Lựa chọn người tài đức – chủ trương nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam

Cứ đến dịp chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp, các thế lực thù địch lại rêu rao, xuyên tạc rằng: Việc lựa chọn, bầu vào các vị trí quan trọng trong Đảng, Nhà nước chỉ mang tính hình thức; chỉ người nhà các lãnh đạo mới được lựa chọn. Đại hội thực chất chỉ là việc củng cố, thâu tóm quyền lực của một số lãnh đạo… Đây là luận điệu xuyên tạc về công tác tổ chức cán bộ, nhằm làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước ta.

Trọng dụng người có đức, có tài-truyền thống và bài học lịch sử   

Lịch sử dân tộc Việt Nam đã chứng minh, thu hút và trọng dụng người tài đức trở thành quốc sách, thành đạo đức và thấm sâu vào quan niệm sống của nhân dân ta. Kế thừa truyền thống tốt đẹp đó của dân tộc, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam luôn quan tâm đặc biệt đến công tác cán bộ và thu hút người tài đức để xây dựng, kiến thiết đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”, “Kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển”. Trong tuyển chọn, bố trí cán bộ, Người nhấn mạnh, không được thiên tư, thiên vị, không phân biệt là người trong hay ngoài Đảng mà lựa chọn những người thật sự có đức, có tài, hết mình phấn đấu cho cách mạng. Hồ Chí Minh yêu cầu người lãnh đạo, quản lý phải biết chăm lo phát hiện người tài đức, phải biết đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng họ hợp lý và phải làm thường xuyên, liên tục, như: “Người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu”. Người cũng khẳng định: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức, để gánh vác công việc nước nhà”, đó chính là cuộc vận động chính trị quan trọng nhằm phát huy vai trò làm chủ thật sự của nhân dân trong xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Người căn dặn: “khéo dùng cán bộ là phải khéo nâng cao chỗ tốt, khéo sửa chữa chỗ xấu cho họ”,“dụng nhân như dụng mộc”, “phải dùng người đúng chỗ, đúng việc”, biết dùng đúng năng lực sở trường của họ, bảo đảm tính kế thừa và phát triển, chú ý tạo nguồn và bồi dưỡng cán bộ kế cận cho đời sau. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt phê bình nghiêm khắc việc dùng cán bộ là người thân, anh em quen biết hay dùng những kẻ khéo nịnh dẫn đến hiện tượng ô dù, công thần, kéo bè cánh. Người yêu cầu phải tuyệt đối tránh hiện tượng địa phương cục bộ trong công tác cán bộ; phải xử lý nghiêm bệnh địa phương trong công tác này.

Lựa chọn người tài đức - chủ trương nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam
Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dùng người tài không đúng, công việc sẽ không chạy, làm thui chột nhân tài và có hại cho Đảng. Trong ảnh: Bác Hồ trò chuyện với các trí thức / Ảnh tư liệu.

