“Hội chứng bầy đàn” trên mạng xã hội

Sự phát triển của Internet nói chung và mạng xã hội nói riêng đã giúp con người tiếp cận thông tin một cách chủ động, đa dạng, nhanh chóng. Nhưng cũng chính điều này đã làm cho con người bị dẫn dắt bởi nhiều thông tin thật giả lẫn lộn.

Ảnh minh họa

Việc tạo ra, lưu truyền và tán phát thông tin trên không gian mạng quá dễ dàng, chỉ với chiếc điện thoại thông minh, bất kỳ ai cũng có thể tiếp cận thông tin, tạo ra thông tin. Sự dễ dãi của môi trường không gian mạng đã tiếp tay, là mảnh đất màu mỡ cho “Hội chứng bầy đàn” trên mạng xã hội phát triển, gây ra biết bao điều phiền toái, làm băng hoại các giá trị đạo đức, văn hóa.

Chỉ vì sĩ diện bản thân, thích thể hiện là “người thạo tin” mà nhiều người không cần biết tính xác thực của thông tin, không cần sự hiểu biết, am tường, có kiến thức chuyên môn liên quan đến vụ việc đã lăn xả vào để chia sẻ, bình luận, thậm chí “ném đá” xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác, tạo ra một ma trận thông tin, gây áp lực cho các cơ quan chuyên môn, dẫn dắt dư luận, gây hoài nghi trong xã hội.

Thông tin tràn lan, nhiễu loạn trên không gian mạng liên quan đến những vụ việc thu hút dư luận trong thời gian gần đây (cô gái giao gà bị sát hại, ông bố vu khống con gái bị hiếp dâm ở Nghệ An, cháy ở công ty Rạng Đông, cháu bé tử vong trên ô tô tại Trường tiểu học Gateway…) là minh chứng đáng báo động cho tính nguy hiểm và hậu quả khôn lường của “hội chứng bầy đàn” trên mạng xã hội.

Chính tâm lý “bầy đàn” đã vô tình tiếp tay cho kẻ xấu có “đất” để nhào nặn thông tin, kéo theo một đám đông “hóng” tin, tạo ra nhiều luồng dư luận trái chiều trong xã hội, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong điều tra, xử lý vụ việc. “Hội chứng bầy đàn” đã làm cho nhiều người mất đi lòng tự trọng, luôn tỏ ra là “người nguy hiểm”, thể hiện mình hiểu biết, nắm giữ nhiều thông tin, sẵn sàng “thay mặt” các nhà chuyên môn, các cơ quan chức năng để đưa ra những suy đoán, nhận định theo ý chủ quan, a dua, chạy theo xu hướng đám đông.

Các thế lực thù địch, phần tử xấu, cơ hội luôn tìm cách khai thác “hội chứng bầy đàn” trên không gian mạng để phục vụ cho ý đồ tuyên truyền, xuyên tạc, kích động chống phá đất nước ta. Chúng luôn tìm cách tạo ra thông tin mang tính hiếu kỳ, kích thích sự tò mò, khơi dậy lòng trắc ẩn, tinh thần trách nhiệm của công dân đối với quốc gia, dân tộc.

Nhờ đó, chúng đã lôi kéo được nhiều “bầy đàn” đi theo, tạo nên một ma trận thông tin để kích động người dân phê phán các chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước. Bài học Formosa, kích động biểu tình phá rối an ninh xảy ra ở một số địa phương vào tháng 6 năm 2018 là minh chứng của “hội chứng bầy đàn”.

Làm gì để chữa trị căn bệnh “hội chứng bầy đàn” trên không gian mạng? Câu hỏi tưởng chừng đơn giản nhưng vô cùng khó khăn, phức tạp. Cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhưng trước hết là ý thức của tất cả mọi người khi tham gia mạng xã hội, cần phải có trách nhiệm, suy nghĩ thấu đáo trước khi bấm nút bình luận (comment), chia sẻ (share), đăng tin lên không gian mạng.

Cần cân nhắc, thận trọng, “hoài nghi” với các thông tin chưa được kiểm chứng, không a dua, “hùa” theo đám đông, phải có chính kiến, lòng tự trọng khi đưa ra phán xét, bình luận, suy đoán, kẻo vướng vào “hội chứng bầy đàn” mà vi phạm luân thường đạo lý, vi phạm pháp luật

CHI MAI (BPY)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *