Phải “bắt đúng bệnh, điều trị đúng thuốc”
Suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên hiện nay đã và đang là vấn đề để các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, chống phá. Chúng đưa ra những luận điệu bịp bợm, bóp méo sự thật, “quy chụp” vô căn cứ và cho rằng, tình trạng suy thoái này ở nước ta là phổ biến, là “căn bệnh nan y không thể chữa trị”. Để đấu tranh ngăn chặn, triệt tiêu căn bệnh này, phải “bắt đúng bệnh, trị đúng thuốc”, góp phần xây dựng chỉnh đốn Đảng trong điều kiện hiện nay.
Bài 1: “Căn bệnh nan y”, mối nguy khó lường
Suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên hiện nay được hiểu theo rất nhiều khía cạnh khác nhau, trong đó, cách hiểu chung nhất đó là sự phai nhạt mục tiêu, lý tưởng cách mạng, dẫn đến xa rời nền tảng tư tưởng của Đảng, dao động, mất phương hướng chính trị; xa dần với các chuẩn mực, giá trị đạo đức cách mạng, sống thực dụng, ích kỷ, cục bộ, tham nhũng, lãng phí… Để đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả “căn bệnh” này, cần phải nhận diện đúng những biểu hiện và tác hại của nó.
Nhận diện và bắt đúng bệnh
Suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống thường dẫn đến những hành động sai trái, làm không đúng với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và những hành vi đạo đức không đúng với tiêu chuẩn đạo đức cách mạng, lối sống của người cán bộ, đảng viên. Khi họ không còn yêu lý tưởng XHCN, yêu Đảng, yêu chế độ, tất yếu dẫn đến “tự diễn biến”; từng bước “tự chuyển hóa” tư tưởng và hành động, phản bội lại Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Nhận diện “vấn nạn” suy thoái này, Đảng ta đã thẳng thắn chỉ ra một cách có hệ thống các biểu hiện, trong đó, nguy hiểm nhất là sự phai nhạt lý tưởng cách mạng, không kiên định con đường XHCN, mơ hồ, dao động, thiếu niềm tin, nói, làm trái quan điểm của Đảng; thậm chí sa sút ý chí chiến đấu, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, phụ họa theo những quan điểm sai trái, lệch lạc; không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn bổn phận, chức trách được giao, không thực hiện đúng các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng. Sự suy thoái về đạo đức, lối sống còn thể hiện ở chỗ sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, hám danh, tham nhũng, tham quyền lực, bè phái cục bộ, mất đoàn kết, tư duy nhiệm kỳ, lợi ích nhóm, quan liêu, xa dân, vô cảm trước khó khăn bức xúc của nhân dân.
Nguyên nhân của tình trạng suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống của một số cán bộ, đảng viên được hình thành do nhiều yếu tố. Trong đó, nguyên nhân sâu xa và tiên quyết nhất thuộc về bản thân những cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống; lập trường tư tưởng chính trị không vững vàng, hoang mang, dao động trước những tác động từ bên ngoài; sa vào chủ nghĩa cá nhân, bị cám dỗ bởi các lợi ích vật chất. Bên cạnh đó, những tác động mặt trái của cơ chế thị trường; các sai phạm của một số cán bộ cấp cao của Đảng và các vụ án tham nhũng xảy ra trong thời gian qua; sự kích động, chống phá của các thế lực thù địch đã làm giảm sút niềm tin của cán bộ, đảng viên vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Nhà nước, dẫn đến sự thờ ơ, vô cảm từng bước suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Có thể khẳng định, sự xuống cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị của một số cán bộ, đảng viên hiện nay là vấn đề đáng “báo động” và có xu hướng gia tăng, không dễ ngăn chặn, đẩy lùi trong “một sớm, một chiều”. Nó giống như một “căn bệnh nan y” có nguy cơ lan rộng trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và trở thành mối nguy hại tiềm tàng gây ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, gây chia rẽ mối đoàn kết gắn bó giữa Đảng với nhân dân.
Mối nguy hại khó lường
Những hệ lụy của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên rất khó lường, khó nhận diện. Nó không chỉ ảnh hướng đến cán bộ, đảng viên mà còn tác động đến vai trò và sự lãnh đạo của Đảng. Chính sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên dẫn đến sự hoài nghi, mất đoàn kết trong nội bộ, giảm sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên và trở thành “nhân tố” tác động mạnh mẽ đến niềm tin của nhân dân đối với cán bộ, đảng viên.
Nguy hại hơn tình trạng suy thoái đó sẽ làm mất dần niềm tin của nhân dân vào vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước đối với xã hội. Từ sự suy thoái đó, nhân dân sẽ không tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, không đồng sức, đồng lòng, quyết tâm phấn đấu để thực hiện thắng lợi mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Điều đó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc phát huy sức mạnh của “thế trận lòng dân”, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Có một thực tế, đó là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” diễn ra trong đội ngũ cán bộ, đảng viên thì hậu quả sẽ khôn lường. Lợi dụng sự suy thoái này, các thế lực thù địch sẽ xuyên tạc, chống phá, mua chuộc, móc nối, lôi kéo vào những cán bộ, đảng viên suy thoái để chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng, phục vụ cho âm mưu “diễn biến hòa bình”, “bạo loạn lật đổ”.
Suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên sẽ làm cho cán bộ, đảng viên từng bước suy giảm về bản chất cách mạng, xa rời mục tiêu, lý tưởng của Đảng, xa rời chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, “phai Đoàn, nhạt Đảng”, sa sút về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, sa vào chủ nghĩa cá nhân, mất năng lực, phương pháp, tác phong công tác, không còn khả năng tổ chức, tập hợp quần chúng, không còn giữ được vai trò là “gốc của mọi công việc”, cuối cùng sẽ dẫn đến sự biến chất, sự chuyển hóa của cán bộ, đảng viên.
Đạo đức, lối sống của người cán bộ, đảng viên là “thước đo” chuẩn mực quy định bản chất, nhân cách của đội ngũ này. Theo đó, nếu cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống không hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; không gương mẫu thực hiện “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”; sa vào chủ nghĩa cá nhân; sống cơ hội, bè phái; vụ lợi, hám danh; bàng quan, thờ ơ, vô cảm trước các vấn đề xã hội, trước cuộc sống của nhân dân; sống ích kỷ, hẹp hòi, thiếu gương mẫu sẽ trở thành những con người vô ích và là “gánh nặng” cản trở công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Thật “tai họa” nếu cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, cán bộ chủ trì suy thoái về đạo đức, lối sống, vi phạm pháp luật, dung túng, bao che cho “cánh hẩu” và người thân trong gia đình vi phạm pháp luật; không đặt lợi ích của Tổ quốc lên trên hết, trước hết, mà là lấy lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm làm chuẩn mực. Thực tiễn đã chỉ ra rằng, nếu người cán bộ, đảng viên không xác định đạo đức là “gốc” của người cách mạng, thiếu tu dưỡng rèn luyện xây dựng cho mình lối sống trong sáng, lành mạnh thì người cán bộ, đảng viên đó chỉ là “hữu danh vô thực”, không phải là tấm gương sáng cho người khác noi theo.
Suy thoái về tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên hiện nay được coi là “mảnh đất màu mỡ” để các thế lực thù địch khai thác, xuyên tạc, quy chụp, bóp méo sự thật, đánh đồng bản chất với hiện tượng. Chúng cho rằng, suy thoái, thoái hóa, biến chất là phổ biến, là “căn bệnh nan y” không thể chữa trị. Đây là vấn đề mà các thế lực thù địch, phản động rất quan tâm và lợi dụng để tung ra những “ngón đòn hiểm” để chống phá Đảng, Nhà nước. Những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, tự chuyển hóa” là những “con mồi” để chúng tìm cách câu móc, mua chuộc, lôi kéo làm “công cụ” để thực hiện hóa âm mưu chiến lược “diễn biến hòa bình”, “bạo loạn lật đổ”.
Mối nguy hại của sự suy thoái đó được cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khái quát trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 4 khóa XII : “Từ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc kết cấu với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc”. Quá trình này sẽ diễn ra nhanh hơn, nguy hiểm hơn khi nhiễm phải những luận điệu sai trái, những biện pháp dụ dỗ, mua chuộc, kích động của các thế lực thù địch, các đối tượng cơ hội chính trị, các phần tử bất mãn.
“Tư tưởng chính trị”, “đạo đức”, “lối sống” được xác định là một thể thống nhất, có mối quan hệ chặt chẽ, không thể tách rời. Điều gì sẽ xảy ra nếu cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; phai nhạt lý tưởng cách mạng; dao động trước mọi biến cố của đất nước và xã hội, muốn đất nước đi theo con đường khác; không đề cao tự phê bình và phê bình, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không phê phán? Rõ ràng, điều này sẽ làm cho vận tốc “lao dốc” của tình trạng suy thoái ngày càng tăng thêm và trở thành trở ngại cho công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng mà thôi.
Việc chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên hiện nay là vấn đề hệ trọng, muốn vậy phải nhận diện đúng, đầy đủ những biểu hiện, mối nguy hại của tình trạng này. Phải kết hợp chặt chẽ với đấu tranh ngăn chặn “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; trong đó, đấu tranh ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống phải được đặt lên hàng đầu. Vì xét đến cùng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống là điểm khởi đầu của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên.
Bài 2: Vai trò nêu gương của người đứng đầu là “vắc xin” miễn dịch
Cao Văn Cầm/Biên Phòng