Giải pháp nâng cao kỹ năng xử lý thông tin trên không gian mạng hiện nay
Trong bối cảnh vấn nạn tin giả, tin có nội dung thiếu lành mạnh, phản giáo dục, bôi xấu, vu cáo, phản động, kích động bạo lực, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, chống phá công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc của nước ta có xu hướng ngày càng gia tăng. Do đó, việc tiếp nhận, thu thập, phân loại, xử lý hiệu quả thông tin xấu độc trên không gian mạng là yêu cầu cấp thiết đối với nước ta hiện nay.
Theo thống kê Việt Nam là một trong số những nước có tốc độ phát triển nhanh về công nghệ thông tin, số người sử dụng internet, mạng xã hội lớn và ngày càng tăng. Tính tới tháng 6/2021, số lượng người dùng Internet ở Việt Nam là gần 70 triệu người, tăng 0,8% trong giai đoạn 2020 – 2021 (chiếm hơn 70% dân số); số người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam là gần 76 triệu người, tăng gần 10 triệu người trong vòng 1 năm (tương đương 73,7% dân số). Với con số này, Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng Internet cao thứ 12 trên toàn thế giới và đứng thứ 6 trong tổng số 35 quốc gia/vùng lãnh thổ khu vực châu Á. Người dùng Việt Nam dành trung bình tới gần 7 giờ mỗi ngày để tham gia các hoạt động liên quan tới Internet và tỉ lệ người dùng Internet ở Việt Nam sử dụng Internet hàng ngày lên tới 94%, trong đó thanh, thiếu niên chiếm tỷ lệ khá lớn.
Hiện nay ở nước ta, mạng xã hội đang trở thành một không gian xã hội mới, nơi mà mọi người có thể giao tiếp, sáng tạo, lao động, sản xuất, tiêu dùng, học tập và vui chơi giải trí, không bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Tuy nhiên, cùng với những lợi ích to lớn, không gian mạng đang tạo ra các nguy cơ và thách thức đối với an ninh quốc gia, an ninh con người và trật tự an toàn xã hội. Các thế lực thù địch lợi dụng không gian mạng để xuyên tạc cương lĩnh, đường lối, quan điểm, nền tảng tư tưởng của Đảng; lôi kéo, kích động các phần tử bất mãn, tập hợp lực lượng, thành lập các tổ chức chống đối; phát tán tài liệu, kêu gọi biểu tình, gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội… Ngoài ra, không gian mạng còn gây nên những thiệt hại lớn về tài sản, tinh thần, sức khỏe, thậm chí cả tính mạng con người. Thời gian qua, không ít những vụ lừa đảo qua mạng, những người đăng tải những lời nhận xét, bình luận, chia sẻ, tự dựng lên những câu chuyện, clip sai sự thật gây ảnh hưởng xấu đến danh dự, uy tín của tổ chức, cá nhân. Từ các vấn đề nêu trên, có thể thấy vấn đề an ninh, an toàn trên không gian mạng càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết, đây không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước, các cơ quan chức năng, mà còn là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi công dân.
Để xây dựng một không gian mạng lành mạnh, an toàn, thiết nghĩ mỗi người cần tiếp tục nghiên cứu để hiểu rõ ý nghĩa, giá trị, nội dung của Luật An ninh mạng, quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm và những hành vi bị cấm khi tham gia hoạt động trên không gian mạng; tự trau dồi kỹ năng nhận diện âm mưu, thủ đoạn gây nguy cơ mất an ninh mạng, nhất là âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch; nghiên cứu kỹ trước khi like hoặc chia sẻ các file, các bài viết hoặc các đường link; cảnh giác với trang web lạ, email chưa rõ danh tính và đường dẫn đáng nghi ngờ; tuyệt đối không a dua, hiếu kỳ, hoặc tham tiền bạc cùng với những lời kích động, xúi giục của các đối tượng xấu; kịp thời cung cấp thông tin, thực hiện yêu cầu và hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, người có trách nhiệm; tận dụng mạng xã hội một cách đúng đắn và hiệu quả, biến mạng xã hội thành một phương tiện, một kênh hữu ích để mở mang kiến thức, cùng nhau xây dựng môi trường văn hóa mạng xã hội lành mạnh, tránh bị các thông tin ảo chi phối tác động, góp phần ngăn chặn những tư tưởng, quan điểm sai trái, thù địch một cách có hiệu quả; phổ biến, tuyên truyền trong gia đình, người thân, bạn bè và Nhân dân nơi cư trú các quy định của Luật An ninh mạng để mọi người nắm, hiểu và không thực hiện các hành vi vi phạm liên quan đến an ninh mạng, góp phần xây dựng không gian mạng lành mạnh, an toàn…
(NTH)