Lợi dụng xung đột Nga – Ukraine để đưa ra “thuyết âm mưu” chiến tranh chống phá Việt Nam
Hiện nay, tình hình xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine đang là sự kiện nóng nhận được sự quan tâm rất lớn của cộng đồng trong nước và quốc tế. Lợi dụng vấn đề này, các thế lực thù, địch phản động đã đưa ra nhiều thông tin, luận điệu xuyên tạc chống phá Đảng và Nhà nước ta như:“Nếu so sánh với cuộc chiến Nga xâm lược Ukraine, thì kịch bản một biến cố ở Biển Đông leo thang thành một cuộc xung đột lớn hơn trên đất liền giữa Trung Quốc và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng hơn là kịch bản Trung Quốc đánh chiếm Đài Loan”; “Việt Nam gần Trung Quốc nên sẽ dễ dàng bị Trung Quốc đánh chiếm”;“Chính sách đối ngoại không liên kết của Hà Nội kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, có nghĩa là Trung Quốc có thể tấn công Việt Nam mà không sợ bị các quốc gia mạnh hơn trả đũa”;… Thực chất đây là thủ đoạn trong chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch nhằm chống phá đường lối đối ngoại và chính sách quốc phòng độc lập, tự chủ của Đảng và Nhà nước ta.
Việt Nam là một quốc gia độc lập, có chủ quyền riêng và được cộng đồng quốc tế công nhận. Trong khi đó, Đài Loan và Trung Quốc vẫn tồn tại dưới hình thức một quốc gia, hai chế độ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã từng nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ không cho phép Đài Loan độc lập dưới bất kỳ hình thức nào. Chúng tôi kiên quyết và có đủ tự tin, khả năng để bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ”. Ở một khía cạnh nhất định, mối quan hệ giữa Đài Loan và Trung Quốc là mối quan hệ nội bộ, “người nhà”. Trong khi đó, mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc là “hàng xóm”, ngang hàng, đồng cấp với nhau. Do đó, luận điệu so sánh Việt Nam và Đài Loan là hết sức khập khiễng.
Về luận điệu cho rằng Việt Nam gần Trung Quốc nên sẽ dễ dàng trở thành mục tiêu đánh chiếm, đây rõ ràng là một sự hù doạ quá đáng nhằm gây hoang mang dư luận. Bước sang thế kỷ XXI, mặc dù hoà bình, hợp tác là xu thế chung nhưng các cuộc chiến tranh, xung đột vẫn liên tiếp xảy ra. Vấn đề gần, xa trong khoảng cách địa lý không phải là điều ảnh hưởng đến các cuộc chiến. Nên nhớ, các cuộc chiến tại Syria, Afghanistan, Iraq, Libya do Mỹ và đồng minh tiến hành không hề bị giới hạn bởi vấn đề địa lý. Hay như xa hơn trong lịch sử, Mỹ, Pháp đã đánh chiếm Việt Nam dù họ không hề gần Việt Nam. Vì vậy, việc so sánh mối quan hệ giữa Việt Nam, Đài Loan với Trung Quốc là điều không hợp lý, khập khiễng.
Về luận điệu “Chính sách đối ngoại không liên kết của Hà Nội kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, có nghĩa là Trung Quốc có thể tấn công Việt Nam mà không sợ bị các quốc gia mạnh hơn trả đũa”. Đánh giá một cách khách quan, bất cứ vấn đề gì cũng tồn tại hai mặt, được và mất. Và dĩ nhiên, việc tham gia vào các liên minh quân sự, chính trị cũng như vậy. Tình hình thế giới hiện nay có hai xu hướng đối lập nhau nhưng vẫn song song tồn tại, một là việc hợp tác, liên minh, liên kết và hai là việc chia tách. Việc Thổ Nhĩ Kỳ bị đồng minh “trừng phạt” dẫn đến phải “nghĩ lại” về việc đứng “cùng thuyền” với NATO hay câu chuyện Anh rời EU là một vài minh chứng vụ thể cho xu hướng chia tách. Nói cách khác, mọi mối quan hệ quốc tế hiện nay đều dựa trên vấn đề lợi ích. Một khi lợi ích không còn thì sự ràng buộc trong các liên minh cũng dễ dàng rạn nứt. Nói như vậy để thấy, lập luận cho rằng việc Việt Nam không tham gia vào các liên minh quân sự, chính trị sẽ là điểm yếu là không hợp lý và thiếu khách quan. Lịch sử thế giới cũng từng chứng kiến không ít lần tan rã của các liên minh. Suy cho cùng, chỉ có tự đứng trên đôi chân của chính mình mới là cơ sở vững chắc nhất để bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Quan điểm xuyên suốt của Việt Nam là phải tự lực, từ cường, “đem sức ta mà giải phóng cho ta”, dựa vào sức mình là chính, trên cơ sở thực lực sức mạnh của quốc gia – dân tộc kết hợp với sức mạnh của thời đại, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ và giúp đỡ của bạn bè và cộng đồng quốc tế, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Việt Nam không chọn bên nào, không đi theo một cường quốc nào, không dựa hẳn vào một cường quốc nào để bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia – dân tộc mình. Như lời của nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng từng khẳng định: “Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình bởi vì chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo là thiêng liêng. Việt Nam luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó”… Việc cố tình hù đoạ và đưa ra “thuyết âm mưu” chiến tranh chỉ là chiêu trò nhằm gây hoang mang dư luận xã hội, tạo cớ xuyên tạc chủ trương, lối đối ngoại và chính sách quốc phòng độc lập, tự chủ của Đảng và Nhà nước ta mà thôi.
(NTH)