Cảnh giác âm mưu lợi dụng việc khởi tố bị can Nguyễn Phương Hằng để xuyên tạc chống phá đất nước

Vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam đối với bà Nguyễn Phương Hằng, sinh năm 1971, thường trú Phường Bến Nghé, Quận 1, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam về tội lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo Điều 331, Bộ luật Hình sự.

Lợi dụng vụ việc này, các thế lực thù địch, phản động đã đăng tải, tán phát nhiều luận điệu xuyên tạc, chống phá nước ta như“bất kỳ tiếng nói nào có ảnh hưởng xã hội đều đối diện nguy cơ bị dập tắt bằng nhà tù”, “pháp luật Việt Nam đã là nồi cám lợn”,… Chúng cho rằng, Việt Nam vi phạm quyền tự do ngôn luận, đồng thời quy kết “Điều 331 là cái gông trên cổ của người dân Việt Nam” và kêu gọi trả tự do cho các đối tượng từng bị Nhà nước ta bắt, xử lý; kêu gọi xóa bỏ Điều 331 Bộ luật Hình sự… Thậm chí kích động người hâm mộ bà Nguyễn Phương Hằng trên toàn quốc xuống đường biểu tình, bao vây trụ sở nơi giam giữ, đòi chính quyền thả người…

Có thể thấy đây là những luận điệu rất nguy hiểm, dễ làm cho những người thiếu thông tin, không nhận rõ bản chất thực sự của vấn đề bị kích động và “té nước theo mưa” vô tình tiếp tay cho kẻ xấu chống phá đất nước. Việc Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với bà Nguyễn Phương Hằng là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật. Việc bà Nguyễn Phương Hằng thường xuyên sử dụng mạng xã hội tổ chức nhiều buổi phát trực tiếp (livestream) nội dung thông tin không kiểm chứng, sử dụng những ngôn từ mang tính chất nhục mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác gây bức xúc dư luận, gây mất an ninh trật tự là vi phạm pháp luật, vượt quá một số quyền tự do theo luật định.

Pháp luật Việt Nam không cấm bà Nguyễn Phương Hằng livestream, không cấm bà ta nổi tiếng, không cấm bà ta thu hút, thuyết phục dư luận. Nhưng quyền tự do ngôn luận của bà Nguyễn Phương Hằng phải trong khuôn khổ pháp luật, không được xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, trong đó có quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, bí mật đời tư, quyền được kết tội theo đúng pháp luật… Đó chính là giới hạn của quyền tự do dân chủ của công dân. Giới hạn đó đảm bảo cho mọi công dân được tôn trọng, được bình yên, được sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật; đảm bảo một xã hội trật tự, kỷ cương, bền vững và ổn định.

Việc khởi tố và bắt tạm giam bị can Nguyễn Phương Hằng cho thấy hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân của bà Nguyễn Phương Hằng đã có dấu hiệu gây hậu quả nghiêm trọng. Hành vi đó không dừng lại ở sự thiếu văn hóa hay lệch chuẩn, mà đã vượt qua lằn ranh đỏ giữa quan hệ pháp luật dân sự và quan hệ pháp luật hình sự, gây hậu quả tới mức trở thành hành vi nguy hiểm cho xã hội, phải chịu chế tài hình sự. Đây thật sự là một kết cục đáng buồn cho bà Nguyễn Phương Hằng, một phụ nữ tài sắc, từng có những việc làm đáng trân trọng đối với xã hội nhưng đã có những hành vi vi phạm pháp luật quá đà đến mức quên mất giới hạn về quyền và nghĩa vụ của một công dân.

Qua sự việc này, cũng là bài học cảnh tỉnh cho những ai đang còn ảo tưởng sức mạnh quyền lực của mạng xã hội. Mạng là ảo nhưng chế tài, xử phạt theo quy định của pháp luật là thật. Một quốc gia không chỉ có chủ quyền trên vùng trời, vùng biển mà cả ở trên không gian mạng cho nên là công dân Việt Nam khi sử dụng mạng xã hội phải đúng chuẩn mực, có văn hóa và đúng pháp luật, không được phép xuyên tạc, vu khống, xúc phạm đến uy tín, danh dự nhân phẩm của người khác. Đúng – sai trong vụ việc của bà Nguyễn Phương Hằng đã rõ, tuy nhiên mọi người cần phải hết sức cảnh giác và tỉnh táo với những luận điệu xuyên tạc chống phá của các thế lực thù địch, phản động.

(BBT)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *