, quyền làm chủ của người dân được pháp luật bảo hộ. Còn về mặt thực tiễn như thế nào?

Trước hết, nói về việc thực hiện dân chủ trong hế thống chính trị. Mọi công dân Việt Nam đều có thể tham gia vào tất cả các công việc trong hệ thống chính trị của Việt Nam miễn là anh đủ tiêu chuẩn về trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức, không phân biệt giai cấp, dân tộc, tôn giáo. Đặc biệt, đối với người dân tộc thiểu số còn là đối tượng được ưu tiên trong tuyển dụng. Mọi công dân Việt Nam được quyền lựa chọn và thi tuyển vị trí công tác phù hợp với mình trong hệ thống chính trị. Tất nhiên, khi đã chấp nhận vào làm việc trong tổ chức thì công chức, viên chức và người lao động phải phục tùng, chấp hành các quy định, nguyên tắc tổ chức, hoạt động của tổ chức, đó là điều không cần bàn cãi, vì tổ chức nào cũng có tôn chỉ, mục đích, quy định của nó, buộc mọi người phải thực hiện. Người trong tổ chức được quyền đề đạt ý kiến, thể hiện chính kiến riêng của bản thân, kể cả tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị.

Đối với việc thực hiện dân chủ trong xã hội, người dân được phép làm bất cứ điều gì mà pháp luật không cấm. Người dân được quyền đề đạt ý kiến, nguyện vọng của mình với hầu hết cơ quan trong hệ thống chính trị Việt Nam, mà trực tiếp là các tổ chức như Quốc hội, hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp… Trước các kỳ họp Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức tiếp xúc cử tri, tập hợp đầy đủ các kiến nghị của các tổ chức thành viên, ý kiến của cử tri để phản ánh đến Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp và chuyển đến các cơ quan Nhà nước xém xét, giải quyết. Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp thường xuyên giám sát Chính phủ và chính quyền địa phương trong việc tiếp thu và giải quyết các kiến nghị chính đáng nhân dân. Cấp ủy, chính quyền và các cơ quan chức năng luôn sẵn sàng tiếp nhận ý kiến, đơn thư phản ảnh của người dân, hằng tháng, hằng quý đều tổ chức những buổi tiếp công dân. Nếu có những vấn đề vướng mắc, cấp ủy, chính quyền địa phương còn tổ chức các cuộc họp đối thoại trực tiếp, công khai với nhân dân. Như vậy, người dân có rất nhiều kênh để đề đạt ý kiến, nguyện vọng của mình với Đảng và Nhà nước và được Đảng, Nhà nước tiếp thu, nghiên cứu giải quyết nếu ý kiến đó là đúng, nguyện vọng đó là chính đáng.

Đối với hoạt động báo chí, ở Việt Nam có gần 1 nghìn cơ quan báo chí, trong đó có rất nhiều tờ báo của các hội quần chúng. Báo chí hoạt động theo Luật Báo chí. Báo chí có thể viết, nói bất kỳ điều gì, miễn là thông tin, phản ánh đúng sự thật. Nhà nước Việt Nam còn khuyến khích báo chí tích cực phát hiện, phản ánh, đấu tranh phòng chống tham nhũng và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội. Thời gian qua, nhiều vụ tiêu cực, tham nhũng trong các cơ quan công quyền được báo chí phát hiện, đưa ra ánh sáng. Có thể nói, ở Việt Nam, báo chí được Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động, phát triển và đóng góp vào sự phát chung của đất nước.

Tất cả những gì tôi dẫn ra trên đây là minh chứng rõ ràng nhất để khẳng định luận điệu “Việt Nam mất dân chủ” là hoàn toàn bịa đặt, vu khống, có lẽ họ dựng lên là vì một mục đích, động cơ chính trị xấu xa nào đó nhằm phá hoại sự bình yên của đất nước.

NTPB

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.