Cảnh giác với chiêu trò kêu gọi đầu tư dự án theo mô hình đa cấp với lợi nhuận siêu khổng lồ

Thời gian qua, tình hình vi phạm quy định kinh doanh theo phương thức đa cấp trên không gian mạng diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước với nhiều phương thức thủ đoạn mới. Thủ đoạn của các đối tượng phạm tội là lợi dụng sự thiếu hiểu biết của một số người dân để sử dụng mô hình đa cấp huy động tiền đầu tư vào các dự án được chúng thổi phồng giá trị, giới thiệu sẽ thu được các khoản lợi nhuận lớn khi tham gia. Các dự án này đều không có thật, các sản phẩm dịch vụ không có tính áp dụng trong thực tế, chủ yếu hoạt động theo mô hình lấy tiền nhà đầu tư, người tham gia sau để trả cho người tham gia trước.

Cảnh giác với chiêu trò kêu gọi đầu tư dự án theo mô hình đa cấp với lợi nhuận siêu khổng lồ

Các loại hình, lĩnh vực đang được các đối tượng tập trung lợi dụng để hoạt động phạm tội:

– Thành lập các nền tảng thương mại điện tử để tham gia mua sắm, hoàn tiền, tích điểm với lượng tiền được hoàn lên tới 80% và sử dụng mô hình đa cấp để phát triển mạng lưới người tham gia như: anphatthinh.net, ssaleone.com, 123sale.net, chilimall.net (silling.co), olacity.com, vikioneos.com (oneshopping), cashbackpro.net (bbanmarket.vn); ứng dụng AZS, ứng dụng MyAladdinz, Bigbuy24h, tailoc888…

– Bán cổ phần, cổ phiếu nội bộ của doanh nghiệp, bán các khóa học, giáo dục, được các đối tượng hứa hẹn cổ phiếu sẽ tăng gấp nhiều lần trong thời gian tới như: Wgo, Crowd1, SkyWay, atmhapppy.net, EduNetwork,…

– Đầu tư ngoại hối, ủy thác đầu tư tài chính, các đối tượng đưa ra các mức đầu tư với lợi nhuận lên tới 240%: Wefinex, Olymp Trade, Expert Option, Skynet4fx.com, AT Capital…

– Hoạt động huy động vốn, phát hành tiền ảo lần đầu (ICO): SCF Token, WoToken, PlusToken, Cloud Token, ERG, GCG Asia, JDCoin, Winbanks, ERG…

– Đầu tư bất động sản, hệ sinh thái bất động sản: Tập đoàn Trường tiền, Tập đoàn Hoàng Gia, MeeyLand, Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba…

Trong thời gian ngắn, hệ thống của các mô hình này phát triển nhanh chóng thu hút hàng nghìn đến hàng trăm nghìn người tham gia. Các đối tượng thường sử dụng các thủ đoạn như:

(1) Sử dụng hoa hồng trả thưởng rất cao đánh vào lòng tham của các nhà đầu tư tham gia vào hệ thống.

(2) Thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, hội nghị hoành tráng, các diễn giả tham gia là những người giàu có, doanh nhân nổi tiếng để thổi phồng những tính năng ưu việt và các lợi ích phi lý khi tham gia vào hệ thống.

(3) Sử dụng không gian mạng để quảng cáo, quảng bá sản phẩm trên các hội nhóm, diễn đàn trên mạng xã hội có nhiều thành viên tham gia nhằm tạo niềm tin cho các nhà đầu tư.

Vòng đời của một sản phẩm các đối tượng lập ra rất ngắn (khoảng vài tháng) đến khi lôi kéo được số người tham gia lớn với số tiền lớn hoặc khi mất khả năng thanh toán, chi trả cho nhà đầu tư các đối tượng đánh sập hệ thống và bỏ trốn cùng số tiền đã huy động được.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định 40/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp thì “hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp chỉ được thực hiện đối với hàng hóa. Mọi hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp với đối tượng không phải là hàng hóa đều bị cấm.”

Vì vậy, các sản phẩm không được pháp luật cho phép hoạt động kinh doanh đa cấp thì không được pháp luật bảo vệ khi xảy ra sự cố và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất trắng. Để tránh “tiền mất tật mang” người dân không tham gia vào các hoạt động kinh doanh đa cấp qua mạng, khi phát hiện có dấu hiệu như trên, người dân thông báo cho cơ quan Công an gần nhất để được hỗ trợ.

LÊ THẢO

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *