XUYÊN TẠC VỀ SÁCH TRẰNG TÔN GIÁO CỦA VIỆT NAM CHỈ CÀNG KHIẾN BẢN CHẤT XẢO TRÁ, PHI NGHĨA CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH HIỆN RÕ
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến nhu cầu tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Người khẳng định, sự nghiệp giải phóng dân tộc nhằm mục tiêu tối thượng là đem lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân, trong đó có tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Chính vì vậy mà chỉ 1 ngày sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, tại phiên họp của Chính phủ ngày 03/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị Chính phủ tuyên bố tín ngưỡng tự do và lương – giáo đoàn kết. Ngày 14/6/1955, Người đã ký sắc lệnh 234/SL xác định “Việc tự do tín ngưỡng, tự do thờ cúng là quyền lợi của Nhân dân. Chính phủ luôn tôn trọng và giúp đỡ Nhân dân thực hiện. Chính quyền không can thiệp vào nội bộ các tôn giáo. Các tôn giáo phải tuân theo pháp luật của nhà nước như mọi tổ chức khác của Nhân dân. Việc bảo vệ tự do tín ngưỡng bắt buộc phải trừng trị những kẻ đội lốt tôn giáo gây rối loạn”. Kế thừa quan điểm đó, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo và Sách trắng “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam” chính là tập hợp những thông tin cơ bản về tôn giáo ở Việt Nam; chính sách tôn giáo ở Việt Nam; thành tựu, thách thức và ưu điểm của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền tự do, tín ngưỡng, tôn giáo. Qua đó, kịp thời cung cấp rõ ràng và đầy đủ về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong việc bảo đảm tự do tín ngưỡng, tôn giáo, cũng như thực tiễn đời sống tín ngưỡng, tôn giáo sôi động ở Việt Nam.
Vì vậy mà chẳng có gì lạ khi các tổ chức phản động, thế lực thù địch – những kẻ luôn sử dụng tín ngưỡng, tôn giáo như một trong những chiêu bài đắc lực phục vụ cho sự chống phá của chúng – đã không ngừng tung ra các luận điệu xuyên tạc về tình hình tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam, trong đó có việc Việt Nam ban hành sách trắng về tôn giáo. Theo đó, chúng cho rằng ở Việt Nam không có tự do tôn giáo thật sự; rằng Nhà nước Việt Nam chèn ép, bức hại tôn giáo, nhất là với các nhóm tôn giáo vùng dân tộc thiểu số; rằng Việt Nam gia tăng đàn áp tự do tôn giáo, bắt bớ các “tù nhân lương tâm”, “tù nhân tôn giáo” thông qua các “tội danh mơ hồ” trong các điều khoản về an ninh quốc gia… Và Sách trắng “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam” là “bức bình phong” để che đậy tất cả những điều trên.
Sự thật thì sao? Sách trắng về tôn giáo của Việt Nam có gì?
Thứ nhất, nói về nội dung của cuốn sách. Đây là sách giới thiệu thông tin cơ bản về 16 tôn giáo phổ biến ở Việt Nam; cung cấp thông tin về quan điểm của Đảng về tín ngưỡng, tôn giáo trong thời kỳ đổi mới; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo quy định trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; những quy định về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trong văn bản quy phạm pháp luật hiện hành; thành tựu, thách thức và ưu tiên của Việt Nam trong việc đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Ngoài ra, sách có phần phụ lục giới thiệu một số hình ảnh về tôn giáo, đời sống tôn giáo ở Việt Nam; số liệu về tôn giáo; danh mục tổ chức tôn giáo, tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo; Điều 24, Hiến pháp năm 2013.
Thứ hai, về sự cần thiết phải ban hành Sách trắng về tôn giáo của Việt Nam. Thực tiễn cho thấy, thời gian qua, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước ta. Hiến pháp và các văn bản pháp luật của Việt Nam luôn nhất quán quan điểm bảo đảm cao nhất, đầy đủ nhất quyền con người, bao gồm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế và thực tiễn cách mạng Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang đương đầu với không ít khó khăn, thách thức trong việc bảo đảm quyền này, trong đó đáng chú ý là việc xuất hiện những hiện tượng tôn giáo trái thuần phong mỹ tục, vi phạm luật pháp của Việt Nam; việc một số đối tượng lợi dụng sự hiểu biết chưa đầy đủ của một bộ phận đồng bào có tín ngưỡng, tôn giáo, cùng với sự hà hơi, tiếp sức của các thế lực thù địch trong và ngoài nước trắng trợn xuyên tạc, bịa đặt về tình hình tôn giáo ở Việt Nam, xuyên tạc chính sách của Đảng, Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, một số người có chức sắc trong tôn giáo còn kích động giáo dân thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, gây phức tạp tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc… Sách trắng về tôn giáo của Việt Nam chính là một trong những công cụ chuyển tải thông tin rõ ràng, chính thống, trung thực để các nước, các tổ chức, cá nhân quan tâm đến lĩnh vực nhân quyền, tôn giáo của Việt Nam hiểu đúng và đủ về tình hình tín ngưỡng, tôn giáo và công tác bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
Từ những điều trên cho thấy, việc các đối tượng phản động, thù địch càng cố tình xuyên tạc Sách trắng về tôn giáo của Việt Nam chỉ càng khiến cho bản chất xảo trá, phi nghĩa của chúng hiện rõ thêm mà thôi.
Mộc An