Đài Á Châu Tự Do (RFA) lại xuyên tạc trắng trợn nhân quyền Việt Nam
Vừa qua, tại phiên thảo luận cấp cao Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã có thông báo rằng, Việt Nam với tư cách thành viên của Hiệp hội các quốc gia Ðông – Nam Á (ASEAN) sẽ tham gia ứng cử vào vị trí thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, nhiệm kỳ 2023 – 2025. Lợi dụng vấn đề này, ngày 02/3/2021 trên trang mạng của RFA đã đăng tải bài viết “khi cáo ứng cử vị trí bảo vệ an ninh cho chuồng gà” ngầm ý cáo buộc Việt Nam vi phạm luật nhân quyền mà vẫn muốn tham gia ứng cử vị trí thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc.
Trước tiên cần khẳng định rằng, đây là những luận điệu xuyên tạc, bịa đặt nhằm bôi nhọ uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta luôn bảo đảm quyền con người và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong việc bảo đảm quyền con người trên tất cả các lĩnh vực dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Việt Nam luôn nhất quán mục tiêu, chính sách tất cả vì con người, vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đảng và Nhà nước ta đã không ngừng nỗ lực để người dân được thụ hưởng đầy đủ các quyền và tự do cơ bản của con người, đồng thời coi trọng thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nhân quyền trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng và hiểu biết giữa các quốc gia.
Việt Nam cũng luôn nỗ lực đóng góp tích cực vào những giá trị chung, tích cực và tiến bộ của nhân loại về quyền con người. Việt Nam tham gia tích cực vào các diễn đàn liên quan đến quyền con người của Liên hợp quốc, ASEAN và các cơ chế khác. Tại nhiều diễn đàn, Việt Nam đã chủ động đưa ra nhiều sáng kiến về quyền con người được cộng đồng quốc tế hoan nghênh, đặc biệt về nội dung liên quan đến bảo đảm quyền phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, những người chịu tác động của biến đổi khí hậu. Năm 2016 và 2018, Việt Nam đã chủ trì đề xuất và được Hội đồng nhân quyền thông qua 2 nghị quyết về tác động của biến đổi khí hậu đối với quyền trẻ em và đối với quyền phụ nữ. Việt Nam cũng luôn nghiêm túc trong thực thi các cam kết quốc tế về quyền con người, trong đó có việc thực thi 7/9 công ước quốc tế cơ bản về quyền con người mà Việt Nam là thành viên.
Cho đến nay, Việt Nam đã tham gia hầu hết các công ước của Liên hợp quốc về quyền con người, như: “Công ước quốc tế về xóa bỏ các hình thức phân biệt chủng tộc” (1981); “Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ” (1981); “Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, văn hóa và xã hội” (1982); “Công ước quốc tế về các quyền dân sự chính trị” (1982); “Công ước về quyền trẻ em” (1990); “Công ước chống tra tấn và “Công ước về quyền của người khuyết tật” (2014)… Những công ước này đều được luật hóa trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Việt Nam cũng đã tích cực tham gia đối thoại về quyền con người với nhiều quốc gia, như: Mỹ, Australia, Thụy Sỹ và EU. Những cuộc đối thoại này nhằm trao đổi quan điểm và học hỏi lẫn nhau để nâng cao hơn sự hưởng thụ quyền của người dân ở mỗi quốc gia. Việt Nam từng được bầu là thành viên Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc (2014 – 2016).
Với những kết quả đạt được trong việc thực hiện nhân quyền, Phó Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) tại Việt Nam cho rằng: “Chúng tôi đánh giá cao nỗ lực và quyết tâm của Việt Nam, đặc biệt là việc Việt Nam thông qua Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, đây là một cơ sở pháp lý quan trọng. Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều cam kết quan trọng khác nhằm đảm bảo quyền dinh dưỡng của trẻ em, quyền được đến trường, quyền tiếp cận với nước sạch và các điều kiện vệ sinh tốt hơn. Đây là những nỗ lực rất lớn của Việt Nam, để đảm bảo trẻ em được lớn lên trong một môi trường trong lành và an toàn”. Đó chính là minh chứng sống động chứng minh RFA đang cố tình xuyên tạc, cáo buộc Việt Nam vi phạm nhân quyền.
Quyền con người thống nhất với quyền dân tộc cơ bản, nhân quyền không được cao hơn chủ quyền. Thực thi quyền con người phải dựa trên cơ sở ưu tiên bảo vệ quyền dân tộc tự quyết, chủ quyền quốc gia. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào mỗi người dân cũng không được phép lơ là, mất cảnh giác trước những luận điệu sai trái, xuyên tạc về quyền con người của các thế lực thù địch.
BBT