Ngày càng hoàn thiện chính sách về công tác cán bộ

Đảng Cộng sản Việt Nam luôn đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm với nhiệm vụ, coi đó chính là khâu “then chốt của nhiệm vụ then chốt”. Vì vậy, trong từng giai đoạn cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản quan trọng chỉ đạo công tác này. Không chỉ các hội nghị Trung ương, mà ngay trong văn kiện đại hội, Đảng Cộng sản Việt Nam cũng thể hiện rõ những chủ trương, giải pháp quan tâm, chăm lo đến nhiệm vụ xây dựng, bồi dưỡng cán bộ, như: Nghị quyết số 03-NQ/TW ngày 18-6-1997 của Bộ Chính trị khóa VIII về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; Văn kiện Đại hội X khẳng định: “Phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng người có đức, có tài; tạo bước chuyển căn bản trong việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng nhân tài; xây dựng chiến lược quốc gia về nhân tài; coi đó là giải pháp quan trọng trong thực hiện chiến lược cán bộ”, “lựa chọn những người thực sự có đức, có tài giữ các vị trí lãnh đạo, đặc biệt là người đứng đầu”(1). Đặc biệt, Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI về xây dựng Đảng đã khẳng định một chủ trương rất mới và tích cực trong việc lựa chọn, bố trí người tài, đức vào các vị trí lãnh đạo: “Thí điểm chế độ tiến cử, chế độ tập sự lãnh đạo quản lý”; Văn kiện Đại hội XII tiếp tục nhấn mạnh: “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”; Bộ Chính trị khóa XII cũng ban hành Quy định số 89-QĐ/TW ngày 4-8-2017 về “Khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp”, Nghị quyết Trung ương 6, khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết Trung ương 7, khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Quy định số 90-QĐ/TW ngày 4-8-2017 về “Tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý”; Quy định số 105-QĐ/TW ngày 19-12-2017 của Bộ Chính trị quy định về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19-5-2018 của Bộ Chính trị về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”; Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30-5-2019 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng…

Trong đó, Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19-5-2018 là nghị quyết rất quan trọng và cấp thiết trong xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu chủ động hội nhập quốc tế và phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Việc ban hành hệ thống các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý về công tác cán bộ thể hiện quyết tâm chính trị to lớn của Đảng, Nhà nước nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác cán bộ; góp phần ngăn chặn, đẩy lùi những tiêu cực, hạn chế trong công tác này ngay từ khâu đánh giá, lựa chọn cán bộ và thu hút người có đức, tài vào hệ thống chính trị của nước ta.

Đại hội không phải là nơi chạy chức, chạy quyền

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong những năm qua, đội ngũ cán bộ chiến lược các cấp đã trưởng thành mọi mặt, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Việc lựa chọn, bầu vào các vị trí quan trọng của hệ thống chính trị đã được đổi mới, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, công tâm, khách quan, có sự tham gia rộng rãi của toàn xã hội. Trong công tác cán bộ, việc chuẩn hóa, siết chặt kỷ luật, kỷ cương luôn đi đôi với tạo cơ chế, môi trường, điều kiện để khuyến khích đổi mới, sáng tạo của cán bộ và tăng cường kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền, kịp thời ngăn chặn và đẩy lùi các tiêu cực.

Thời gian qua, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc trong đấu tranh chống tham nhũng, xử lý nghiêm minh trước pháp luật những cán bộ, đảng viên thoái hóa biến chất, vi phạm pháp luật, kể cả đương chức hoặc đã nghỉ hưu theo tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”; kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy nhà nước những cán bộ yếu kém, không đủ phẩm chất, năng lực, quan liêu, sách nhiễu nhân dân đã củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp của Đảng được thực hiện trên cơ sở phát huy dân chủ đi đôi với giữ vững nguyên tắc, kỷ luật, kỷ cương; coi trọng chất lượng, hiệu quả, đề cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, trước hết là người đứng đầu. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Đại hội là dịp để ta sàng lọc cán bộ chứ không chỉ bàn phương hướng. Ai xứng đáng thì làm, không thì thôi, không sợ thiếu cán bộ”(2). Công tác nhân sự được thực hiện đúng điều lệ, quy chế, quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; đặc biệt coi trọng chất lượng, có số lượng và cơ cấu hợp lý; cán bộ phải tiêu biểu về trí tuệ, phẩm chất, uy tín, thật sự trong sạch, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Việc bầu ra cơ quan lãnh đạo các cấp được thực hiện theo nguyên tắc tập trung dân chủ nhằm tạo môi trường thực sự dân chủ trong quá trình chuẩn bị nhân sự và trong bầu cử tại đại hội… chứ không thể để gia tăng tình trạng  “con vua thì lại làm vua” hay là việc “củng cố hay thâu tóm quyền lực” như các thế lực thù địch đã rêu rao, xuyên tạc.

