Cần ứng xử văn minh trên mạng xã hội
Thời gian vừa qua, không ít hành xử kém văn minh của một bộ phận người dùng internet (in-tơ-nét) trong nước đã ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Đáng lo ngại hơn, các hành vi tiêu cực này lại tiếp tục tái diễn, thậm chí có chiều hướng gia tăng trong bối cảnh cả nước đang chung sức, đồng lòng chống lại đại dịch Covid-19.
Đối mặt với các khó khăn, thách thức từ dịch Covid-19, dưới sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt và thường xuyên của Đảng, Nhà nước, cả hệ thống chính trị, các cơ quan, bộ, ban, ngành và người dân Việt Nam đang thể hiện rất tốt khả năng ứng phó với đại dịch nguy hiểm nhất hiện nay. Không chủ quan, bị động, các cơ quan chức năng đã và đang khẩn trương phối hợp cùng toàn dân triển khai những hoạt động cụ thể, thiết thực để kịp thời hỗ trợ người bị bệnh, ngăn chặn nguy cơ lây lan của dịch bệnh trong cộng đồng. Chính từ những giải pháp quyết liệt và hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, Việt Nam đã chứng minh vẫn luôn là một “đất nước an toàn” trên thế giới. Và không chỉ vậy, kinh nghiệm phòng, chống dịch của Việt Nam, phương án đón công dân trở về từ vùng dịch, giải pháp khám, chữa bệnh cho người nước ngoài bị nhiễm Covid-19,… đã nhận được sự đánh giá cao và nhiều thiện cảm từ bạn bè trên thế giới. Tuy nhiên, những hình ảnh ấy sẽ đẹp đẽ và trọn vẹn hơn nếu không có các ứng xử kém văn minh, vô ý thức của một bộ phận người sử dụng internet tại Việt Nam.
Không thể không lo ngại vì trong khi chính quyền và nhân dân cả nước đang căng mình “chống dịch như chống giặc”, thì vẫn có một số người Việt vẫn cố “không chịu ngồi yên”, tự biến mình thành “anh hùng bàn phím”, lợi dụng cơ hội để thể hiện khả năng “biết tuốt” của bản thân trên mọi lĩnh vực. Dù vô tình hay cố ý, họ chính là nguyên nhân gây ra tình trạng thông tin sai sự thật về số lượng ca nhiễm bệnh và danh tính người nhiễm bệnh, tung ra các biện pháp phòng, chống phản khoa học… đăng tải nhan nhản trên không gian mạng, đặc biệt là mạng xã hội như Facebook, Youtube, tạo ra những lo lắng, bức xúc không đáng có, gây bất ổn trong dư luận xã hội.Và đáng tiếc, một số chủ nhân của “tin vịt”, gây hoang mang trong dư luận lại là… nghệ sĩ nổi tiếng. Thậm chí một nữ diễn viên khá nổi tiếng lại có thể đăng một dòng trạng thái vô cảm: “Nghĩ lại nên cảm ơn cô Vy (Covid-19), dân số thế giới đã quá tải rồi nên chết bớt đi cho rộng chỗ!”. Nhưng ý kiến tùy tiện, bất nhẫn không dừng lại ở đó, mà chỉ là điểm khởi đầu cho cuộc khẩu chiến bằng thứ ngôn ngữ “sặc mùi chợ búa” giữa nữ diễn viên nọ với một nhóm người trên mạng xã hội. Một thí dụ khác, trong khi nhiều người nổi tiếng đã tự nguyện cách ly tập trung sau khi trở về Việt Nam từ vùng có dịch, “ông bầu” trong giới người mẫu là V.K.T lại có hành động không trung thực, thiếu hợp tác, thậm chí gây khó khăn cho các cơ quan chức năng. Tuyên bố tự cách ly trong căn hộ của mình, song người này vẫn ra ngoài, tiếp xúc trực tiếp với nhiều người, thản nhiên đăng tải hình ảnh, vi-đê-ô đó lên mạng xã hội. Khi được vận động đến khu cách ly, người đàn ông này lại thêm một lần nữa khiến dư luận bức xúc khi đưa ra những lời khó nghe, như: “cảm thấy ngột ngạt”, “không bị bệnh mà đến đây thành bị bệnh”. Vì thế có thể nói, những ứng xử cá nhân trong hoàn cảnh bùng phát của dịch bệnh cũng đã phần nào thể hiện ý thức và trách nhiệm xã hội, cũng như nhân cách, văn hóa, bản lĩnh của cá nhân đó. Và diễn biến phức tạp của bệnh dịch đã làm lộ diện một số người hẹp hòi ích kỷ, chỉ biết sống cho riêng mình, bỏ qua các lợi ích thiết thân của xã hội, cộng đồng.
