KÊU GÀO THÀNH LẬP CÁI GỌI LÀ “CÔNG ĐOÀN ĐỘC LẬP” ĐỂ CHỐNG PHÁ ĐẢNG, NHÀ NƯỚC – THỦ ĐOẠN CŨ NHƯNG NGUY HIỂM!
Thời gian gần đây, lợi dụng sự kiện các địa phương, đơn vị tổ chức đại hội công đoàn các cấp tiến tới Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023 – 2028, các kênh truyền thông của các tổ chức phản động, thù địch thường xuyên đăng tải các bài viết, video xuyên tạc, phủ nhận vai trò của tổ chức công đoàn các cấp ở nước ta, vu khống thực trạng đời sống công nhân Việt Nam đang “rất tồi tệ”, yêu cầu có một “tổ chức khác hữu hiệu hơn” để bảo vệ họ, kêu gọi “thúc đẩy mạnh mẽ việc ban hành những quy định cần thiết để những “tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở” sớm được thành lập công khai, hợp pháp… Thủ đoạn được chúng thường xuyên sử dụng là cùng với việc kêu gào, cổ súy cho việc ra đời tổ chức “công đoàn độc lập” – lực lượng đối lập với Công đoàn Việt Nam được hoạt động “tự do”, được quyền ngồi xổm lên pháp luật Việt Nam chúng còn kêu gọi, kích động các đối tượng trong nước móc nối, phát triển lực lượng trong công nhân để hình thành các hội, nhóm nghiệp đoàn độc lập trong công nhân nhằm tiến hành hoạt động đình công, biểu tình, gây rối an ninh, trật tự làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế, xã hội. Song song đó, chúng còn kêu gọi các nước, các tổ chức phi chính phủ can thiệp thô bạo vào các vấn đề lao động, công đoàn ở Việt Nam… hòng thực hiện âm mưu thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, lật đổ vai trò lãnh đạo của Đảng, xóa bỏ thể chế chính trị tại Việt Nam… Có thể thấy, đây là mưu đồ cũ song rất thâm hiểm của kẻ thù nhằm chống phá cách mạng Việt Nam!
Thực tiễn chứng minh, qua hơn 90 năm hình thành và phát triển, sau hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, Công đoàn Việt Nam đã trưởng thành về mọi mặt, có những đóng góp xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của cách mạng, góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh… Công đoàn Việt Nam đã và đang thực hiện tốt các chức năng đại diện và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; có trách nhiệm tham gia với Nhà nước phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người lao động; đại diện và tổ chức người lao động tham gia quản lý cơ quan, đơn vị, tổ chức, quản lý kinh tế – xã hội, quản lý Nhà nước trong phạm vi chức năng của mình, thực hiện quyền kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan đơn vị, tổ chức theo quy định của pháp luật; trách nhiệm tổ chức, giáo dục động viên người lao động phát huy vai trò làm chủ đất nước, thực hiện nghĩa vụ công dân, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Công đoàn cơ sở đã chủ động tham gia xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ, tổ chức hội nghị người lao động và đối thoại tại nơi làm việc, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại các doanh nghiệp…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, tổ chức và hoạt động của công đoàn các cấp còn một số hạn chế, yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới. Những hạn chế, yếu kém này đã được Đảng, Nhà nước thẳng thắn chỉ ra và quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo để khắc phục. Theo đó, Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị “về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” đã chỉ 06 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần triển khai để đổi mới mạnh mẽ, thực chất hơn tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam gồm: (1) Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tập hợp, vận động đoàn viên, người lao động; tập trung phát triển đoàn viên, công đoàn cơ sở; (2) Tiếp tục sắp xếp, hoàn thiện mô hình tổ chức; xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên nghiệp, đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; (3) Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công đoàn đáp ứng yêu cầu tình hình mới; (4) Xây dựng nguồn tài chính đủ mạnh để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn; (5) Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động công đoàn; (6) Hoàn thiện chính sách, pháp luật; tăng cường và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội với công đoàn.
Việc các tổ chức phản động, thù địch liên tục tung ra các luận điệu hòng xuyên tạc, hạ thấp vai trò của tổ chức công đoàn các cấp ở nước ta; kêu gọi thành lập cái gọi là “Công đoàn độc lập” vô chính phủ, không tuân thủ pháp luật Việt Nam, thay thế tổ chức Công đoàn ở nước ta, tạo dựng lực lượng chính trị đối lập, tiến tới thực hiện mưu đồ thay đổi chế độ chính trị ở Việt Nam là thủ đoạn hết sức nguy hiểm. Hơn lúc nào hết chúng ta cần tỉnh táo, cảnh giác để nhận diện và đấu tranh với chúng!
M.A