Tuy nhiên, cũng phải nghiêm túc nhìn nhận, vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định trong công tác cán bộ thời gian qua. Đảng, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt công tác cải cách hành chính, đổi mới công tác đánh giá, thi tuyển, bổ nhiệm cán bộ, nhưng kết quả chưa đạt yêu cầu đặt ra. Công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ đạt được nhiều kết quả tốt, nhưng trên thực tế có nhiều cán bộ có đức, có tài, có triển vọng chưa được đưa vào quy hoạch. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chậm đổi mới, chưa kết hợp chặt chẽ giữa lý luận với thực tiễn, chưa gắn quy hoạch theo chức danh. Việc sắp xếp, bố trí giới thiệu cán bộ ứng cử vẫn còn tình trạng đúng quy trình nhưng chưa đúng người, đúng việc hoặc bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, trong đó có cả người thân, họ hàng của lãnh đạo còn diễn ra ở một số bộ, ngành, địa phương. Công tác giám sát của các cơ quan chức năng và nhân dân đối với cán bộ, đảng viên ở một số nơi còn lỏng lẻo nên vẫn còn có cán bộ lãnh đạo, quản lý thoái hóa, biến chất, tham nhũng, hách dịch với nhân dân chưa được xử lý kịp thời. 

Thực tế đó đòi hỏi các cơ quan chức năng cần tiếp tục xây dựng được đội ngũ cán bộ chiến lược “vừa hồng, vừa chuyên”, có đủ tâm, đủ tầm, đủ tài để lãnh đạo thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ của cách mạng. Để đạt được mục tiêu này, cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong công tác cán bộ. Cần xây dựng bộ khung tiêu chuẩn cho tất cả chức danh trong bộ máy hành chính nhà nước, cấp nào ràng buộc tiêu chuẩn chức danh ấy. Trong đánh giá cán bộ, phải lấy hiệu quả công tác thực tế và sự tín nhiệm của nhân dân đối với cán bộ làm thước đo chủ yếu. Cần tiếp tục thực hiện cơ chế thi tuyển các chức danh bổ nhiệm bảo đảm tính công khai, minh bạch, dân chủ, công bằng và cạnh tranh lành mạnh, có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của nhiều cơ quan chức năng và nhân dân để lựa chọn những cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, năng động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm giữ các vị trí lãnh đạo. Có cơ chế tranh cử đối với các chức danh bầu cử bằng cương lĩnh, chương trình hành động thuyết phục. Kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực như “chạy chức”, “chạy quyền” hoặc hình thức, chiếu lệ trong lựa chọn, bố trí cán bộ. Việc lựa chọn, bố trí, sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ phải đúng nguyên tắc, dân chủ, minh bạch, công khai, công tâm, khách quan. Tiếp tục sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn các tổ chức, cơ quan trong hệ thống chính trị bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với đổi mới phương thức lãnh đạo, cải tiến chế độ tiền lương và chính sách đãi ngộ hợp lý bảo đảm cho cán bộ, đảng viên sống tốt bằng thu nhập chính đáng của mình. Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là cán bộ cốt cán theo hướng hiện đại, chuẩn hóa chuyên sâu; coi trọng giáo dục đạo đức, lối sống, năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành; gắn đào tạo cơ bản tại trường và bồi dưỡng, rèn luyện trong thực tiễn để đánh giá, tuyển chọn, tạo nguồn nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực, phẩm chất đạo đức để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Cần gắn kết chặt chẽ đào tạo với sử dụng đúng chuyên môn được đào tạo. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động quản lý, sử dụng cán bộ, qua đó kịp thời xử lý tiêu cực, đồng thời phát hiện, thay thế cán bộ yếu kém bằng những người có đức, có tài, có đủ phẩm chất, năng lực.

————————————

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương khoá X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2009, tr 246;

2. Trích phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Phiên họp thứ 16 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng ngày 26-7-2019.

QĐND

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *