Vấn nạn tin giả trên không gian mạng trong mùa đại dịch Covid-19

Thời gian qua, cùng với các phương tiện truyền thông khác, không gian mạng nói chung và mạng xã hội nói riêng đã góp phần không nhỏ vào công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các thông tin liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 đến với người dân một cách nhanh nhất, kịp thời nhất. Nhờ vậy, đã mang lại hiệu quả tích cực, giúp quần chúng Nhân dân nhận thức đúng đắn về tính nguy hiểm của đại dịch Covid-19, đoàn kết một lòng cùng với cả hệ thống chính trị quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi, chiến thắng đại dịch Covid-19. Đại đa số những người tham gia mạng xã hội (phổ biến là Facebook, zalo) đã tự nguyện làm chiếc cầu nối để lan toả các văn bản, chỉ thị, quy định của Đảng, Nhà nước, các thông tin tích cực liên quan về công tác phòng chống dịch Covid-19, góp phần giúp công tác điều hành, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng chống dịch Covid-19 được nhanh hơn, hiệu quả hơn. Nhưng mạng xã hội cũng chính là mảnh đất màu mỡ làm nảy sinh vấn nạn tin giả, tin “giật gân”, tin sai sự thật, tin đồn…, gây hoang mang trong quần chúng Nhân dân, ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, công tác phòng, chống đại dịch Covid-19.

Với nhiều động cơ, mục đích khác nhau mà một số người vì vô tình hay cố ý đã lan truyền, đưa lên mạng xã hội nhiều thông tin chưa được kiểm chứng, tin giả, tin “giật gân”, tin sai sự thật, tin đồn… làm nhiễu loạn thông tin, làm cho người tiếp nhận thông tin ngộ nhận dẫn đến nhận thức sai lệch về dịch Covid-19 và các biện pháp phòng, chống. Thậm chí, có người còn đăng tải, chia sẻ thông tin hướng dẫn cách thức phòng ngừa, điều trị Covid-19 có nội dung phản khoa học, gây nguy hại đến sức khoẻ, tính mạng của người dân. Chỉ vì muốn thể hiện bản thân mình là người “thạo tin” mà một số người (nhất là các bạn trẻ) đã thêu dệt nhiều thông tin hoang đường, chia sẻ nhiều thông tin không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm chứng liên quan Covid-19 lên không gian mạng. Nhưng phổ biến nhất vẫn là những người vì muốn câu view, câu like, muốn được nổi tiếng trên mạng xã hội mà đã bất chấp luân thường đạo lý, bất chấp pháp luật để tung tin đồn, tin “giật gân”, tin có nội dung bạo lực, đồi truỵ, phi văn hoá… lên mạng xã hội nhằm để trục lợi và thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác. Đồng thời, lợi dụng các tiện ích của mạng xã hội, các thế lực thù địch, bọn phản động cũng đã tăng cường các hoạt động “diễn biến hoà bình”, xuyên tạc công tác phòng chống đại dịch Covid-19 của Đảng và Nhà nước ta. Chúng rêu rao cho rằng Việt Nam “giấu số liệu người nhiễm và số ca tử vong vì Covid-19”. Khi tổ chức WHO tiến hành kiểm tra, xác thực và công nhận Việt Nam là một trong những hình mẫu và là một trong số ít quốc gia thành công bước đầu trong ngăn chặn, đẩy lùi đại dịch Covid-19 thì bọn chúng lại chữa thẹn cho rằng Việt Nam “ăn may”. Cá biệt, có kẻ còn rất dã man, vô liêm sỉ đến mức đã đăng nhiều tin, bài, clip lên mạng xã hội với nội dung tỏ ra thích thú khi tình hình dịch Covid-19 ở Việt Nam diễn biến phức tạp, khi Việt Nam có ca tử vong vì Covid-19. Thâm độc và bỉ ổi nhất vẫn là những kẻ đã lợi dụng sơ hở, thiếu sót của ta trong triển khai các biện pháp, công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 để tuyên truyền, kích động chống phá Đảng, Nhà nước. Câu chuyện lợi dụng việc tỉnh Hải Dương đưa đoàn Bác sĩ, sinh viên của trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương vào giúp TP HCM chống dịch là một ví dụ điển hình. Chỉ vì một vài sơ xuất nhỏ trong sinh hoạt, phát ngôn của một số ít bạn sinh viên, xuất phát từ những status, bình luận thiếu trách nhiệm của một vài người mà các thế lực thù địch, bọn phản động đã lợi dụng cộng đồng mạng để kích động tư tưởng kỳ thị, phân biệt vùng miền vốn đã đi vào dĩ vãng trong tâm thức của người Việt, gây nên những hiểu lầm, tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 của TPHCM nói riêng và cả nước nói chung.

 Vấn nạn tin giả trên không gian mạng tất yếu sẽ bị xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật. Với phương châm “không ai được đứng trên, đứng ngoài vòng pháp luật”, thời gian qua các cơ quan chức năng đã xử phạt hành chính hàng trăm đối tượng, khởi tố, truy cứu trách nhiệm hình sự hàng chục đối tượng có hành vi đăng tải, chia sẻ tin giả, tin sai sự thật, tin “giật gân”, tin đồn… liên quan dịch Covid-19. Đây là bài học cảnh tỉnh cho tất cả những ai còn có ý định truyền đưa tin giả lên không gian mạng nói chung và mạng xã hội nói riêng.

TRẦN QUANG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *