Cảnh giác trước những thông tin xuyên tạc, bịa đặt liên quan nhân sự đại hội Đảng trên các trang mạng xã hội

Sau khi Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng được ban hành, trên các trang mạng xã hội, nhất là các trang “Nhật ký yêu nước”, “RFA”, “BBC tiếng việt”… xuất hiện nhiều thông tin xuyên tạc, sai sự thật, bôi nhọ cán bộ, đảng viên thậm chí nói xấu, hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Thực chất đây là những chiêu trò chống phá cũ mà các đối tượng sử dụng trong các kỳ đại hội trước đây. Các thế lực thù địch, đối tượng xấu (đối tượng phản động trong nước, tổ chức khủng bố Việt Tân, Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời…)  nắm bắt được nhu cầu thông tin của quần chúng nhân dân về công tác chuẩn bị đại hội, nhất là khâu chuẩn bị, rà soát nhân sự, nên chúng triệt để sử dụng phương tiện thông tin truyền thông để đăng, tải thông tin bịa đặt, suy diễn vô căn cứ, sai sự thật về công tác cán bộ nhằm gây nhiễu loạn thông tin, chia rẽ nội bộ và hơn hết là lợi dụng để xuyên tạc tình hình chính trị nội bộ đất nước, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời điểm chuẩn bị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Cảnh giác trước những thông tin xuyên tạc, bịa đặt liên quan nhân sự đại hội Đảng trên các trang mạng xã hội

Chúng ta có thể NHẬN DIỆN một số thủ đoạn, luận điệu xuyên tạc các đối tượng, cụ thể như:

Một là, tung tin đồn thất thiệt, bịa đặt sai sự thật về tình hình sức khỏe cán bộ: Trong đó xuyên tạc về tình trạng sức khỏe của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước là thủ đoạn khá phổ biến, bởi đây là vấn đề được dư luận quần chúng nhân dân đặc biệt quan tâm chú ý, vì vậy những lời đồn về sức khỏe ít nhiều sẽ gây tâm lý hoang mang dư luận, gây nhiễu loạn trong chính sự đất nước.

Hai là, xuyên tạc, phủ nhận kết quả cuộc đấu tranh chống tham nhũng của Đảng và toàn dân: Một mặt, chúng vu khống, suy diễn cho rằng đây là cuộc đấu đá tranh giành quyền lực, thanh toán phe phái, trả thù cá nhân, phục vụ lợi ích nhóm… mặt khác, chúng xuyên tạc bộ máy hệ thống chính trị đất nước đã mục nát cần phải thay thế.

Ba là, moi móc, thêu dệt bí mật đời tư, lịch sử chính trị; xuyên tạc nhân phẩm, đạo đức lối sống cán bộ: Chúng bịa đặt dựng nên những câu chuyện muôn màu, muôn vẻ liên quan đến cán bộ (quan hệ bất chính, có con riêng ngoài giá thú, con ông cháu cha, sai phạm trong quá khứ…) làm cho dư luận hiểu sai vấn đề để hướng lái công tác nhân sự đại hội.

Bốn là, phán xét về trình độ năng lực, chuyên môn cán bộ: chúng cóp nhặt những thông tin, khoét sâu vào những hạn chế khuyết điểm ở những ngành, lĩnh vực mà cán bộ đó phụ trách, rồi quy kết trách nhiệm theo kiểu “có ít bới ra nhiều”, sau đó “đổi trắng thay đen”, bóp méo, làm thay đổi bản chất vụ việc, cho rằng cán bộ này không có trình độ năng lực… để hạ uy tín.

HẬU QUẢ: Việc xuyên tạc, bịa đặt thông tin sai sự thật để đăng tải trên các trang mạng xã hội là hành vi đen tối, thấp hèn, vi phạm pháp luật; ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích quốc gia, dân tộc; đặc biệt gây chia rẽ nội bộ, gieo rắc sự hoài nghi, nghi ngờ trong nội bộ cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân; ảnh hưởng đến niềm tin của quần chúng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý Nhà nước.  Và suy cho cùng âm mưu thâm độc của chúng vẫn là chống phá Đảng, Nhà nước.

PHÒNG NGỪA: Mỗi người đọc phải luôn cảnh giác, tỉnh táo, luôn là người đọc thông minh, sáng suốt trong việc chọn lọc, tiếp nhận thông tin trên mạng xã hội. Tuyệt đối không tin, không bàn luận, không chia sẻ những thông tin xuyên tạc, bịa đặt trên mạng xã hội, vì việc này sẽ vô tình tiếp tay cho âm mưu đen tối của các thế lực thù địch, phần tử xấu.

(PA)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *