“Nhân quyền cao hơn chủ quyền” chỉ là ngụy biện cho những toan tính chính trị đen tối

Thời gian qua, các thế lực thù địch ra sức lợi dụng mối quan hệ giữa nhân quyền và chủ quyền quốc gia để xuyên tạc, kích động, vu khống, hòng thực hiện âm mưu, chiến lược “diễn biến hòa bình”, cũng như can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ và vi phạm chủ quyền của quốc gia khác. Lịch sử cho thấy, đã có rất nhiều lần các thế lực cường quyền, hiếu chiến tự cho mình cái quyền phán xét nước khác là vi phạm nhân quyền, rồi lấy cớ là nhân danh bảo vệ nhân quyền, bất chấp luật pháp quốc tế, trắng trợn can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của nước khác, lật đổ chính quyền và tàn sát nhiều dân thường vô tội của đất nước đó, cho rằng đó là “sự can thiệp nhân đạo” vì sự “phát triển dân chủ”… Cuộc chiến tranh của Mỹ ở Đông Dương nói chung và ở Việt Nam nói riêng; Chiến tranh Kosovo (1998 – 1999); Chiến tranh Irắc (2003-2010) và rất nhiều những cuộc chiến tranh khác xảy ra vào cuối thế kỷ XX trên danh nghĩa bảo vệ nhân quyền của Mỹ và các nước đồng minh là những ví dụ sống động nhất và cũng tàn khốc nhất…

Ảnh minh họa.

Khoản 7, Điều 2 Hiến chương Liên hợp quốc đã nêu: “Hiến chương này hoàn toàn không cho phép Liên hợp quốc được can thiệp vào các công việc thực chất thuộc thẩm quyền nội bộ của bất cứ quốc gia nào, không đòi hỏi các thành viên của Liên hợp quốc phải đưa những công việc loại này ra giải quyết theo quy định của Hiến chương…”. Điều này có nghĩa là không một quốc gia, tổ chức, cá nhân nào được quyền can thiệp vào công việc nằm trong thẩm quyền giải quyết của quốc gia độc lập khác xuất phát từ chủ quyền của mình. Hiện tại có rất nhiều cơ chế, thiết chế do Liên hợp quốc lập ra để giám sát và thúc đẩy việc thực hiện các tiêu chuẩn quốc tế về nhân quyền ở các quốc gia và không có cơ chế nào cho phép Liên hợp quốc hoặc một hay một nhóm quốc gia thành viên nào đó được tùy tiện can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác với danh nghĩa “bảo vệ nhân quyền”.

Nói về nhân quyền, trong mối quan hệ với xã hội, mỗi cá nhân có quyền tự do, nhưng không phải là tự do tuyệt đối. Xã hội càng phát triển thì xung đột lợi ích diễn ra ngày càng sâu sắc và phức tạp, đồng nghĩa với việc bên cạnh các quyền cá nhân, con người càng phải chú trọng hơn đến quyền tập thể của cả cộng đồng nhằm mục đích bảo đảm những lợi ích chung của tất cả cá nhân thành viên. Điều 29 Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền (1948) khẳng định: “Mỗi người đều có những nghĩa vụ đối với cộng đồng, trong khi hưởng thụ các quyền về tự do cá nhân, phải chịu những hạn chế do luật định nhằm mục đích duy nhất là bảo đảm việc thừa nhận và tôn trọng đối với các quyền tự do của người khác và phù hợp với những đòi hỏi chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ”. Điều 19 Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (1966) cũng quy định rất cụ thể rằng: 1. Mọi người đều có quyền giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp. 2. Mọi người có quyền tự do ngôn luận… 3. Việc thực hiện những quyền quy định tại khoản 2 của điều này kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. Do đó, có thể dẫn tới một số hạn chế nhất định. Tuy nhiên, những hạn chế này phải được pháp luật quy định và cần thiết để: a) Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác, b) Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của công chúng”. Như vậy, theo luật pháp và nguyên tắc quốc tế, nhân quyền không phải là vô hạn, mà trong các trường hợp cụ thể phải được chế định bởi luật pháp của từng quốc gia. Không thể có nhân quyền trừu tượng mang tính “toàn cầu”. Vì vậy, chủ quyền quốc gia, quyền độc lập, tự quyết của dân tộc là điều kiện tiên quyết, là cơ sở để bảo vệ và thực hiện quyền con người; chỉ có tôn trọng quyền dân tộc tự quyết để nhân dân các nước tự do lựa chọn chế độ chính trị, mô hình kinh tế và con đường phát triển mới có thể bảo đảm tôn trọng, bảo vệ những quyền cơ bản của mỗi con người.

Như vậy, không thể có cái gọi là “nhân quyền cao hơn chủ quyền” mà là sự thống nhất giữa quyền con người và chủ quyền quốc gia. Lập luận “nhân quyền cao hơn chủ quyền” chỉ là ngụy biện cho những toan tính chính trị đen tối. Nếu một quốc gia, tổ chức hoặc giai cấp nào đó tự cho mình là đại diện cho nhân quyền của toàn nhân loại, lấy quan điểm “nhân quyền cao hơn chủ quyền” hay “nhân quyền không biên giới” làm cơ sở để can thiệp vào công việc nội bộ các quốc gia độc lập, có chủ quyền là sự vi phạm nghiêm trọng cần phải bị phê phán và lên án mạnh mẽ.

Quỳnh An

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.