THỰC TẾ TÌNH HÌNH KINH TẾ – XÃ HỘI VIỆT NAM BÁC BỎ MỌI LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC
Trong những năm qua có thể thấy một trong thủ đoạn mà các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị thường xuyên sử dụng để chống phá cách mạng Việt Nam đó chính là xuyên tạc, phủ nhận thành tựu trong phát triển kinh tế – xã hội của đất nước ta. Chúng cho rằng những con số về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chỉ là những “con số tốt đẹp”, trong khi cuộc sống thực tế của người nghèo, người lao động càng khó khăn hơn; nền kinh tế Việt Nam đang “thất bại toàn tập”… Thực tế thì sao?
Nền kinh tế Việt Nam luôn ổn định và phát triển với những con số ấn tượng về mọi mặt, ngay trong bối cảnh nền kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, nhiều biến động, rủi ro, đi kèm suy thoái và khó khăn. Tại báo cáo rà soát thống kê thương mại thế giới năm 2020 của WTO đã ghi nhận trong số 50 quốc gia có nền thương mại hàng hóa lớn nhất thế giới, Việt Nam được xem có mức tăng trưởng lớn nhất khi dịch chuyển từ vị trí 39 (năm 2009) lên vị trí top 20 (năm 2020) nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Theo đánh giá và xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), trong 10 năm, chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam đã cải thiện 13 bậc, từ 68/131 (năm 2007) lên 55/137 (năm 2017). Về thương mại, nếu như năm 2006 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam chỉ đạt 84,7 tỷ USD thì đến hết năm 2022, lần đầu tiên vượt mốc 700 tỷ USD, đạt hơn 732,5 tỷ USD, tăng khoảng 9,5% so năm 2021 (668,5 tỷ USD). Trong đó, xuất khẩu đạt khoảng 371,5 tỷ USD tăng khoảng 10,6%, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao (kế hoạch tăng 8%). Đặc biệt cán cân thương mại cũng được cải thiện rõ rệt, từ việc nhập siêu nhiều năm liên tiếp, đến năm 2016 luôn đạt thặng dư với mức giá trị tăng dần qua các năm, từ 1,77 tỷ USD (năm 2016) tăng lên 19 tỷ USD (năm 2020). Năm 2022 ghi nhận là năm thứ 7 liên tiếp Việt Nam xuất siêu với thặng dư thương mại hơn 11 tỷ USD. Việt Nam cũng trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư FDI, từ việc thu hút 64 tỷ USD vốn FDI (năm 2008), đến hết năm 2022, con số này đã đạt gần 439 tỷ USD với 36.278 dự án đến từ hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ…
Cùng với các thành tựu trong phát triển kinh tế, thời gian qua, các lĩnh vực an sinh xã hội đã được triển khai kịp thời, thiết thực và hiệu quả. Thu nhập bình quân tháng của người lao động năm 2022 là 6,7 triệu đồng, tăng 927.000 đồng so với năm trước và tăng 759.000 đồng so với cùng kỳ năm 2019 – khi chưa có dịch Covid-19. Việt Nam là một trong 30 quốc gia đầu tiên trên thế giới xác định và thực hiện các chương trình liên quan đến mục tiêu giảm nghèo và cũng là nước đầu tiên trong khu vực thực hiện và đạt được những thành tựu vượt trước 10 năm so với mục tiêu thiên niên kỷ. Nghèo đa chiều đã giảm liên tục và đáng kể, từ 18,1% năm 2012 xuống còn 4,4% năm 2021. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng dân tộc thiểu số và miền núi khá cao, đạt bình quân 7%/năm, cao hơn bình quân chung của cả nước. Đời sống vật chất của đồng bào các dân tộc thiểu số ngày càng được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh hàng năm. Bình quân toàn vùng giảm 4%/năm; riêng các xã đặc biệt khó khăn giảm trên 4%/năm; các huyện nghèo giảm 5 – 6%/năm trở lên… Với quyết tâm: “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, Quốc hội đã thông qua nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 – 2030; giai đoạn I từ 2021 – 2025; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025. Cả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đều có các hợp phần, mục tiêu, chỉ tiêu liên quan đến giảm nghèo bền vững, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo. Nguồn lực chi cho công tác giảm nghèo trong 3 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 – 2025 lên tới trên 408.000 tỷ đồng. Trong đó Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tối thiểu là 75.000 tỷ đồng, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tối thiểu là 137.664,959 tỷ đồng, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tối thiểu là 196.332 tỷ đồng…
Những kết quả trên là kết quả sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, sự điều hành quyết liệt của Nhà nước, nỗ lực cố gắng của các cấp, ngành, địa phương và cả cộng đồng. Sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc chính là nội lực to lớn để chúng ta đi đến thắng lợi về kinh tế cũng như các nhiệm vụ quan trọng khác của cách mạng Việt Nam. Đây đồng thời cũng là cơ sở quan trọng, là niềm tin, chỗ dựa vững chắc để kinh tế nước ta tiếp tục phát triển, sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta tiếp tục thành công, như đánh giá của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: “Thế và lực của đất nước sau 35 năm đổi mới đã lớn mạnh hơn nhiều cả về quy mô và sức cạnh tranh của nền kinh tế; tình hình chính trị – xã hội, kinh tế vĩ mô ổn định, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và xã hội tăng lên, tính tự chủ được cải thiện; tích lũy và nâng cao năng lực quản trị nhà nước, điều hành phát triển kinh tế – xã hội; uy tín, vị thế đất nước ngày càng được củng cố trên trường quốc tế”. Đây cũng là minh chứng xác đáng, phản bác lại âm mưu chống phá thâm độc, luận điệu xuyên tạc xấu xa của các thế lực thù địch, phản động, bất mãn, cơ hội chính trị!
Mộc An