Luận bàn: Các tổ chức nhân quyền ở đâu khi người Mỹ da màu bị phân biệt chủng tộc?

Hơn 2/3 thế kỷ qua, Mỹ luôn là cường quốc số 1 thế giới trên nhiều lĩnh vực, nhất là kinh tế, quân sự, khoa học – kỹ thuật…; và hầu hết người Mỹ da trắng có nguồn gốc từ các nước châu Âu vẫn tự hào đất nước của họ là thiên đường của tự do, thiên đường của dân chủ và bảo đảm quyền con người. Đúng, nhưng chưa đủ, nhất là ở lĩnh vực nhân quyền thì chính quyền Mỹ, xã hội Mỹ vẫn chưa thực thi đầy đủ quyền con người cho người da màu ở quốc gia này, đó là tình trạng kỳ thị và phân biệt chủng tộc, sắc tộc vẫn còn tồn tại phổ biến, mà nói cụ thể ra, đó là căn bệnh bạo lực của cảnh sát nhằm vào người da màu ở Mỹ, là sự phân hoá xã hội ngày càng trầm trọng và sâu sắc theo thời gian.

Đây có thể xem là căn bệnh trầm kha, căn bệnh kinh niên của nước Mỹ, kể từ ngày lập quốc cho đến nay vẫn chưa có thuốc đặc trị. Chỉ tính riêng hai thập niên đầu của thế kỷ XXI, nước Mỹ đã xảy ra hàng chục vụ sát hại, phân biệt chủng tộc gây rúng động thế giới. Gần đây nhất, vào ngày 25/5/2020, người đàn ông da đen George Floyd, 46 tuổi, ở Minneapolis, tiểu bang Minnesota đã chết sau khi bị sỹ quan cảnh sát da trắng Derek Chauvin còng tay, dùng đầu gối đè lên cổ để ghì anh xuống đất trong quá trình bắt giữ. Trong video ghi lại tình cảnh đó, Floyd liên tục nói: “Tôi không thể thở được”. Sau cái chết của George Floyd, đông đảo người dân nước này, nhất là người da màu đã hết sức phẫn nộ tràn ra đường phản đối, yêu cầu chấm dứt nạn phân biệt chủng tộc. Làn sóng biểu tình biến thành bạo loạn, cướp bóc và đốt phá, gây nhiều thiệt hại về kinh tế – xã hội cho “xứ cờ hoa”.

“I can’t breathe” – “Tôi không thể thở được” – Câu nói của George Floyd trước khi tắt thở đã gây ám ảnh cho tất cả những người có lương tri không chỉ ở Mỹ mà còn ở khắp nơi trên thế giới; những hành động đối phó, ứng xử với các đoàn người biểu tình bằng bạo lực của các lực lượng chức năng Mỹ. Những con cảnh khuyển dữ tợn nhất cùng nhiều vũ khí đáng sợ nhất của nước Mỹ đã tung ra để trấn áp người biểu tình. Pháp luật Mỹ cho phép cảnh sát bắn vào bất cứ kẻ nào chống đối… Vậy mà các tổ chức nhân quyền ở Mỹ tuyệt nhiên không hề lên tiếng chỉ trích những hành động bạo lực đang diễn ra ở đất nước họ. Hàng loạt tổ chức như “Người Bảo vệ Nhân quyền” Defend the Defender (DTD), Ân xá quốc tế (AI), Phóng viên không biên giới (RSF), Cơ quan Truyền thông Toàn cầu của Mỹ (USAGM), thậm chí là tổ chức Nhân quyền thế giới – Human Rights Foundation (HRW) có trụ sở ở New York thường xuyên lên tiếng xuyên tạc các vấn đề diễn ra ở Việt Nam, nay cũng im thin thít.

Qua đây, có thể thấy các tổ chức nhân quyền mặc dù mang danh phi chính phủ nhưng đã bị Mỹ với nguồn tài chính hùng hậu của mình thao túng, điều khiển. Nếu các tổ chức kể trên dám lên tiếng phê phán chỉ trích chính quyền, lực lượng chức năng Mỹ để bảo vệ quyền con người cho những công dân da màu thì những đồng USD xanh sẽ không bao giờ được “mẹ Mỹ” rót vào tài khoản của mình nữa; và một sự thật phũ phàng được kết luận là người da màu trên đất Mỹ sẽ phải tiếp tục chịu vấn nạn phân biệt chủng tộc, nhưng lại không được bất kỳ tổ chức nào về nhân quyền ở xứ sở tự do lên tiếng bảo vệ.

Như vậy, qua vụ người đàn ông da đen George Floyd bị giết chết, càng thấy rõ: Mỹ – một đất nước luôn được các đối tượng chống đối Nhà nước Việt Nam coi là thiên đường của dân chủ, nhân quyền, là hình mẫu để Nhà nước Việt Nam phải noi theo trong việc bảo đảm về nhân quyền; đất nước luôn đi phán xét các nước khác trong cái báo cáo về nhân quyền hằng năm lại mang trong mình cái u nhọt về nạn phân biệt chủng tộc, sự bất bình đẳng trong đối xử giữa người với người. Nước Mỹ và các đối tượng cuồng dân chủ Mỹ phải nhìn nhận lại chính bản thân mình trước khi phán xét những đất nước khác. Thế mới biết, những năm qua, Nhà nước Việt Nam đã ban hành và thực thi tốt các chính sách liên quan đến nhân quyền tốt như thế nào và những sự vu cáo của Mỹ hay các đối tượng thù địch khác về vấn đề này chỉ là sự xuyên tạc vô căn cứ, vì động cơ chính trị xấu mà thôi.

(NQ)

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.