Cảnh giác trước các luận điệu vu khống liên quan việc Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam

Chiều ngày 25/11, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam với 404 đại biểu tán thành, tương đương 83,64% tổng số đại biểu Quốc hội. Các điều luật mới sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020. Trước đó, vào ngày 14/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị quyết 102/NQ-CP thí điểm thành lập Ban Quản lý khu kinh tế Vân Đồn. Điều này đã khiến cho các phần tử cơ hội, phản động tiếp tục sôi sục, tung ra hàng loạt các nhận định quy chụp, vu khống, kích động người dân.

Cảnh giác trước các luận điệu vu khống liên quan việc Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam

Trên trang web của mình, VOA dẫn lời Nguyễn Ngọc Chu (một kẻ bồi bút, cơ hội chính trị thường xuyên lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền xuyên tạc sự thật, chống phá chế độ) rằng “quy định mới chủ yếu tạo thuận lợi cho người Trung Quốc để họ sẽ được “tự do ra vào Vân Đồn và Phú Quốc mà không phải xin thị thực”, rằng “quy định mới về thị thực được xem như một cách lách luật, làm cho “Vân Đồn và Phú Quốc nghiễm nhiên biến thành đặc khu cho người Trung Quốc mà không cần phải thông qua luật đặc khu” và “Các nhóm lợi ích cuối cùng đã đạt được lợi ích của mình bất chấp phải thí đi lợi ích của Tổ Quốc”. Cùng với ý kiến của Nguyễn Ngọc Chu, VOA cũng dẫn lời của Hoàng Ngọc Giao – người cũng được cho là thường xuyên có các ý kiến phản biện – rằng “cách thức làm luật nó chưa phản ánh đúng với lòng dân”. Theo Hoàng Ngọc Giao, “thực tế rằng đại đa số người nước ngoài đến các khu kinh tế ven biển, một khái niệm mới thay thế cho cụm từ “đặc khu”, đều là người Trung Quốc”…

Chưa kể, nhiều tài khoản facebook chia sẻ bài viết trên trang facebook có tên là Phạm Minh Vũ có tựa đề rất dễ gây hoang mang dư luận: “MẤT NƯỚC – CHƯA BAO GIỜ DỄ DÀNG ĐẾN THẾ!”. Trong đó, viết “khu kinh tế biển ấy nói thẳng ra là Đặc khu của Trung quốc cho dễ hiểu, giờ này chẳng có gì lập lờ nữa rồi… Người Trung quốc sẽ đến các Đặc Khu Vân Đồn, Vân Phong, Phú Quốc ở và sinh sống với người bản địa mà không cần thị thực, các đặc khu nằm trong đất liền nhưng sát biển thì khác gì là cho người Trung quốc tự do đi lại như ở nhà nó? Vì các dự án bất động sản ở Vân Đồn, Phú Quốc Và Vân Phong hơn 90% người Trung quốc đã mua các căn hộ đó rồi. Đến một thời điểm thuận lợi, TQ sẽ có chánh sách đòi tự trị thì đó là tai hoạ cho dân tộc VN.”

Xin hỏi, những luận điệu này là gì nếu không phải là chụp mũ, vu khống? Chúng tôi tự hỏi các ông này dựa vào đâu mà phán rằng đại đa số người nước ngoài đến các khu kinh tế ven biển đều là người Trung Quốc và các quy định mới này chủ yếu tạo thuận lợi cho người Trung Quốc? Không hiểu đã có cuộc điều tra nào mà các ông này thực hiện hay được tham khảo để có thể đưa ra nhận định một cách chắc chắn như vậy? Vậy nên, về độ tin cậy của những thông tin trên, tất nhiên cần phải xem xét lại.

Tại buổi thảo luận, giải trình, tiếp thu các ý kiến của các đại biểu – với tư cách là đại diện cho tiếng nói của người dân – trước khi luật được thông qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung điểm 3a vào dự thảo luật. Theo đó, việc miễn thị thực vào khu kinh tế ven biển “do Chính phủ quyết định khi đáp ứng đủ các điều kiện: Có sân bay quốc tế, có không gian riêng biệt; có ranh giới địa lý xác định, cách biệt với đất liền; phù hợp với chính sách phát triển kinh tế – xã hội và không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam”. Vậy, Nguyễn Ngọc Chu giải thích như thế nào về luận điệu vu khống của mình khi cho rằng “Các nhóm lợi ích cuối cùng đã đạt được lợi ích của mình bất chấp phải thí đi lợi ích của Tổ Quốc”?

Nhắc lại câu chuyện của năm ngoái, khi Quốc hội đang thảo luận về dự luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Phú Quốc, Bắc Vân Phong, đã có nhiều ý kiến khác nhau khiến cho vấn đề trở nên nóng hơn và được quan tâm đặc biệt. Tôn trọng, tiếp thu ý kiến của nhân dân, Quốc hội đã tạm dừng việc thông qua dự luật vì những lo ngại được chỉ ra. Hơn 1 năm sau, Chính phủ mới thí điểm “Khu kinh tế đặc biệt” ở Vân Đồn (Quảng Ninh) – đây là bước làm thận trọng, từ việc thí điểm tới thực hiện đại trà, cho thấy ý kiến của người dân đã được quan tâm đúng mức. Vậy tại sao Hoàng Ngọc Giao lại chụp mũ là “chưa phản ánh đúng với lòng dân”?

Cần xác nhận lại một điều rằng, muốn phát triển thì không thể suốt ngày ngồi bó gối và bàn về những nguy cơ. Trong thời buổi hội nhập quốc tế, việc cần làm chính là đối diện với thách thức và hành động. Chỉ khi thực sự hành động thì mới có thể hóa giải được nguy cơ và đón nhận nhiều hơn cơ hội từ thế giới. Vấn đề đặc khu kinh tế cũng thế. Không ai dám phủ nhận về những nguồn lợi cực kỳ to lớn mà các đặc khu mang lại nếu hình thành và vận hành theo mô hình của thế giới. Các đặc khu kinh tế sẽ là đầu tàu, là động lực để phát triển đất nước… Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích thu được là các khó khăn, thử thách song hành. Điều quan trọng là chúng ta đang rất thận trọng, nhận rõ thời cơ và xác định nguy cơ, từ đó tìm ra phương thức tối ưu nhất để thực hiện.

Chắc hẳn chúng ta vẫn chưa quên những gì đã diễn ra vào tháng 6/2018 khi Quốc hội thảo luận về Dự Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt. Lợi dụng sự kiện này, các thế lực thù địch đã xuyên tạc trắng trợn sự thật, kích động người dân biểu tình, gây rối, chống đối, phá hoại, làm ảnh hưởng tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Nhiều người thiếu hiểu biết đã bị lợi dụng, kích động, gây ra các hành vi vi phạm pháp luật và đã bị trừng trị thích đáng. Bài học trên vẫn còn rất mới. Vì vậy, mỗi người dân cần tỉnh táo, nhận diện đúng bản chất vấn đề, không để lòng yêu nước chân chính bị những “nhà dân chủ cuội”, “người yêu nước” rởm lợi dụng, kích động, gây rối trật tự an toàn xã hội, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

Hòa Xuân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.