Nguy hại hơn, nỗi sợ hãi về nguy cơ Covid-19 lây lan qua người nước ngoài và người Việt Nam trở về từ vùng dịch đã rất nhanh chóng bị một số cá nhân, tổ chức có động cơ thiếu trong sáng lợi dụng nhằm gây chia rẽ tình cảm giữa người Việt với người Việt, giữa Việt Nam với một số quốc gia khác trên thế giới, thậm chí là cơ hội để xuyên tạc, vu khống Đảng, Nhà nước. Chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi và thói vô văn hóa đã được những kẻ này khéo léo lồng ghép trong những trào lưu phản cảm. Thí dụ, chỉ vì hành vi ứng xử thiếu hiểu biết của một vài du khách quốc tế, những cuộc tẩy chay hướng tới một số quốc gia có số ca nhiễm Covid-19 ở mức cao đã được họ phát động trên các nền tảng mạng xã hội Facebook, Youtube, Twitter, Instagram. Thậm chí fanpage (cộng đồng có chung sở thích) như “Ngoa” còn hướng dẫn “những cái đầu nóng” viết các câu chữ thô tục bằng tiếng của quốc gia nọ đăng trên Twitter chủ yếu để người bản xứ đọc được. Cùng với làn sóng tẩy chay vô văn hóa như vậy, số cá nhân, tổ chức này còn lao vào tiến công đời tư các người bệnh bị nhiễm Covid-19 trong sự hả hê. Đặc biệt, hành xử kém văn minh của một bộ phận cộng đồng mạng người Việt trong mùa dịch không chỉ tăng về số lượng, mà còn mở rộng về độ tuổi. Cụ thể là trong những ngày qua, bộ phận kỹ thuật của Đài Phát thanh – Truyền hình Hà Nội phải làm việc cật lực để ngăn chặn bình luận tục tĩu xuất hiện trên các chương trình ôn tập, chuẩn bị kiến thức cho kỳ thi tốt nghiệp phục vụ học sinh lớp 9 và lớp 12. Đáng buồn là nhiều bình luận trong số này do chính các em học sinh viết, khiến người lớn phải lo ngại. Để làm rõ sự việc, Đài Phát thanh – Truyền hình Hà Nội đang xem xét phối hợp Công an thành phố Hà Nội cùng vào cuộc, điều tra và tiến hành xử lý.
Trên thực tế và qua lịch sử vấn đề, không phải chỉ từ một đại dịch như dịch Covid-19 vừa qua, mới cho thấy những hành xử kém văn minh trên không gian mạng của nhiều người Việt Nam. Có điều dường như lâu nay phần lớn người bị hại và dư luận xã hội còn dễ dàng bỏ qua hoặc quá thờ ơ, xem thường hậu quả có thể xảy ra từ tệ nạn tin giả, tin bịa đặt trên không gian mạng. Điều này khiến cho các thói xấu như: đăng tải tin tức giả, tẩy chay cá nhân, tiến công mạng, gian lận trong trò chơi trực tuyến, sử dụng thứ ngôn ngữ tục tĩu để tranh luận hoặc “đánh hội đồng”,… có cơ hội xuất hiện và tồn tại như một thực trạng xấu xí trên một số trang mạng có người Việt Nam tham gia. Thực trạng đó đã khiến hình ảnh cộng đồng người sử dụng mạng ở Việt Nam phần nào bị ảnh hưởng, nhất là ấn tượng về thái độ sử dụng mạng kém văn minh, thói quen cư xử thiếu văn hóa, phản cảm. Điển hình dễ thấy là sau mỗi trận bóng đá của Đội tuyển quốc gia Việt Nam, tài khoản mạng xã hội của cầu thủ, huấn luyện viên đội bóng đối phương, trọng tài điều khiển trận đấu,… lại tràn ngập cơn bão bình luận, nhiều khi đến thô thiển, tục tĩu, đến từ cư dân mạng Việt Nam. Các cuộc tiến công chỉ kết thúc khi các tài khoản này khóa lại, hoặc dừng hoạt động. Thậm chí cộng đồng sử dụng mạng và rất nhiều người yêu bóng đá đã phải xấu hổ trước sự kiện: sau khi không thể vượt qua vòng bảng SEA Games 2019, fanpage Chansuek (Trang chủ của Đội tuyển bóng đá quốc gia Thái-lan trên mạng xã hội Facebook) đã chặn các địa chỉ internet (IP) đến từ Việt Nam trong hai tuần lễ do cách hành xử của một số cá nhân người Việt Nam. Một số đơn vị kinh doanh nước ngoài như TripAdvisor đã phải điêu đứng vì chiêu trò tẩy chay chẳng cần biết đúng sai, thực hư,… trên mạng xã hội của một số cư dân mạng Việt Nam. Chưa kể, để bảo đảm an toàn, tránh tình trạng tiến công mạng, ăn cắp bản quyền, nhiều công ty quốc tế đã không cung cấp một số dịch vụ truyền thông, ứng dụng tại Việt Nam; một số nhà phát hành trò chơi trực tuyến thì lựa chọn tính năng khóa chức năng hội thoại và địa chỉ internet với các tài khoản đăng ký tại Việt Nam…
