KIÊN QUYẾT ĐẤU TRANH VỚI LUẬN ĐIỆU SAI TRÁI VỀ CHỦ TRƯƠNG THÀNH LẬP BAN CHỈ ĐẠO PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC CẤP TỈNH
Ngay sau khi Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII kết thúc, các thế lực thù địch, phản động đã ra sức xuyên tạc, phủ nhận những kết quả quan trọng của Hội nghị, nhất là việc Ban Chấp hành Trung ương thống nhất chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Theo đó, chúng cho rằng: “Đấu tranh chống tham nhũng đã thất bại toàn tập, nên mới phải thành lập một Ban cấp tỉnh nữa”, “chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là không cần thiết, chỉ tốn tiền của dân, vẽ ra câu chuyện “ta đánh ta”,… từ đó kêu gọi muốn chống tham nhũng thì phải thay đổi chế độ, phải đa nguyên, đa đảng, phải “xã hội dân sự”.
Đây thực chất chỉ là những quy kết vô căn cứ, không có cơ sở nhằm tạo sự hoài nghi về các chủ trương, quyết sách của Đảng ta về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Như chúng ta đã biết, Hội nghị Trung ương 5 khóa XI (năm 2012), đã quyết định chuyển đổi mô hình Ban Chỉ đạo trực thuộc Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu sang mô hình Ban Chỉ đạo trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư đứng đầu. Mục đích của sự thay đổi mô hình này nhằm tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng, đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tăng cường tính độc lập tương đối của Ban Chỉ đạo với các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng. Từ khi mô hình này được thành lập cho đến nay, công tác phòng chống tham nhũng đã có bước tiến mạnh, đột phá, đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt, là dấu ấn nổi bật, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, đánh giá cao, cộng đồng quốc tế ghi nhận, góp phần quan trọng vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, giữ vững ổn định chính trị và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Qua đó khẳng định, việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực trực thuộc Bộ Chính trị, do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng Ban là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Tuy nhiên, mặc dù kết quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua đạt được là rất quan trọng, song công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nhiều ngành, địa phương chưa có sự chuyển biến rõ nét; tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được ngăn chặn có hiệu quả; vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Một số cấp ủy, tổ chức đảng quá trình lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại địa phương đã bộc lộ bất cập, nhất là trong chỉ đạo phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực, do đó nhiều tỉnh ủy, thành ủy đã đề xuất, kiến nghị thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Những tồn tại, hạn chế này do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau, trong đó có nguyên nhân từ tổ chức bộ máy các cơ quan chức năng phòng chống tham nhũng, tiêu cực chưa thống nhất, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương; cơ chế chỉ đạo phối hợp giữa các cơ quan chức năng phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương chưa được tập trung, thống nhất.
Do đó, trên tinh thần vừa kế thừa kinh nghiệm của Ban Chỉ đạo Trung ương, vừa xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại địa phương và nhất là để bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, thống nhất của Ban Chỉ đạo Trung ươngđối với việc thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chính là “cánh tay nối dài của Trung ương” để sâu sát hơn, kịp thời hơn trong việc giải quyết những vấn đề còn tồn đọng, bức xúc trong dân ở các địa phương; là thiết thực làm cho công tác đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực được chỉ đạo, tiến hành thống nhất, liền mạch, chặt chẽ theo hệ thống từ Trung ương đến địa phương, chứ không phải vì chống tham nhũng thất bại nên mới phải thành lập thêm một cơ quan này ở cấp địa phương như các thế lực thù địch xuyên tạc, vu khống.
Như vậy, có thể thấy rằng, những luận điệu suy diễn, xuyên tạc trên thực chất chỉ là nhằm mục đích bôi nhọ, hạ thấp danh dự, uy tín của Đảng, Nhà nước Việt Nam; phủ nhận quyết tâm, nỗ lực chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước ta. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: Đây là việc làm cần thiết, đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tế và chắc chắn sẽ góp phần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, tạo sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ hơn nữa trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta theo đúng tinh thần: “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”.
(BV)