Phải “bắt đúng bệnh, điều trị đúng thuốc” (bài 3)
Để đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên hiện nay, cần phải triển khai đồng bộ, toàn diện nhiều giải pháp, trong đó, việc kết hợp giữa xây dựng Đảng về đạo đức, chống chủ nghĩa cá nhân, đề cao tự phê bình và phê bình được xác định là “liều thuốc hữu hiệu”.
Bài 3: Kết hợp giữa “xây” và “chống”, đề cao tự phê bình và phê bình
Tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống được xác định là một cặp “phạm trù” có mối quan hệ chặt chẽ, thống nhất với nhau tạo thành một chỉnh thể tồn tại trong mỗi con người, trong đó, đội ngũ cán bộ, đảng viên không phải ngoại lệ. Tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống được xác định là “nền tảng”, “động lực tinh thần” trong quá trình phát triển chung của xã hội.
Bàn về vấn đề này, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, đạo đức cách mạng là cái gốc, là nền tảng của người cách mạng. Bắt nguồn từ chức năng điều chỉnh suy nghĩ và hành vi của con người, đạo đức cách mạng tạo ra động cơ hành động đúng đắn, tạo ra ý chí quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ của con người. Người nhấn mạnh: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”.
Quán triệt và vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào công tác xây dựng Đảng hiện nay, Đảng ta luôn xác định việc giáo dục và rèn luyện đạo đức cách mạng là “cái gốc” của công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Theo đó, Đảng ta thường xuyên chăm lo công tác xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, coi xây dựng Đảng về đạo đức là “nền tảng”, là “cái gốc” làm cho Đảng trong sạch vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền trong tình hình mới. Từng bước phát huy tinh thần tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên. Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác giáo dục đạo đức cách mạng, thực hiện có hiệu quả và đi vào chiều sâu việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đảng ta luôn kiên định, vận dụng sáng tạo, phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện mới gắn với xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh một cách toàn diện. Chú trọng nâng cao hiệu quả xây dựng Đảng về đạo đức; chủ động nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, bổ sung, hoàn thiện các giá trị đạo đức cách mạng theo quan điểm “Đảng ta là đạo đức, là văn minh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Để góp phần xây dựng Đảng về đạo đức, một nội dung không thể thiếu đó là tăng cường công tác giáo dục đạo đức cách mạng, tích cực nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các giá trị đạo đức cách mạng cho phù hợp với điều kiện mới và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên thấy rõ bổn phận và trách nhiệm của mình, luôn vững vàng trước khó khăn, thử thức và không bị cám dỗ bởi vật chất, tiền tài, danh vọng. Xây dựng các chuẩn mực đạo đức trở thành “thước đo” để mỗi cán bộ, đảng viên “tự soi, tự sửa” và tự điều chỉnh các hành vi ứng xử trong công việc hằng ngày. Có thể thấy, giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng là “liều thuốc hữu hiệu”, góp phần hình thành và phát triển nhân cách, trình độ, năng lực, phẩm chất cần thiết cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tạo sức “đề kháng” và khả năng “miễn dịch” cho cán bộ, đảng viên không rơi vào tình trạng suy thoái, thoái hóa, biến chất, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Quá trình xây dựng Đảng về đạo đức phải quán triệt và thực hiện tốt phương châm “xây đi đôi với chống”, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực. Tăng cường đấu tranh loại bỏ các quan điểm sai trái, các hành vi phản đạo đức, phi đạo đức. Phát huy tính tiền phong, gương mẫu của người cán bộ, đảng viên trong quá trình tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, nhân cách, xây dựng lối sống trong sáng, lành mạnh, giản dị, khiêm tốn, văn minh, nâng cao “sức đề kháng” trước những cám dỗ bởi tiền bạc, vật chất, danh vọng, không sa vào chủ nghĩa cá nhân, lối sống ích kỷ, thực dụng, bàng quan, vô cảm… Kịp thời cổ vũ, động viên và tôn vinh các điển hình tiên tiến, gương sáng về rèn luyện đạo đức cách mạng, tạo sức lan tỏa trong Đảng và ngoài xã hội.
Để phòng, chống suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên hiện nay góp phần xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch vững mạnh, công cuộc đấu tranh phòng, chống chủ nghĩa cá nhân được xác định là “nhân tố” có vị trí đặc biệt quan trọng. Bởi lẽ, chủ nghĩa cá nhân được xác định vừa là một trong những biểu hiện, vừa là nguyên nhân dẫn đến sự suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên hiện nay.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: Chủ nghĩa cá nhân là việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích riêng của mình, không quan tâm đến lợi ích chung của tập thể và xã hội. Nó là một thứ vi trùng rất độc hại, đẻ ra hàng trăm thứ bệnh nguy hiểm. Người chỉ rõ: “Cũng do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và của Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân”. Đây là “kẻ thù” ở bên trong mỗi cá nhân, tổ chức nên rất khó nhìn thấy, khó đấu tranh và rất nguy hiểm, không những ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả hoàn thành nhiệm vụ của cá nhân, tổ chức, mà còn làm giảm niềm tin của nhân dân vào Đảng và đội ngũ cán bộ, đe dọa sự tồn vong của chế độ xã hội chủ nghĩa.
Việc nâng cao ý chí đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân cho đội ngũ cán bộ, đảng viên là một trong những giải pháp mang tính tiên quyết đến công tác phòng, chống, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Theo đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên rèn luyện đạo đức cách mạng, phòng và chống chủ nghĩa cá nhân; thường xuyên “tự soi, tự sửa”, đề cao tinh thần tự phê bình và phê bình; chấp hành nghiêm kỷ luật Đảng; tăng cường xây dựng và củng cố mối quan hệ gắn bó “máu thịt” giữa Đảng với nhân dân.
Bên cạnh đẩy mạnh việc “xây và chống”, nội dung cốt lõi, quan trọng không thể thiếu, đó là đẩy mạnh tự phê bình và phê bình trong Đảng, phát huy tinh thần “tự soi”, “tự sửa” của mỗi cán bộ, đảng viên. Bởi lẽ, tự phê bình và phê bình là nguyên tắc lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thông qua tự phê bình và phê bình sẽ nâng cao sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên.
Cùng với đó, kết hợp chặt chẽ giữa tự phê bình và phê bình, “tự soi”, “tự sửa” của cán bộ, đảng viên với kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện chủ nghĩa cá nhân. Đẩy mạnh tự phê bình và phê bình với tinh thần “người cộng sản phải dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật”, không che giấu khuyết điểm; mỗi người cán bộ, đảng viên phải giữ gìn và nêu cao danh hiệu cao quý người đảng viên cộng sản, không ngừng nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng.
Xây dựng Đảng về đạo đức, chống chủ nghĩa cá nhân, đề cao tự phê bình và phê bình trong giai đoạn hiện nay trở thành cơ sở lý luận và thực tiễn, là “liều thuốc hữu hiệu” để phòng, chống, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức, sối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, làm cho Đảng thực sự trong sạch vững mạnh. Qua đó, góp phần đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lợi dụng tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay để xuyên tạc, chống phá công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng trong giai đoạn cách mạng mới.
Cao Văn Cầm/Biên Phòng