Đừng lợi dụng vấn đề ở Ukraine để chia rẽ Việt Nam trong quan hệ quốc tế
Lập trường của Việt Nam về vấn đề ở Ukraine là hết sức nhất quán, rõ ràng. Vậy mà mấy ngày qua, trên một số trang báo mạng ở hải ngoại và mạng xã hội của một vài tổ chức, cá nhân vốn lâu nay thiếu thiện chí với Việt Nam người ta bàn tán, đưa ra những lời bình sai trái. Thực chất đó là những luận điệu nằm trong mưu đồ lợi dụng sự kiện ở Ukraine để nói xấu, chia rẽ mối quan hệ của Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Những luận điệu sai trái
Từ chuyện Việt Nam bỏ phiếu trắng tại Phiên họp lần thứ 11 của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc, họ suy diễn rằng, Việt Nam làm nước này, nước kia “rất thất vọng”. Từ thông tin trên báo chí, họ nói: “Việt Nam khác biệt đa số thế giới về ngôn từ” khi đưa tin, bình luận về tình hình xung đột ở Ukraine; các báo chính thống do Đảng Cộng sản Việt Nam kiểm soát “kiên trì dùng ngôn từ khác các đài báo quốc tế, và chỉ gọi đó là “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga”; báo chí Việt Nam “không đăng ảnh trẻ em, thường dân Ukraine bị giết vì bom đạn Nga và thường xuyên trích dẫn lập luận của các đài do chính quyền Nga quản lý…”.
Từ ý kiến cá nhân của người này, người khác trên mạng xã hội, họ cho rằng Việt Nam bị “gây sức ép” khi bỏ phiếu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Rồi họ quy kết: “Vấn đề chính là ở Việt Nam có tồn tại một “lobby tự nguyện ủng hộ ông Putin”, thể hiện rất rõ trên mạng xã hội”. Họ mang cuộc xung đột ở Ukraine ra so sánh với việc Việt Nam đưa Quân tình nguyện giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng… Cũng từ những suy diễn, quy chụp, bình luận ác ý ấy họ hoài nghi đặt câu hỏi: Có hay không việc Việt Nam ủng hộ dùng vũ lực để giải quyết những bất đồng giữa Nga và Ukraine?
Quan điểm, lập trường nhất quán của Việt Nam
Trước hết cần khẳng định một số ý kiến cá nhân bày tỏ trên mạng xã hội không có tư cách pháp nhân đại diện cho bất kỳ cơ quan, tổ chức nào và càng không thể đại diện cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân Việt Nam. Cách đặt vấn đề như đã nêu là hoàn toàn mang tính võ đoán, suy diễn, quy chụp vô căn cứ. Chỉ có những người vô ý thức chính trị, mang mưu đồ đen tối mới “bới bèo ra bọ” kiểu như vậy. Đây là luận điệu nằm trong âm mưu lợi dụng sự kiện ở Ukraine để chia rẽ mối quan hệ đoàn kết giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và thế giới.
Khi bàn đến quan hệ đối ngoại và cách ứng xử của Việt Nam trước các vấn đề quốc tế, thiết nghĩ chúng ta cần có cái nhìn khách quan, toàn diện, cụ thể, thấu đáo từng nội dung trên cơ sở thực tiễn công tác đối ngoại của Việt Nam. Quan điểm, chủ trương, chính sách của Việt Nam về công tác đối ngoại là hết sức rõ ràng. Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối, chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia – dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Việt Nam giữ vững nguyên tắc: Không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.
Quan điểm, lập trường của Việt Nam về tình hình xung đột đang diễn ra ở Ukraine những ngày qua rất rõ ràng. Từng là nạn nhân của các cuộc chiến tranh xâm lược, Việt Nam thấu hiểu những hậu quả nặng nề, dai dẳng của các cuộc chiến tranh khủng khiếp đến nhường nào. Chính vì lẽ ấy Việt Nam không bao giờ muốn đất nước mình phải chịu cảnh chiến tranh và cũng không bao giờ muốn chiến tranh xảy ra với Ukraine hay bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân Việt Nam khát khao được sống trong hòa bình, độc lập, tự do, ổn định, phát triển và luôn phấn đấu làm hết sức mình để hướng tới điều đó trên toàn thế giới.
Về tình hình ở Ukraine, Việt Nam đã nhiều lần bày quan điểm của mình. Đặc biệt quan điểm ấy được thể hiện rất rõ trong phát biểu của Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc. Hai nước Nga và Ukraine đều là bạn, là đối tác quan trọng của Việt Nam. Cả về mặt pháp lý và đạo lý Việt Nam chẳng vui vẻ gì và không bao giờ mong muốn cuộc xung đột giữa hai nước xảy ra. Việt Nam hết sức lo ngại về tình hình xung đột vũ trang hiện nay ở Ukraine, một quốc gia thành viên có chủ quyền của Liên Hợp Quốc. Việt Nam cho rằng, điều cấp bách hiện nay là cần kiềm chế tối đa và chấm dứt ngay lập tức việc sử dụng vũ lực để tránh thêm thương vong và tổn thất, đặc biệt là đối với dân thường. Việt Nam kêu gọi các bên liên quan giảm leo thang căng thẳng, nối lại đối thoại và đàm phán thông qua tất cả các kênh, nhằm đạt được giải pháp lâu dài có tính đến lợi ích và quan ngại của tất cả các bên, trên cơ sở luật pháp quốc tế. Việt Nam nhấn mạnh vấn đề bảo vệ an toàn, an ninh của người dân và cơ sở hạ tầng dân sự thiết yếu, phù hợp với luật nhân đạo quốc tế. Để thực hiện các mục tiêu đó, Việt Nam kêu gọi cộng đồng quốc tế, các quốc gia trong và ngoài khu vực tiếp tục hỗ trợ và tạo thuận lợi cho đối thoại giữa các bên.
Cũng về tình hình xung đột ở Ukraine, trả lời báo chí tại cuộc họp báo ngày 3.3, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: Việt Nam luôn theo dõi sát sao và hết sức quan ngại trước tình hình xung đột vũ trang tại Ukraine đang ảnh hưởng tới hoà bình, ổn định tại khu vực và trên thế giới… Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh: “Chúng tôi cho rằng ưu tiên hiện nay là cần kiềm chế tối đa, chấm dứt các hành động sử dụng vũ lực để tránh gây thêm thương vong và tổn thất đối với dân thường, nối lại đối thoại và đàm phán thông qua tất cả các kênh nhằm đạt được giải pháp lâu dài, có tính đến lợi ích chính đáng của tất cả các bên, trên cơ sở phù hợp với Hiến chương của Liên Hợp Quốc các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế”.
Cảnh giác để không mắc mưu kẻ xấu
Như vậy, có thể thấy quan điểm, lập trường của Việt Nam về tình hình xung đột ở Ukraine là hết sức khách quan và rất rõ ràng. Việt Nam kêu gọi Nga và Ukraine chấm dứt hành động sử dụng vũ lực, nối lại đối thoại và tìm kiếm giải pháp lâu dài cho các bất đồng… Việt Nam không chao đảo, ngả nghiêng về bất cứ bên nào mà hoàn toàn đứng vững trên cơ sở luật pháp quốc tế và đường lối, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước. Các cơ quan báo chí, truyền thông của Việt Nam cũng quán triệt và thực hiện theo tinh thần đó, đưa tin, bình luận về tình hình ở Ukraine một cách khách quan, trung thực, trên cơ sở nguồn tin chính xác. Cho đến nay, không có bất kỳ phát ngôn hay động thái chính thức nào từ những người có trách nhiệm đề cập đến việc Việt Nam ủng hộ việc dùng vũ lực để giải quyết cuộc khủng hoảng giữa Nga và Ukraine.
Trong bối cảnh toàn thế giới đang cùng nhau tìm cách ngăn chặn chiến tranh leo thang để cứu vãn hòa bình, cứu những người dân vô tội khỏi đau thương, mất mát, thì mọi luận điệu sai trái của một số người trên những trang mạng như đã nói là hết sức đáng tiếc và không đáng có. Mọi luận điệu suy diễn, quy chụp, bóp méo, xuyên tạc lập trường của Việt Nam về tình hình ở Ukraine thực chất là phục vụ cho động cơ và mục đích xấu lợi dụng vấn đề này để gieo rắc sự hoài nghi về đường lối đối ngoại của Việt Nam, chia rẽ Việt Nam trong quan hệ với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Trong thời đại hiện nay, trên không gian mạng, thông tin thật – giả, đúng – sai, tốt – xấu…lẫn lộn rất phức tạp. Cán bộ, đảng viên và nhân dân Việt Nam phải luôn tin tưởng ở đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, giữ vững quan điểm, lập trường tư tưởng chính trị. Chúng ta không thể lấy những ý kiến, lời bình của các cá nhân đơn lẻ để quy thành cái chung, cái phổ biến, cái bản chất được. Thực tế đòi hỏi chúng ta cần tỉnh táo để không “té nước theo mưa”, hùa theo những luận điệu sai trái, xấu độc. Mặt khác chúng ta cần nêu cao ý thức cảnh giác trước những luận điệu mà các thế lực thù địch, phản động tung ra để chủ động, tích cực góp phần đấu tranh phản bác./.
Quốc An/HSV