Mới đây, báo cáo chỉ số văn minh trên không gian mạng (Digital Civility Index) do Tập đoàn Microsoft công bố đã xếp Việt Nam ở vị trí thứ 5 trong số 25 quốc gia được khảo sát. So với năm ngoái, chỉ số DCI của Việt Nam đã tăng 7 điểm. Nghịch lý là trong bản đánh giá này, quốc gia nào nhận số điểm và có vị trí càng cao thì càng kém văn minh. Cũng theo Microsoft, không gian mạng Việt Nam đang phải đối mặt năm rủi ro phổ biến: liên lạc không mong muốn (49%), tin giả (39%), tin nhắn gợi dục không mong muốn (41%), quấy rối tình dục (30%), gạ gẫm gợi dục (29%). Dẫu đây chỉ là con số để tham khảo, tuy nhiên cũng là sự cảnh tỉnh đối với thói quen sử dụng mạng thiếu văn minh của một số người Việt Nam. Chưa kể, dù bản nghiên cứu của Microsoft không phải là khảo sát toàn diện khi chỉ tập trung đánh giá một số tiêu chí trên một phạm vi hẹp (25 quốc gia) nhưng phần nào cũng đã cho thấy sự xuống cấp trong hành vi ứng xử tiêu cực đang có xu hướng gia tăng trong cộng đồng mạng tại Việt Nam. Đối với một tập đoàn công nghệ lớn như Microsoft (xếp thứ 26 trong số các tập đoàn có giá trị nhất thế giới), những nhận xét thiếu tích cực như vậy là rất bất lợi cho Việt Nam, vì các phân tích nêu trên hoàn toàn có thể trở thành tài liệu gợi ý, tham chiếu cho nhiều doanh nghiệp công nghệ, phần mềm khác trong tương lai gần.
Từ tình trạng nêu trên có thể thấy, sẽ tiếp tục là điều nguy hiểm nếu nhiều người dùng internet tại Việt Nam hiện nay vẫn thản nhiên cho rằng mọi chia sẻ, mọi ý kiến trên không gian mạng chỉ là “ảo”, không phải chịu trách nhiệm; trong khi rất nhiều thí dụ trong thực tế đã cho thấy không ít dòng trạng thái, câu bình luận, video, hình ảnh được đăng tải, chia sẻ tưởng như vô thưởng, vô phạt nhưng đều có nguy cơ để lại hệ lụy khôn lường. Để thay đổi tình trạng này, đòi hỏi người dùng internet nói chung, mạng xã hội nói riêng tại Việt Nam phải nâng cao ý thức, có trách nhiệm với nội dung đăng tải, chia sẻ của mình nếu không muốn phải đối mặt những hiểm họa còn tồi tệ hơn, gây ảnh hưởng và tác động xấu đến nhiều cơ hội, tiềm năng phát triển của đất nước, nhất là về kinh tế, dịch vụ. Chưa kể, thói ứng xử hồ đồ, tùy tiện của một số cư dân mạng còn nguy cơ ảnh hưởng, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; làm xấu hình ảnh con người và đất nước Việt Nam với du khách cũng như bạn bè quốc tế.
Kể từ khi Luật An ninh mạng chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2019, bên các quy định và chế tài trước đây, chúng ta có thêm một công cụ pháp lý để trực tiếp ngăn chặn, xử lý các hành vi đăng tải thông tin sai sự thật; xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác, bảo vệ quyền riêng tư. Thời gian qua, cơ quan chức năng đã xử lý hơn 650 trường hợp đưa tin sai sự thật về đại dịch, xử phạt hành chính hơn 140 người, trong khi đó đã có gần một triệu tin tức giả mạo, thất thiệt liên quan đến dịch Covid-19. Tuy nhiên phần lớn mới chỉ dừng lại ở các hình phạt có giá trị răn đe, nhắc nhở từng vụ việc, trường hợp cụ thể. Vì vậy, cùng với tăng cường phát hiện và xử lý sai phạm, nâng cao nhận thức của người dân trong việc sử dụng internet, việc đẩy mạnh, đa dạng các hình thức tuyên truyền, giáo dục, vận động trên mạng xã hội là hướng đi cần được chú trọng. Bởi cùng với nhiều tiêu chí quan trọng khác, thì một môi trường internet lành mạnh với các công dân có hành xử văn minh, lịch sự cũng chính là thước đo cho sự phát triển lâu dài, bền vững của mỗi quốc gia.
(Nhân dân)