CHỈ CÓ NHỮNG KẺ TÂM ĐỊA ĐEN TỐI MỚI XUYÊN TẠC, PHỦ NHẬN THÀNH TỰU PHÁT TRIỂN KINH TẾ CỦA VIỆT NAM

Thời gian gần đây, các thế lực thù địch, phản động, bất mãn, cơ hội chính trị tiếp tục tăng cường chống phá cách mạng Việt Nam, trong đó chúng tìm mọi cách xuyên tạc tình hình phát triển kinh tế của đất nước. Cụ thể, mới đây trên trang mạng của tổ chức khủng bố Việt Tân đã tán phát bài viết “Vì sao Việt Nam chậm phát triển” với nội dung xuyên tạc, đả kích Đảng, chế độ, quy chụp, đổ lỗi cho các lãnh đạo Đảng, Nhà nước về những hạn chế, khuyết điểm, tiêu cực trong quá trình đổi mới đất nước.

Chúng cho rằng “Nền kinh tế Việt Nam ngày càng yếu kém, dân tình khổ sở, nhiều nơi thiếu đói; Nhà nước không đủ năng lực lãnh đạo đất nước, các chính sách kinh tế – xã hội được Đảng đưa ra là sai lầm. Chúng còn đưa ra dự báo ngớ ngẩn khi cho rằng kinh tế Việt Nam sẽ đi vào ngõ cụt, không lối thoát và kích động người dân phải đấu tranh để xóa bỏ đường lối kinh tế của Đảng… Đây là những luận điệu hoàn toàn sai trái, cố tình đưa ra những nhận định, đánh giá thiếu khách quan nhằm làm mất uy tín của Đảng, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội Việt Nam.

Cần khẳng định, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã ban hành và triển khai nhiều chính sách phù hợp để thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế. Trước hết, hành lang pháp lý về kinh tế đã được xây dựng tương đối đầy đủ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thuộc mọi loại hình sở hữu hoạt động. Việc hội nhập kinh tế quốc tế cũng diễn ra mạnh mẽ. Nước ta đã tham gia vào nhiều hiệp định thương mại song phương và đa phương, trong đó nổi bật như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA)… Cùng với đó, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh, góp phần làm trong sạch môi trường đầu tư, kinh doanh. Tất cả yếu tố nêu trên đã tạo động lực to lớn thúc đẩy nền kinh tế đất nước phát triển một cách mạnh mẽ. Theo Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, GDP năm 2022 tăng 8,02%, dự ước năm 2023, tăng khoảng 5%; bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 4.436 USD. Quy mô GDP năm 2023 ước đạt 48,18 tỷ USD, tăng hơn 26 tỷ USD so với năm 2022. Như vậy, có thể thấy, quy mô nền kinh tế Việt Nam đã tăng hơn 10 lần so với năm 2000, Việt Nam đã chính thức có tên trong “câu lạc bộ” 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam chỉ đứng sau Indonesia, Thái Lan và Malaysia về quy mô kinh tế. Nếu tính theo sức mua tương đương, Việt Nam chỉ thua Thái Lan và Indonesia về GDP.

Tóm lại, thành công của kinh tế Việt Nam là kết quả sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, sự điều hành quyết liệt của Nhà nước, nỗ lực cố gắng của các cấp, các ngành, các địa phương và cả cộng đồng. Sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc chính là nội lực to lớn để chúng ta đi đến thắng lợi về kinh tế cũng như các nhiệm vụ quan trọng khác của cách mạng Việt Nam. Đây cũng là minh chứng sống động đập tan mọi luận điệu xuyên tạc, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công cuộc đổi mới đất nước ta hiện nay.

(NA.PB)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *