KHÔNG THỂ PHỦ NHẬN NỀN DÂN CHỦ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA Ở VIỆT NAM!
Có thể thấy, trong những năm qua, dân chủ là một trong những vấn đề thường xuyên bị các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị lợi dụng để xuyên tạc, hòng tạo tâm lý hoang mang, dao động, làm xói mòn lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, gây chia rẽ trong xã hội và mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân… Theo chúng, việc Việt Nam chỉ do một đảng lãnh đạo sẽ làm mất dân chủ, kìm hãm, cản trở sự phát triển của đất nước, kìm hãm tư duy sáng tạo, dẫn đến dân chủ hình thức, nhân dân không được phát huy quyền làm chủ và không được thụ hưởng xứng đáng những thành quả lao động làm ra; muốn có dân chủ thực sự thì Việt Nam phải thực hiện đa nguyên đa đảng… Có thể thấy, đây chính là dã tâm, mưu đồ đen tối của các thế lực thù địch hòng phủ nhận những thành quả của dân chủ xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam. Tuy nhiên, dân chủ xã hội chủ nghĩa của Việt Nam là không thể phủ nhận! Tại sao lại nói như vậy?
Bởi lẽ, kể từ khi ra đời đến nay (1930 – 2023), mục tiêu, lý tưởng xuyên suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam là độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất đất nước gắn liền với chế độ xã hội do nhân dân làm chủ và quyền con người. Từ Cương lĩnh đầu tiên của Đảng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc soạn thảo và được Hội nghị thành lập Ðảng (tháng 02/1930) thảo luận, thông qua đến các văn kiện, nghị quyết của Đảng qua 13 kỳ Đại hội đều khẳng định rõ: Quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân. Hiện nay, Đảng và Nhà nước Việt Nam đang tiếp tục thực hiện đường lối đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, đưa đất nước vững bước trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030, Đảng ta cũng chỉ rõ: “Phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển; lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững”. Trên cơ sở phát huy tinh thần “lấy dân làm gốc” cùng với sự chuyển tiếp tư duy từ “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” tại Đại hội lần thứ VI của Đảng và tiếp tục phát huy qua các kỳ đại hội, Đại hội lần thứ XIII của Đảng bổ sung cụm từ “dân giám sát, dân thụ hưởng” và “Đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước, trong toàn bộ quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” càng thể hiện rõ vị trí và vai trò làm chủ của nhân dân, đồng thời thể hiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ngày càng được mở rộng và đi vào nề nếp trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Thực tế, dân chủ không phụ thuộc vào chế độ một đảng hay đa đảng. Thực tiễn hiện thực nhiều quốc gia chỉ do một đảng cầm quyền song vẫn bảo đảm dân chủ, kinh tế – xã hội ổn định, đời sống nhân dân được ấm no, hạnh phúc. Trong khi, một số quốc gia thực hiện chế độ đa đảng song tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội liên tục bị đảo lộn, tình trạng mất dân chủ thường xuyên xảy ra. Đó chính là biểu hiện sinh động khẳng định đa đảng không phải là yếu tố quyết định bản chất dân chủ của một quốc gia.
Thực tế rõ ràng là vậy, song vẫn có những kẻ bất trí, cố tình xuyên tạc, phủ nhận những thành quả dân chủ xã hội chủ nghĩa của Việt Nam hòng làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Hơn ai hết, mỗi người dân chúng ta cần phải nêu cao tinh thần cảnh giác, đấu tranh bác bỏ những luận điệu xuyên tạc này!
Hoà Xuân