Ôi, những ‘thần đồng’ lạc lối!
Họ là những người trẻ tuổi, rất “sành sỏi” về công nghệ thông tin. Ấy vậy nhưng họ không cưỡng được sự cám dỗ của đồng tiền, và đã lún sâu vào con đường sai trái.
Những tội lỗi của họ sớm hay muộn rồi sẽ phải bị trả giá!
1. Tháng 7-2019, Công an TP Hà Nội phát giác một cặp đôi chuyên lừa bán vé máy bay giá rẻ cho những lao động Việt Nam ở nước ngoài. Đó là Phạm Văn Hòa (SN 1996 trú tại Thịnh Long, Hải Hậu, Nam Định) và Ngô Thị Hoàng Điệp (còn gọi là Linh – SN 1983, trú tại An Lão, Bình Lục, Hà Nam).
Nếu như Điệp là đối tượng tội phạm chuyên nghiệp với 2 tiền án, một tiền sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thì đây cũng là lần thứ hai Hòa phải tra tay vào còng số 8.
Tiếp xúc với Hòa tại cơ quan công an, chúng tôi thực sự cảm thấy tiếc nuối cho một “tài năng trẻ” sớm phải sa vào vòng lao lý. Trong suốt cuộc nói chuyện, Hòa liên tục nói lời xin lỗi, ân hận về những lỗi lầm mà cậu ta đã gây ra. Hòa cũng bộc bạch, anh ta đã có người yêu kém 1 tuổi. Cô gái quê gốc ở Thái Bình, hiện đang là giáo viên tại Hà Nội. Hai đứa cũng đã hẹn ước cuối năm sẽ làm đám cưới…
Nhưng dự định đó đã tan thành mây khói, khi mà Hòa đang lỗi chồng lỗi, tội chồng thêm tội. Khi lên chiếc xe chuyên dụng của lực lượng Cảnh sát để vào Trại tạm giam số 1 Hà Nội, Hòa còn hỏi những câu rất ngây thơ như: “Ở trong ấy có giường tầng không anh? Em có được nằm phản không anh?”.
Trở lại câu chuyện phạm tội của Hòa…
22 tuổi đầu, nếu như bạn bè cùng lứa đều chỉ vừa mới ra trường, đang chật vật xin việc hoặc vẫn còn phải ngửa tay xin tiền của bố mẹ thì Phạm Văn Hòa lại có cuộc sống có thể nói là sung túc, nhàn hạ. Đồng nghiệp vinh danh cậu là “thần đồng sale” cũng đúng, bởi trong vòng chưa đầy 3 năm Hòa đã kịp tích trữ cho mình số dư trong tài khoản lên tới hơn 2 tỷ đồng. Tất cả chỉ từ nghề bán vé máy bay online.
Làm bạn với máy tính từ sớm, sau khi tốt nghiệp THPT, Hòa thi vào Trường đại học FPT, học hệ Cao đẳng. Ngay từ năm thứ nhất, Hòa đã xin làm cộng tác viên bán vé máy bay cho một Công ty dịch vụ hàng không tại Hà Đông (Hà Nội). Tại đây, những kiến thức về công nghệ thông tin cũng như tài năng thiên bẩm về “sale” đã được phát huy tối đa từ cậu con trai miền biển này.
Nếu ai đã từng tham gia kinh doanh buôn bán, chắc hẳn đều hiểu được những khó khăn của việc tìm kiếm khách hàng, và làm sao thuyết phục được khách mua sản phẩm của mình. Song với Hòa, cậu lại hòa nhập rất nhanh đã và đạt được những thành công đáng nể.
Với những công cụ mạnh, và chiêu maketting thuộc dạng “thần sầu”, Hòa nhanh chóng trở thành nhân viên có lượng vé tiêu thụ nhiều nhất. Trung bình mỗi tháng, Hòa bán được từ 30-50 vé (nội địa cũng như quốc tế). Ngoài hoa hồng từ tiền bán vé, Hòa còn được thưởng 1 vé cho mỗi 15 vé bán ra. Hòa tiếp tục “thanh lý” vé thưởng này cho khách, kiếm về vài trăm đô la.
Công việc bán vé online “phất” đến nỗi, đang học năm thứ hai thì Hòa bỏ ngang để tập trung vào kinh doanh.
Năm 2018, Hòa tính sẽ nhảy ra thành lập công ty riêng. Để chuẩn bị vốn cho công ty, Hòa đã khá liều lĩnh khi “ôm” trọn hàng chục “tour” du lịch quốc tế của các hãng hàng không. Nếu bán hết, Hòa sẽ thu về nhiều tỷ đồng lợi nhuận.
Nhưng người tính không bằng trời tính – thời điểm Hòa mua trúng vào mùa thấp điểm du lịch, nên bán không kịp. Phi vụ này Hòa đã lỗ đến 3 tỷ đồng. Cũng có nghĩa số tiền tích cóp mấy năm đã tan thành mây khói. Hòa còn nợ đến hơn 600 triệu đồng nữa.
Sai lầm đã khiến cho Hòa “bết” một thời gian dài. Rồi Hòa cố gượng dậy để làm lại từ đầu. Song tiếc thay anh ta đã tiếp tục phạm phải sai lầm nghiêm trọng khác, khi mà muốn kiếm tiền nhanh để trả nợ.
Cuối năm 2018 Hòa rêu rao có thể làm thẻ tín dụng mà không cần chứng minh thu nhập, và lừa được 3 người. Sau khi ôm được mấy chục triệu, Hòa xóa tài khoản facebook và tắt máy điện thoại. Tuy nhiên sau đó các bị hại vẫn tìm ra, và đưa Hòa lên cơ quan công an để tố cáo.
Do số tiền chiếm đoạt không lớn, và Hòa đã khắc phục được hậu quả (trả lại tiền cho các bị hại) nên tạm thời Hòa được cơ quan điều tra cho tại ngoại. Tuy nhiên, chắc chắn Hòa vẫn phải bị truy tố ra pháp luật cho hành vi trên. Và trong thời gian được tại ngoại, Hòa tiếp tục phạm phải một sai lầm nghiêm trọng khác.
Mấy năm trước, Hòa quen với “chị Linh” – cũng từng tham gia cung cấp vé máy bay. Linh vốn là kẻ vô nghề nghiệp, chuyên sống bằng lừa đảo nên đã “chập” với Hòa để tổ chức lừa bán vé máy bay. Hai đứa phân công công việc rất cụ thể. Hòa sẽ mua một tài khoản ngân hàng trôi nổi, lập một user facebook mang tên chủ tài khoản đó.
Từ đó cả hai sẽ đi “spam” trên các hội nhóm người lao động Việt Nam ở nước ngoài thông tin bán vé máy bay giá rẻ. Khi có người liên hệ, Linh sẽ trực tiếp trao đổi thống nhất phương án giao dịch. Hòa nhận thông tin của các lao động, vào trang web của hãng hàng không để đặt mua.
Sau đó sửa thông tin từ “chờ thanh toán” thành “đã đặt vé” để chuyển lại cho các bị hại. Khi thấy hình ảnh đó, các bị hại ngỡ rằng đã có vé nên chuyển tiền vào tài khoản mà Linh cung cấp. Cặp đôi này sẽ rút ra chia nhau sử dụng.
Cơ quan điều tra đã làm rõ có hơn 20 người là bị hại của Hòa – Linh, tổng số tiền bị chiếm đoạt là gần 100 triệu đồng. Cặp đôi này đã bị khởi tố điều tra về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Chắc chắn với lần tái phạm này, Hòa sẽ phải nhận mức án nghiêm khắc từ cơ quan Công tố. “Ngày về” của “thần đồng sale” này sẽ còn rất xa.
2. Nếu như Hòa bị vấp ngã trong kinh doanh, rồi phải làm điều sai trái để mong kiếm tiền gỡ gạc thì Vương Huy Long (SN 1987 trú tại Củ Chi, TP HCM) – từng nổi danh thần đồng – lại tự biến mình thành hacker chuyên nghiệp.
Lợi dụng những lỗ hổng trên mạng Internet, Long và đồng bọn đã thực hiện trót lọt hàng trăm vụ mua bán bằng “tiền bẩn” rồi “rửa” thành tiền sạch gửi về Việt Nam. Long từng sống vung vinh trong một thời gian dài từ nguồn tiền đó. Long trang bị cho căn nhà những thiết bị cực kỳ hiện đại, có phòng chiếu phim, phòng chơi games riêng…
Theo một cán bộ thuộc Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (nay là Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – Bộ Công an) ít năm về trước, Cơ quan công an nhận được lời đề nghị phối hợp từ Bộ An ninh Hoa Kỳ điều tra một nhóm đối tượng chuyên “hack” tài khoản thẻ tín dụng (còn gọi là “CC chùa”).
Nhóm này đã làm mưa làm gió trong nhiều năm, khiến gần 2.000 chủ tài khoản bị thiệt hại nặng nề. Đây cũng là một trong 6 chuyên án lớn, từng gây chấn động nước Mỹ.
Cũng theo cơ quan An ninh nước bạn, ban đầu họ đánh giá đường dây này nhiều khả năng do các hacker thuộc những cường quốc về CNTT như Ấn Độ, Trung Quốc, Nga… cầm đầu. Tuy nhiên, quá trình điều tra cho thấy “ông trùm” lại đang “ngồi” tại TP HCM.
Nhận được yêu cầu từ nước bạn, lực lượng cảnh sát mạng đã khẩn trương vào cuộc, và khui ra được gần 20 đối tượng trong đường dây, cầm đầu là Vương Huy Long. Long vốn là một giáo viên dạy môn Tin học tại TP HCM. Và, từ bé Long đã nổi tiếng là thần đồng học giỏi.
Trong phiên tòa xét xử Vương Huy Long và đồng bọn, tôi được tiếp xúc với bà Nguyễn Thị Vẹn, mẹ đẻ của Long. Bà Vẹn kể rằng ba tuổi Long đã biết đọc biết viết, 6 tuổi thì nói vanh vách ngoại ngữ. Từ bé cho đến học đại học Long là niềm tự hào của cha mẹ, với rất nhiều giấy khen, bằng khen các loại. Long cũng từng đoạt giải 3 Olympic quốc gia tiếng Anh khi đang học lớp 11.
Tốt nghiệp khoa Ngoại ngữ, Trường ĐH Nông Lâm TP HCM Long được nhận về làm giáo viên. Trong những ngày lang thang trên mạng Internet để tìm tài liệu giảng dạy, Long biết đến một trang dành cho những hacker. Sự bốc đồng của tuổi trẻ đã khiến Long thử trộm vài trăm USD, mua đồ “xem nó thế nào”. Chẳng ngờ việc này quá dễ, chỉ cần vài thao tác trên mạng là xong. Vậy là Long nghỉ việc tại trường, chuyên tâm “cày CC”.
Thời gian đầu sau khi hack và rút được nhiều tiền từ các CC chùa, Long đã sử dụng để mua hàng tại các website bán hàng trực tuyến nổi tiếng của Mỹ như Dell.com; Newegg.com; Amazon.com; Verizon.com…
Chỉ sau một thời gian ngắn số thẻ trộm cắp ngày càng nhiều, làm không xuể, Long thuê một số người Việt Nam cùng làm. Để che giấu hành vi phạm pháp của mình trong quá trình truy cập để mua hàng trên Internet, Long và đồng bọn đã sử dụng thủ thuật “sock IP” (che giấu địa chỉ IP thực khi mua hàng).
Nhóm đối tượng đã tạo ra những người mua hàng là công dân của các bang trên nước Mỹ, hoặc một số nước khác (thực chất là tên giả, địa chỉ giả). Long còn phối hợp với một đối tượng người Nigeria thành lập công ty “ma” tại Mỹ, chuyên kinh doanh trên mạng, có tên gọi “bp.jobinc.com”, sau đó thì đổi thành “savinglogistics.com”.
Công ty của Long đã tuyển dụng hàng chục nhân viên là những người thất nghiệp, đang cần việc làm tại nước Mỹ. Những người này gọi là Dropper, có nhiệm vụ đưa địa chỉ cư trú cho Long, để chúng đưa hàng mua được bằng các CC chùa về.
Tiếp đó, các Dropper có nhiệm vụ vận chuyển về Việt Nam cho Long qua các công ty vận chuyển hàng hóa lớn như DHL, Fedex, UPS… và sẽ được trả 10% giá trị hàng hóa. Phương thức Long thanh toán tiền công cho các Dropper là thông qua các giao dịch tiền điện tử LR (Liberty Reserve).
Phát hiện ra liên quan đến các hoạt động “rửa tiền” từ website trên, cơ quan chức năng Mỹ đánh sập nó. Và cho đến khi cơ quan điều tra tổ chức lấy lời khai của các Dropper này, họ vẫn nghĩ mình đang làm việc cho một công ty hợp pháp, mà không hề biết rằng đã tiếp tay cho hành vi phạm tội của bọn Vương Huy Long.
Khi hàng được ship về Việt Nam, Long cũng không trực tiếp đứng ra nhận hàng mà thuê Công ty TNHH Giải pháp xuất nhập khẩu trực tuyến, có trụ sở tại đường Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân, Hà Nội) do Nguyễn Nam Hải làm Giám đốc – đứng ra nhận. Sau đó, Hải sẽ tiêu thụ một phần, còn lại chuyển vào TP HCM cho Long.
Với tất cả các đối tác, Long không bao giờ để lộ thân phận của mình. Trong các hợp đồng vận chuyển ký với công ty của Hải, Long đều lấy tên Phạm Thanh Xuân và có cả CMND mang tên người này nhưng dán ảnh của anh ta. Long khai, chứng minh thư này anh ta mua ở một tiệm cầm đồ, sau đó thuê dán ảnh của mình vào.
Với những chiêu trò tinh vi, Vương Huy Long và đồng bọn đã thực hiện hành vi phạm tội trong một thời gian dài, chiếm đoạt được số tiền lên tới nhiều tỷ đồng. Với hành vi này, Long đã phải trả giá bằng bản án 12 năm tù giam.
ĐTDC/CAND