ẾCH NGỒI ĐÁY GIẾNG SAO THẤY ĐƯỢC TRỜI RỘNG, BIỂN SÂU?

Mới đây, các nhà đài thiếu thiện chí với Việt Nam đồng loạt đăng tải thông tin về cái gọi là Báo cáo thường niên của tổ chức Sáng kiến Đánh giá Nhân quyền (Human Rights Measure Initiative – HRMI) trong đó có nhiều nội dung xuyên tạc, quy chụp, đánh giá thiếu khách quan về tình hình nhân quyền Việt Nam. Theo tổ chức này thì “tình trạng nhân quyền của Việt Nam tiếp tục suy giảm trong năm 2023” và vu khống “Nhà nước Việt Nam bắt giữ tùy tiện, người dân bị tra tấn và ngược đãi, cưỡng bức mất tích, hành quyết mà không thông qua Tòa án”. Có thể thấy, đây lại là một luận điệu xuyên tạc vô căn cứ, thiếu khách quan, đầy định kiến đối với những nỗ lực thúc đẩy, bảo đảm quyền con người của Việt Nam của một tổ chức mang danh quốc tế song lại mang tầm nhìn của một con ếch dưới đáy giếng sâu. Tại sao lại nói như thế?

Ảnh minh hoạ.

Thứ nhất, không có một mô hình chung về bảo đảm nhân quyền cho tất cả các nước. Mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ tùy theo đặc thù, điều kiện của mình sẽ có cách tiếp cận, lựa chọn các giải pháp tối ưu trong việc cân bằng giữa ổn định xã hội với đảm bảo đầy đủ nhân quyền cũng như xây dựng lộ trình trong việc thực hiện cam kết đối với các điều ước quốc tế về nhân quyền. Ở Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về dân sự, chính trị… được bảo đảm, bảo vệ bằng Hiến pháp và pháp luật; đồng thời, được thực hiện một cách công khai, minh bạch trong thực tiễn. Hiến pháp năm 2013 đã dành hơn ¼ dung lượng (với 36/120 điều) để quy định quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân; là cơ sở để điều chỉnh, bổ sung, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trên các lĩnh vực nhằm bảo đảm, bảo vệ quyền con người và quyền công dân. Cùng với đó, Việt Nam hiện là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025. Đây là lần thứ hai Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc trong vòng 10 năm qua. Đến nay, Việt Nam đã phê chuẩn, gia nhập 7/9 công ước cơ bản của Liên Hợp quốc về quyền con người; phê chuẩn, gia nhập 25 công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), trong đó có 7/8 công ước cơ bản. Đồng thời, cam kết thực hiện và coi đó là trách nhiệm chính trị, pháp lý của Nhà nước. Những điều trên đã khẳng định vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, cũng là minh chứng sống động nhất bác bỏ những luận điệu xuyên tạc, sai trái của cái gọi là tổ chức sáng kiến Đánh giá Nhân quyền (HRMI).

Thứ hai, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn nhất quán quan điểm “Tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân theo Hiến pháp năm 2013, gắn quyền công dân với nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân đối với xã hội”. Có nghĩa là, dân chủ đi liền với kỷ cương và được thể chế hóa bằng pháp luật; tự do phải đi cùng với trách nhiệm, bảo đảm chuẩn mực, nguyên tắc pháp lý, đạo đức xã hội… Do vậy, cũng như bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, tại Việt Nam, các quyền tự do, dân chủ của người dân sẽ có thể bị hạn chế theo quy định của pháp luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng theo đúng chuẩn mực Công ước quốc tế về nhân quyền. Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân. Mọi tổ chức, cá nhân sinh sống, hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam đều phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật Việt Nam; mọi người đều bình đẳng trước pháp luật; không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án có hiệu lực của tòa án. Chính vì thế, không có chuyện “Nhà nước Việt Nam bắt giữ tuỳ tiện, người dân bị tra tấn và ngược đãi, cưỡng bức mất tích, hành quyết mà không thông qua Tòa án” như luận điệu phi lý của HRMI!

Việc HRMI càng cố tình tung ra các luận điệu xuyên tạc, đánh giá thiếu khách quan về những nỗ lực thúc đẩy và bảo đảm quyền con người ở Việt Nam càng bộc lộ sự hạn hẹp về tầm nhìn và sự xấu xa trong bản chất của tổ chức này mà thôi!

(H.X)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *