CẢNH GIÁC VỚI CÁC TÀ ĐẠO ĐỘI LỐT TÔN GIÁO

Trong những năm qua, các tổ chức tôn giáo và đại bộ phận chức sắc hoạt động đúng quy định pháp luật, ổn định, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, vẫn còn những phần tử âm mưu “chính trị hóa tôn giáo” làm cho đời sống tôn giáo chịu tác động tiêu cực, tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Trong số đó có thể kể đến những tà đạo đội lốt tôn giáo như: Hội Thánh đức Chúa trời mẹ, đạo bà Điền, Thanh Hải vô thượng sư, tà đạo Hà Mòn, Bà cô Dợ, Tin lành Đề ga, tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình… Hoạt động chủ yếu của các tà đạo này là lợi dụng tôn giáo để hoạt động chống Đảng và Nhà nước; vi phạm pháp luật, gây chia rẽ đoàn kết dân tộc, gây mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, trục lợi, làm lệch chuẩn văn hóa, đạo đức xã hội. Những tổ chức tà đạo này thường có các đặc điểm sau:

Một, cái gọi là “giáo lý”, “giáo luật” được chúng chắp vá, pha trộn, biến tấu từ một số điều trong giáo lý, giáo luật của các tôn giáo chính thống. Không chỉ vậy, một số tà đạo còn có một nội dung giáo lý trái thuần phong, mỹ tục của dân tộc, phản văn hóa, phản khoa học trái với quy luật tự nhiên. Đặc biệt thường lợi dụng nỗi sợ hãi về các tà thuyết “ngày tận thế” hoặc các tư tướng suy thoái gắn với các nhu cầu ham muốn cá nhân để lôi kéo, mê hoặc, khống chế người nhẹ dạ, cả tin, thiếu kiến thức.

Hai, đó là người đứng đầu luôn tự đề cao, “thần thánh hóa” bản thân mình; tự nhận là: “phật”, “thánh”, “thần, “sứ giả của chúa trời”, hoặc “con, cháu của các bậc siêu nhiên”… Khác với tôn giáo chính thống là những bậc thánh hiền, siêu trần, thoát thế… nhưng đều có đặc điểm chung là hướng thiện, nâng đỡ cuộc sống con người, những “tà đạo” này thường có tư tưởng cực đoan, chống lại xã hội, thực hành lối sống phi pháp, kêu gọi quyên góp, chiếm đoạt của cải, vật chất của người dân.

Ba, mục đích hoạt động của các tà đạo này đều nhằm phục vụ lợi ích của người cầm đầu “giáo chủ” (người sáng lập) và một số đối tượng cốt cán, tay chân của họ nhằm thu lợi bất chính về kinh tế từ việc kêu gọi hoặc bắt buộc mua sách, tài liệu, thực phẩm dưỡng sinh, đóng góp quỹ… Nguy hiểm hơn, các thế lực thù địch, phản động tạo dựng hoặc lợi dụng “tà đạo” như là công cụ để gây bất ổn về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở một số địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số của đất nước.

Bốn, nghi lễ hành đạo mang nặng yếu tố mê tín dị đoan, lừa bịp, phản khoa học, trái với những nghi lễ truyền thống, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc, trái với đạo đức xã hội…

Trên đây là những đặc điểm để nhận diện các nhóm, tổ chức tà đạo đội lốt tôn giáo mọi người dân cần đề cao cảnh giác trước, tỉnh táo để không bị dụ dỗ, lôi kéo vào các hoạt động tâm linh mờ ám, vi phạm pháp luật.

(PVĐ)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *