ĐẤU TRANH VỚI ÂM MƯU ĐÒI VIỆT NAM THỰC HIỆN “ĐA NGUYÊN, ĐA ĐẢNG”

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã đánh dấu một bước ngoặt vĩ đại cho cách mạng Việt Nam. Đó là thời kỳ kết thúc cuộc khủng hoảng đường lối cứu nước và mở đầu thời kỳ cả dân tộc đi theo ngọn cờ của Đảng. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, với đường lối đúng đắn, Đảng ta đã quy tụ, đoàn kết tất cả các giai cấp, giai tầng trong xã hội, xây dựng nên lực lượng cách mạng to lớn và rộng khắp đứng lên đấu tranh, xóa bỏ chế độ thực dân phong kiến, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thế nhưng, bất chấp thực tế lịch sử mang tính quy luật, thời gian qua, các thế lực thù địch, phản động đã tìm mọi cách, mọi thủ đoạn để tuyên truyền, phát tán nhiều bài viết, tài liệu có nội dung xuyên tạc như “thể chế độc đảng toàn trị”, “độc đảng là mất dân chủ”, “sai lầm đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam về con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội… nên xã hội không có tự do, dân chủ”. Chúng cho rằng, đã đến lúc Đảng Cộng sản Việt Nam cần tự kết thúc vai trò lịch sử của mình vì chỉ có “đa nguyên, đa đảng” thì Việt Nam mới có dân chủ thực sự, có được sự giàu có, ấm no… Chung quy lại, mục đích cuối cùng của các thế lực thù địch là hạ thấp uy tín, vai trò của Đảng trước nhân dân, tiến tới xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với xã hội và Nhà nước Việt Nam.

Thực tế lịch sử đã khẳng định rằng, chế độ một đảng hay nhiều đảng hoàn toàn chưa nói lên việc thực hành dân chủ ở từng nước, mà dân chủ phụ thuộc vào bản chất của đảng cầm quyền ở nước đó. Dân chủ là một giá trị xã hội, được hình thành và bảo đảm bởi nhiều yếu tố, điều kiện khác nhau. Trong bất kỳ xã hội nào, dù nhất nguyên hay đa nguyên, một đảng hay đa đảng, nhưng nếu đảng cầm quyền và nhà nước quan tâm đến thể chế bảo đảm quyền lực thực tế của nhân dân, chăm lo cho nhân dân, tôn trọng nhân dân… thì xã hội đó mới có dân chủ thật sự. Ở Việt Nam, trong Cương lĩnh của Đảng và Hiến pháp của Nhà nước đều thể hiện rõ quan điểm “mọi quyền lực thuộc về nhân dân”, “nhân dân lao động là người chủ đất nước”… Dân chủ ở Việt Nam hiện nay là dân chủ xã hội chủ nghĩa, một nền dân chủ hướng về quần chúng nhân dân, rất khác biệt so với nền dân chủ tư bản chủ nghĩa, vốn chỉ hướng đến bảo vệ lợi ích cho giai cấp tư sản. Chính vì vậy, không thể vì một vài hạn chế, một vài hiện tượng mất dân chủ ở một số nơi rồi cố tình quy chụp, phủ nhận bản chất tốt đẹp của Đảng và chế độ ta.

Một thể chế chính trị hay một đảng phái chính trị được thành lập phải xuất phát từ nhu cầu của thực tế xã hội, xuất phát từ nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Sự thành lập của một đảng phái không thể chỉ để “làm phong phú, đa dạng thêm ý thức hệ tư tưởng” mà tự thân nó phải làm tròn bổn phận của mình, với tư cách là một lực lượng chính trị, để mang lại lợi ích cho dân tộc, cho đất nước. Thực tế ở Việt Nam hiện nay không hề có một nhu cầu nào như vậy. Đảng Cộng sản Việt Nam chính là lực lượng đại diện duy nhất cho lợi ích của toàn dân tộc, ngoài lợi ích của giai cấp, của dân tộc và của nhân dân, Đảng Cộng sản Việt Nam không có lợi ích nào khác. Nhu cầu về đảng đối lập thực chất chỉ để phục vụ cho lợi ích, động cơ chính trị nhỏ nhen, xấu xa của một vài tổ chức cá nhân mà thôi.

Trong suốt quá trình lịch sử, tinh thần đại đoàn kết đã trở thành truyền thống quý báu của dân tộc ta. Đảng Cộng sản Việt Nam chính là hiện thân cao nhất cho tinh thần đại đoàn kết ấy. Việt Nam không thực hiện chế độ đa đảng không phải vì chúng ta bảo thủ hoặc mất dân chủ như các thế lực thù địch cố tình xuyên tạc, mà đó là yêu cầu khách quan, là vì sự ổn định và phát triển của đất nước. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ củng cố quốc phòng, an ninh trong tình hình mới, trong đó nhấn mạnh, cần chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị, ngăn chặn từ sớm, từ xa, phản bác những thông tin và luận điệu sai trái, đặc biệt, cần chỉ rõ những biểu hiện của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, trong đó có biểu hiện “đòi thực hiện “đa nguyên, đa đảng”.

(BVTH)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *