Ngăn chặn “giặc nội xâm” từ sớm, từ xa

Nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước và đồng bào, chiến sĩ cả nước luôn coi việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một trận chiến quyết liệt, lâu dài và cam go, mang tính sống còn và sự tồn vong của chế độ.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã thể hiện rõ tinh thần này: “Bất cứ trường hợp nào mà vi phạm kỷ luật, chúng ta phải xử lý nghiêm, làm nghiêm từ trên xuống dưới để giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, để lấy lại và củng cố lòng tin và tình thương yêu, quý trọng của nhân dân”. Và “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”. Chính vì vậy, cuộc tiễu trừ “giặc nội xâm” đang được thực hiện từng bước chắc chắn, rất quyết liệt và không khoan nhượng; chủ động đấu tranh phòng ngừa từ sớm, từ xa.

Để công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được chủ động và tiếp tục đẩy mạnh, Ban Bí thư đã ban hành Quy định số 67-QĐ/TW ngày 2/6/2022 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đây chính là “cánh tay nối dài” của Trung ương trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Việc thành lập các Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không chỉ thể hiện sự bám sát thực tế, phát hiện và xử lý kịp thời những “mầm mống” tham nhũng, tiêu cực ngay ở cơ sở, mà còn là sự chủ động ngăn ngừa tham nhũng, tiêu cực từ sớm, từ xa; ngay từ khi mới manh nha, hay nói cách khác là còn ở cấp độ thấp, chưa đến mức phải xử lý theo pháp luật. Đồng thời, quy trách nhiệm, ràng buộc, đưa cấp ủy, cơ quan chức năng địa phương vốn còn phần lớn đứng ngoài cuộc, nay thực sự vào cuộc, đồng tâm hiệp lực với Trung ương.

Điều này thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải được thực hiện quyết liệt, rốt ráo từ dưới cơ sở; sẽ không có chuyện “chìm xuống”, không có tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” hoặc né tránh, đùn đẩy lên Trung ương – do có những mối quan hệ “ràng buộc” ở địa phương.

Thực tế cho thấy, địa phương, đơn vị nào xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh thì địa phương, đơn vị ấy sẽ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiệu quả, thực chất. Ngược lại, địa phương nào coi nhẹ công tác xây dựng Đảng, thậm chí người đứng đầu cấp ủy địa phương thiếu gương mẫu, vi phạm những điều đảng viên không được làm thì công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở đó không những không hiệu quả mà còn làm mất lòng tin của người dân. Có thể nói, việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là một bước tiến mới trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Thời gian qua, với sự vào cuộc quyết liệt của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã gặt hái được nhiều kết quả quan trọng.

Từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến nay, Đảng ta đã thi hành kỷ luật 56 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, trong đó có 10 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng. 9 tháng của năm 2022, cấp ủy các cấp và chi bộ đã thi hành kỷ luật 231 tổ chức Đảng và 8.926 đảng viên bằng các hình thức. Ủy ban Kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 72 tổ chức Đảng và 4.179 đảng viên, có 1.209 cấp ủy viên. Ủy ban Kiểm tra các cấp giải quyết tố cáo 32 tổ chức Đảng và 670 đảng viên; cấp ủy và Ủy ban Kiểm tra các cấp giải quyết khiếu nại kỷ luật Đảng của 83 đảng viên. Kiểm tra về thu, chi ngân sách, sản xuất kinh doanh đối với 2.038 tổ chức Đảng; kiểm tra 26.161 tổ chức Đảng về thu, nộp, quản lý và sử dụng đảng phí…

Chủ động đấu tranh phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ sớm, từ xa là chủ trương đúng đắn và rất nhân văn của Đảng ta. Chúng ta vừa sớm ngăn ngừa, xử lý những vụ việc còn trong trứng nước; vừa giữ được những cán bộ, đảng viên có biểu hiện tham nhũng, tiêu cực, để tạo điều kiện cho họ nhìn lại bản thân mình, có cơ hội sửa chữa, rèn luyện phấn đấu. Công tác này không những phải được thực hiện quyết liệt, mạnh mẽ từ cơ sở mà phải kiểm soát chặt chẽ mọi quyền lực bằng cơ chế, bằng chính sách và pháp luật; quyền lực phải được ràng buộc bằng trách nhiệm; quyền lực đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền lực càng cao trách nhiệm càng lớn; bất kể ai lạm dụng, lợi dụng quyền lực để trục lợi đều phải bị truy cứu trách nhiệm và xử lý vi phạm. Làm cho những ai muốn tham nhũng, tiêu cực cũng không được, hoặc không thể tham nhũng, tiêu cực.

Nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là phải “nhốt” quyền lực vào trong “lồng” cơ chế là với ý nghĩa như vậy. Cùng với đó, việc kiên trì giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về đức tính liêm khiết, chính trực; xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, tiêu cực cũng là vấn đề được đặt ra.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh nhiều lần, những người trong Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải là những người tiêu biểu nhất, trong sạch nhất, không thể để những người có “vết”. Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nếu ai trong các cơ quan bảo vệ pháp luật có sai phạm phải xử lý nặng và phải bị thay ngay. Chất lượng cán bộ là thước đo để hoàn thành nhiệm vụ. Không thể để những người bị kỷ luật đứng trong đội ngũ lãnh đạo, càng không thể để những người “nhúng chàm” đi kiểm tra người khác.

Muốn chủ động đấu tranh phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ sớm, từ xa, điều tiên quyết là chúng ta phải xây dựng, hoàn chỉnh cơ chế, chính sách; hai là, phải chăm lo xây dựng được đội ngũ cán bộ liêm chính, “dĩ công vi thượng”. Bên cạnh đó, cần đặt lợi ích của Đảng, Nhà nước, nhân dân lên trên hết. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền lan tỏa rộng rãi cho các tầng lớp nhân dân và các giai tầng trong xã hội về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Lê Quý/Biên Phòng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *