Phản bác các quan điểm sai trái về nguyên tắc tập trung dân chủ
Tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức cơ bản để phân biệt chính đảng cách mạng của giai cấp công nhân với các đảng chính trị khác. Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam xác định: “lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản”. Tuy nhiên, lợi dụng những hạn chế trong thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị,… tìm cách đả phá, kêu gọi Đảng ta từ bỏ nguyên tắc này, cổ súy tư tưởng đa nguyên, đa đảng.
Từ khi mô hình xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, phong trào cộng sản rơi vào thời kỳ khủng hoảng, suy thoái, đã xuất hiện nhiều ý kiến nghi ngờ, đòi xét lại về nguồn gốc, bản chất, nội dung của nguyên tắc tập trung dân chủ. Thậm chí họ còn quy kết rằng, nguyên tắc này là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự thất bại của Đảng Cộng sản Liên Xô và các đảng cộng sản cầm quyền khác. Lợi dụng vấn đề đó, cùng những hạn chế, thiếu sót trong thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị,… đã công khai đưa ra những quan điểm sai trái và kêu gọi Đảng ta từ bỏ nguyên tắc này. Vì vậy, nhận diện và đấu tranh, phản bác những quan điểm sai trái đó để bảo vệ nền tảng tư tưởng, nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng vừa là yêu cầu khách quan, vừa là trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên; trong đó, tập trung vào các nhóm vấn đề sau:
Một là, nhóm quan điểm sai trái về sự ra đời và giá trị thời đại của nguyên tắc tập trung dân chủ. Với lý do thời C.Mác (1818 – 1883) và Ph.Ăngghen (1820 – 1895) chưa có tên gọi nguyên tắc tập trung dân chủ, nên theo họ nguyên tắc tập trung dân chủ không phải của chủ nghĩa Mác, mà do V.I.Lênin đặt ra (năm 1905) chỉ phù hợp ở thời kỳ Đảng hoạt động bí mật, khi chưa giành được chính quyền hoặc khi lãnh đạo chiến tranh cần có kỷ luật chặt chẽ, tập trung, thống nhất cao độ. Còn trong điều kiện hòa bình, khi Đảng cầm quyền, lãnh đạo xây dựng đất nước, đòi hỏi phải mở rộng dân chủ, phát huy tối đa sáng tạo của cá nhân thì nguyên tắc tập trung dân chủ đã lỗi thời, không còn phù hợp nữa.
Đây là sự suy luận hết sức lố bịch! Bởi, họ đã cố tình bỏ qua cơ sở lịch sử của nguyên tắc và thực chất chỉ là phụ họa cho luận điệu phủ nhận nguyên tắc tập trung dân chủ, chia tách, đối lập chủ nghĩa Mác và chủ nghĩa Lênin, gây nghi ngờ giá trị, hiệu quả của nguyên tắc tập trung dân chủ. Đúng là C.Mác và Ph.Ăngghen chưa gọi nguyên tắc tổ chức của Đảng Cộng sản là tập trung dân chủ. Song, các tư liệu lịch sử cho thấy, mặc dù chưa gọi tên cụ thể nhưng tư tưởng xây dựng một đảng vô sản trên cơ sở những nội dung cốt lõi của nguyên tắc tập trung dân chủ đã được các ông thể hiện rõ trong Điều lệ Liên đoàn những người cộng sản từ năm 1847. Và được tiếp tục khẳng định trong tổ chức “Liên minh Công nhân quốc tế” (Quốc tế I) do chính C.Mác sáng lập vào năm 1864. Cụ thể, Điều lệ Liên đoàn quy định: tất cả hội viên của Liên đoàn đều bình đẳng; cơ quan lãnh đạo các cấp của Liên đoàn từ chi bộ đến Đại hội Liên đoàn do bầu cử lập ra. “Các ủy viên ban chấp hành khu bộ và Ban chấp hành trung ương được bầu hằng năm, có quyền được bầu lại và có thể bị những người bầu ra mình bãi miễn bất cứ lúc nào”1. Điều lệ cũng quy định, Liên đoàn là một tổ chức theo chế độ tập trung rất chặt chẽ, như: Liên đoàn chỉ có một hệ thống tổ chức thống nhất; Đại hội Liên đoàn hằng năm là cơ cấu tổ chức có vị trí, quyền lực cao nhất của Liên đoàn. Điều 5 của Điều lệ Liên đoàn do chính C.Mác và Ph.Ăngghen trực tiếp tham gia soạn thảo quy định: “Về cơ cấu, Liên đoàn gồm chi bộ, khu bộ, tổng khu bộ, Ban Chấp hành trung ương và Đại hội”2. Đại hội có quyền lực lập pháp đối với toàn Liên đoàn; các khu bộ của một nước hoặc một tỉnh phải phục tùng một tổng khu bộ; các tổng khu bộ phải báo cáo công tác với cơ quan quyền lực tối cao là Đại hội, còn giữa các kỳ đại hội thì báo cáo với Ban Chấp hành trung ương. Hội viên của Liên đoàn phải phục tùng các nghị quyết của Liên đoàn; “không tham gia vào mọi tổ chức – tổ chức chính trị hoặc tổ chức dân tộc – chống cộng sản”3. Đến năm 1885, khi nói về cách tổ chức của Liên đoàn, Ph.Ăngghen khẳng định: “Bản thân tổ chức cũng hoàn toàn dân chủ, với những người lãnh đạo được bầu ra và luôn luôn có thể bị bãi miễn”4. Như vậy, với những quy định nêu trên cho thấy, cách tổ chức “hoàn toàn dân chủ” mà Ph.Ăngghen nói tới chính là nguyên tắc tập trung dân chủ. Thực tế đó còn chứng tỏ: đối với C.Mác và Ph.Ăngghen, nguyên tắc tập trung dân chủ không chỉ là tư tưởng mà đã được vận dụng vào thực tiễn tổ chức, hoạt động của chính đảng cách mạng của giai cấp công nhân.
V.I.Lênin không chỉ kế thừa, phát triển tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăngghen về nguyên tắc tập trung dân chủ, đặt tên cho nguyên tắc này mà còn vận dụng mẫu mực, sáng tạo về cách thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong thực tiễn cách mạng. Theo V.I.Lênin: “chế độ tập trung dân chủ, một mặt, thật khác xa chế độ tập trung quan liêu chủ nghĩa, và mặt khác, thật khác xa chủ nghĩa vô chính phủ”5 và “không có gì sai lầm bằng việc lẫn lộn chế độ tập trung dân chủ với chủ nghĩa quan liêu và với lối rập khuôn máy móc”6. Từ thực tiễn phong trào cộng sản, công nhân quốc tế và xây dựng Đảng Công nhân dân chủ xã hội Nga, tại Đại hội Đảng năm 1906, V.I.Lênin đề xuất và được Đại hội nhất trí đưa vào Điều lệ nguyên tắc “tập trung dân chủ”. Sự thực trên là cơ sở khoa học khẳng định: chính C.Mác và Ph.Ăngghen là những người đặt nền móng cho nguyên tắc tập trung dân chủ từ năm 1847 và V.I.Lênin là người kế thừa, bổ sung và phát triển.
Là đội tiền phong của giai cấp công nhân, Đảng Cộng sản phải có tổ chức chặt chẽ, tập trung, thống nhất, không thể là một tổ chức lỏng lẻo, vô chính phủ; là liên minh tự nguyện của những người cùng chung chí hướng đấu tranh để xây dựng chủ nghĩa xã hội – một xã hội giương cao ngọn cờ độc lập, tự do, dân chủ, công bằng và bảo vệ phẩm giá con người; Đảng Cộng sản phải có tổ chức dân chủ mới phù hợp với bản chất và mục đích đó. Bởi vậy, nguyên tắc tập trung dân chủ nằm ngay trong bản chất của Đảng Cộng sản, nên dù trong điều kiện, hoàn cảnh nào, lúc đấu tranh giành chính quyền hay khi xây dựng đất nước, Đảng Cộng sản cũng phải được tổ chức và hoạt động theo đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, chỉ khác ở phương pháp thực hiện nội dung và phạm vi áp dụng do tình hình, nhiệm vụ cụ thể của Đảng trong mỗi thời kỳ, xa rời nguyên tắc này là xa rời bản chất của Đảng dẫn đến tan rã Đảng. Do đó, không thể nói nguyên tắc tập trung dân chủ đã “lỗi thời”, không còn giá trị.
Hai là, nhóm quan điểm sai trái về bản chất, nội dung của nguyên tắc tập trung dân chủ. Họ cho rằng tập trung và dân chủ là hai mặt đối lập, giống như lửa với nước, là hai khái niệm “không thể dung hòa”, không thể kết hợp, do đó không thể có nguyên tắc tập trung dân chủ. Cũng theo họ, nguyên nhân cơ bản nhất dẫn đến sự sụp đổ của mô hình xã hội chủ nghĩa và Đảng Cộng sản ở Liên Xô và các nước Đông Âu bị mất quyền lãnh đạo xã hội là do thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ quá lâu và họ “khuyên” Đảng ta từ bỏ nguyên tắc này “càng sớm, càng tốt”; đồng thời, họ kêu gọi bỏ “chế độ thiểu số phục tùng đa số” thì mới thực sự có “dân chủ”, “sáng tạo”, v.v.
Cần khẳng định rõ: đây là luận điệu nhằm tầm thường hóa nguyên tắc tổ chức cơ bản của Đảng với mưu đồ phá hoại hòng làm cho Đảng ta từ bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ. Việc chia cắt nguyên tắc vốn thống nhất, hoặc đem dân chủ đối lập với tập trung là không hiểu đúng nguyên tắc tập trung dân chủ. Với cách lập luận sai trái này, họ đã không hiểu bản chất, hoặc cố tình lừa dối người khác để hạ bệ nguyên tắc tập trung dân chủ. Nguyên tắc tập trung dân chủ là sự thống nhất biện chứng giữa hai thành tố tập trung và dân chủ. Tập trung trên cơ sở dân chủ, dân chủ có sự lãnh đạo được sự bảo đảm của tập trung. Có giữ vững tập trung mới có thể phát huy, mở rộng được dân chủ và bảo đảm dân chủ thực chất. Phát triển dân chủ luôn gắn liền với giữ vững và tăng cường tập trung, trên cơ sở đó, dân chủ càng phát triển thì tập trung càng vững chắc. Dân chủ chỉ đối lập với tình trạng độc đoán, chuyên quyền chứ không đối lập với tập trung; tập trung chỉ đối lập với tình trạng tản mạn, tự do, tùy tiện, vô tổ chức, vô kỷ luật chứ không đối lập với dân chủ. Tập trung trên cơ sở dân chủ hoàn toàn khác với tập trung quan liêu. Dân chủ có sự bảo đảm của tập trung cũng hoàn toàn khác về bản chất với dân chủ hình thức, dân chủ vô chính phủ.
Nguyên tắc tập trung dân chủ là nguyên tắc nền tảng để xây dựng Đảng thành một tổ chức chiến đấu chặt chẽ, vừa phát huy sức mạnh của mỗi cá nhân, vừa tạo nên sức mạnh tổng hợp của tổ chức. Đây là nguyên tắc chỉ đạo toàn bộ, xuyên suốt quá trình xây dựng tổ chức, sinh hoạt và hoạt động lãnh đạo của Đảng; quy định cơ cấu, hình thức tổ chức, phương thức, chế độ thiết lập các cơ quan lãnh đạo của Đảng; xác lập các quy tắc giải quyết các mối quan hệ trong nội bộ Đảng và cũng là nguyên tắc giữ vai trò chi phối các nguyên tắc khác của Đảng. Nó làm cho Đảng được xây dựng thành một đội ngũ có kỷ luật chặt chẽ, có sức chiến đấu cao, phát huy được tính chủ động, năng động và sáng tạo của cán bộ, đảng viên; bảo đảm cho Đảng luôn là một tổ chức lãnh đạo, một tổ chức chiến đấu mà không phải là một câu lạc bộ.
Sức mạnh của Đảng là sự thống nhất về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; sự thống nhất đó chỉ có thể giữ vững và biến thành sức mạnh vật chất khi được bảo đảm bằng sự thống nhất về mặt tổ chức thông qua thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ. Tập trung dân chủ là cơ sở bảo đảm cho Đảng thực sự là một tổ chức chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất từ Trung ương tới cơ sở. Thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ vừa phát huy được tính chủ động, sáng tạo, trách nhiệm cao của mỗi cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng, vừa tập trung được trí tuệ và sức mạnh vật chất của toàn Đảng, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: Đảng ta tuy nhiều người, nhưng khi tiến đánh thì chỉ như một người.
Ba là, nhóm quy kết tình trạng vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ là “lỗi từ gốc” do độc đảng; Việt Nam muốn dân chủ, tiến bộ thì “phải chấm dứt sự độc quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản”, từ đó cổ súy tư tưởng đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập. Đây là âm mưu hết sức thâm độc nằm trong chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phản động nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, xóa bỏ định hướng xã hội chủ nghĩa; kêu gọi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập. Thực tiễn cho thấy: dân chủ ở một quốc gia không phụ thuộc vào việc ở đó có một hay nhiều đảng mà phụ thuộc vào bản chất chính của đảng cầm quyền và mức độ dân chủ không tỷ lệ thuận với sự gia tăng của số lượng các đảng chính trị. Chẳng hạn, Ácmênia có khoảng 40 đảng, Hà Lan có 25 đảng, Na Uy có 23 đảng,… nhưng không thể kết luận Ácmênia dân chủ hơn Hà Lan, Na Uy. Hiện nay, trên thế giới có khoảng hơn 30 quốc gia theo chế độ một đảng, như: Ăngtigoa, Ảrập Xêút, Baren, Bênanh, Bôxnia, Cuba, Cômô, Gana, Bờ Biển Ngà, Lào, Libi, Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên, Mông Cổ, Namibia, Ruanđa, Xômali, Tôgô, Tôbagô,… và Việt Nam. Hơn nữa, ngay trong chủ nghĩa tư bản, có thời kỳ một số quốc gia và vùng lãnh thổ theo chế độ một đảng duy nhất cầm quyền vẫn bảo đảm dân chủ và phát triển mạnh mẽ. Ví dụ: cho đến cuối những năm 1980, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan,… vẫn theo chế độ một đảng duy nhất cầm quyền, nhưng vẫn vươn lên phát triển mạnh mẽ. Điều này cho thấy hai vấn đề: (1). Chế độ chính trị do một đảng cầm quyền không phải là đặc điểm chỉ có ở các nước xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo; (2). Không phải các nước theo chế độ một đảng không bảo đảm dân chủ.
Trong điều kiện ở Việt Nam, một đảng lãnh đạo, đó là đảng của giai cấp công nhân, lấy lợi ích giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc làm mục tiêu xuyên suốt và luôn xây dựng, chỉnh đốn để đảng thực sự trong sạch, vững mạnh thì tính chất dân chủ, tiến bộ phụ thuộc vào bản chất, mục đích phục vụ chứ không phụ thuộc số lượng bao nhiêu đảng. Năm 2010, đồng chí Nguyễn Phú Trọng (khi đó là Chủ tịch Quốc hội) đã trả lời phỏng vấn báo chí quốc tế rằng: “Không phải có nhiều đảng thì dân chủ hơn, ít đảng thì ít dân chủ hơn, mỗi nước có hoàn cảnh, điều kiện lịch sử cụ thể khác nhau, điều quan trọng là xã hội có phát triển không, nhân dân có được hưởng cuộc sống ấm no, hạnh phúc không và đất nước có ổn định để ngày càng phát triển đi lên hay không? Đó là tiêu chí quan trọng nhất”.
Từ những luận giải trên, có thể khẳng định: nguyên tắc tập trung dân chủ đến nay vẫn còn nguyên giá trị, không “lỗi thời”, các đảng cộng sản và mỗi đảng viên cộng sản không được phép xa rời, từ bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ. Đây là vấn đề sống còn của Đảng. Do đó, cần tiếp tục nghiên cứu, quán triệt, cụ thể hóa thực hiện nghiêm nguyên tắc này trong tổ chức và hoạt động của Đảng, làm cơ sở để đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch.
ThS. NGUYỄN ĐÌNH SƠN/TCQPTD
____________
1 – C.Mác và Ph.Ăng-ghen – Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H.1995, tr.735.
2 – Sđd, tr. 733.
3 – Sđd, tr. 732.
4 – Sđd, Tập 6, tr. 339.
5 – V.I.Lê-nin – Toàn tập, Tập 36, Nxb CTQG, H. 2006, tr. 185.
6 – Sđd, tr. 186.