Mục đích người Trung Quốc nhập cảnh đến Phú Yên thực sự là gì???
Những năm qua, công tác quản lý hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú của người nước ngoài trên địa bàn thành phố Tuy Hòa luôn được các ngành chức năng và các địa phương quan tâm, thực hiện tốt, góp phần tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực này ở địa phương. Song, trên thực tế, việc quản lý vẫn bộc lộ những bất cập, sơ hở; một số ngành, địa phương chưa thật sự quan tâm đúng mức nên dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động cư trú của người nước ngoài, nhất là đối với người Trung Quốc vẫn còn xảy ra.
Theo thống kê từ đầu năm 2017 đến nay, các cơ quan chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính 13 trường hợp người Trung Quốc đến thành phố Tuy Hòa về hành vi “Người nước ngoài nhập cảnh, hành nghề hoặc có hoạt động khác tại Việt Nam mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam” theo quy định tại Điểm b, Khoản 5, Điều 17, Nghị định 167/2013/NĐ-CP, ngày 12/11/2013. Qua công tác quản lý nhận thấy thời gian trước đây, hầu hết người Trung Quốc đến địa phương với mục đich du lịch nhưng thực tế khi đến địa phương tiến hành khảo sát mua bán nông, thủy, hải sản và thu mua gà đá. Họ nhập cảnh Việt Nam, đến Phú Yên “tự do đi lại” thông qua sự dẫn dắt của các mối quan hệ làm ăn tại địa phương.
Thời gian gần đây, để tránh sự phát hiện, xử lý của cơ quan chức năng; họ liên hệ và được một số công ty ở địa phương đứng ra bảo lãnh để nhập cảnh với mục đích vào làm việc với các doanh nghiệp này. Điều đáng chú ý, mặc dù có đăng ký lĩnh vực hoạt động khi làm thủ tục xin phép đăng ký doanh nghiệp, nhưng trên thực tế các doanh nghiệp chỉ tập trung vào việc bảo lãnh người Trung Quốc vào địa bàn, ngoài ra không có hoạt động nào khác như đã đăng ký. Không những vậy, các doanh nghiệp này không tuân thủ đúng quy định của pháp luật trong việc quản lý người nước ngoài khi họ đến hoạt động tại địa phương như: Không cử người của công ty đi theo hướng dẫn, để người Trung Quốc tự do đi lại hoạt động, tiềm ẩn vấn đề gây mất an ninh trên địa bàn.
Trong xu thế hội nhập quốc tế, việc quan hệ, làm ăn với người nước ngoài là việc hết sức bình thường và cần thiết để góp phần phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương, nhưng mỗi người chúng ta cũng phải hết sức cảnh giác trong quan hệ tiếp xúc với họ. Trong mối quan hệ ấy cần tính toán cân nhắc để dung hòa giữa lợi ích của cá nhân với lợi ích chung của xã hội, tránh vì lợi ích riêng của mình mà quên đi những lợi ích của đa số người dân đang mong muốn.
Trong thời gian tới, để khắc phục những vấn đề trên đây, đề nghị các cơ quan quản lý cần nâng cao trách nhiệm hơn nữa trong việc quản lý họat động của các doanh nghiệp có chức năng bảo lãnh người nước ngoài đến làm việc, tăng cường công tác kiểm tra xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong việc mời bảo lãnh người nước ngoài đến làm việc tại địa phương.
Đăng Võ