Việt Nam kiên định lập trường về vấn đề xung đột Nga – Ukraine
Ấy thế nhưng, lợi dụng việc Đại Hội đồng Liên Hợp quốc vừa thông qua Nghị quyết về tình hình Ukraine, trên một số diễn đàn, mạng xã hội, một số cá nhân lại đang cố tình tái diễn những luận điệu xuyên tạc, suy diễn quan điểm của Việt Nam về cuộc xung đột này.
Việt Nam kêu gọi chấm dứt xung đột, khôi phục hòa bình tại Ukraine
Ngày 12/10, Đại Hội đồng Liên hợp quốc đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết kêu gọi các quốc gia trên thế giới không công nhận việc Nga sáp nhập 4 vùng lãnh thổ ở Ukraine thông qua trưng cầu dân ý. Nghị quyết nhận được 143/193 phiếu ủng hộ. Có 5 nước bỏ phiếu chống lại nghị quyết, bao gồm Nga và 35 nước bỏ phiếu trắng.
Sau khi nghị quyết trên được thông qua, trên một số diễn đàn Internet, mạng xã hội, một số cá nhân, tổ chức ở trong và ngoài nước đã cố tình đưa ra những luận điệu sai trái, xuyên tạc cho rằng quan điểm của Việt Nam là “chung chung”, “không rõ ràng”, “tránh đối đầu”, Việt Nam đã không đi theo số đông, một lần nữa cố tình tìm cách lựa chọn quan điểm trung lập đối với cuộc xung đột Nga – Ukraine, quan điểm của Việt Nam về xung đột Nga – Ukraine đã “thụt lùi” thêm một lần nữa.
Luận điệu của họ là, lá phiếu của Việt Nam khiến nhiều người cảm thấy “thất vọng”, Việt Nam “ngoài lề” trong khối ASEAN, lá phiếu này sẽ để lại nhiều “hệ lụy” đối với Việt Nam. Một số người thì ngang nhiên xuyên tạc rằng: Việt Nam phản đối chiến tranh, phản đối sử dụng vũ lực, nhưng không bỏ phiếu ủng hộ; Việt Nam vì lợi ích mà bỏ qua “công lý và đạo lý”, lá phiếu trên khiến nhiều người phải suy nghĩ lại về lập trường chọn chính nghĩa của Việt Nam. Cá biệt, còn có luận điệu xuyên tạc rằng, Việt Nam đang thể hiện quan điểm theo kiểu “chung chung”; “Nghị quyết trên là vấn đề thuộc về nhân quyền mà lương tri phải lên tiếng bảo vệ lẽ phải thì Việt Nam lại làm ngược lại”; cái gọi là “đứng về lẽ phải, công lý” mà Việt Nam đưa ra đối với cuộc xung đột này chỉ là ngụy tạo…
Đối với vấn đề xung đột Nga – Ukraine, Việt Nam đã nhiều lần nêu quan điểm chính thức của mình. Ngày 1/3, phát biểu khi Đại hội đồng Liên hợp quốc tổ chức phiên họp khẩn cấp lần thứ 11 thảo luận về tình hình Ukraine, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng phái Đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc đã nhấn mạnh rằng: “Việt Nam kêu gọi các bên liên quan giảm leo thang căng thẳng, nối lại đối thoại và đàm phán thông qua tất cả các kênh, nhằm đạt được giải pháp lâu dài có tính đến lợi ích và quan ngại của tất cả các bên, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia. Các giải pháp như vậy sẽ chấm dứt những khổ đau và đóng góp cho hòa bình, an ninh và phát triển ở châu Âu và thế giới nói chung”.
Ngày 12/10, phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc tiếp tục khẳng định: Việt Nam theo dõi sát và đặc biệt quan ngại trước các diễn biến gần đây tại Ukraine, nhấn mạnh sự cần thiết của việc bảo đảm tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Trong đó, có việc không can thiệp vào công việc nội bộ, không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia.
Đại sứ Đặng Hoàng Giang nhấn mạnh, xuất phát từ lịch sử phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh để giành độc lập, thống nhất và bảo vệ Tổ quốc, Việt Nam thấu hiểu giá trị của hòa bình và phản đối mọi hành vi đe dọa hoặc sử dụng vũ lực để xâm phạm độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia. Do đó, Việt Nam tiếp tục kêu gọi chấm dứt xung đột, khôi phục hòa bình, bảo vệ an ninh, an toàn của người dân và các cơ sở hạ tầng thiết yếu; đồng thời, kiên trì thúc đẩy đối thoại, đàm phán để tìm giải pháp hòa bình lâu dài cho các bất đồng trên cơ sở phù hợp và triệt để tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, tính tới lợi ích, quan tâm chính đáng của các bên liên quan, vì hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới.
Trước đó, tại họp báo thường kỳ chiều ngày 6/10, trả lời câu hỏi của báo chí về vấn đề Nga sáp nhập 4 tỉnh của Ukraine, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định: “Việt Nam kêu gọi các bên liên quan nối lại đối thoại, giải quyết vấn đề bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, đặc biệt là nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng nhấn mạnh: “Là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế Việt Nam sẵn sàng đóng góp vào quá trình thúc đẩy đối thoại tìm kiếm giải pháp để sớm ổn định tình hình, vì hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới”.
Như vậy, có thể thấy rằng, quan điểm nhất quán của Việt Nam là kêu gọi chấm dứt hành động sử dụng vũ lực, nối lại đối thoại và tìm kiếm giải pháp lâu dài cho các bất đồng. Kể từ khi cuộc xung đột Nga – Ukraine nổ ra cho đến thời điểm hiện tại, chưa có bất kỳ phát ngôn và hành động nào của Việt Nam đề cập đến việc ủng hộ việc sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đột xung đột giữa Nga và Ukraine và Việt Nam cũng không “thiên vị” hay đứng về bất kỳ một bên nào xoay quanh xung đột giữa Nga và Ukraine.
Việt Nam luôn kiên định và nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ
Việt Nam luôn kiên định và nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia – dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác cùng có lợi; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Hiện nay, Việt Nam đã và đang đẩy mạnh thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ đối ngoại. Trong chính sách đối ngoại đa phương đó, Việt Nam luôn khẳng định cả Nga và Ukraine đều là đối tác quan trọng, là bạn bè truyền thống, lâu đời và Việt Nam vẫn luôn coi trọng, duy trì và phát triển quan hệ đối ngoại một cách bình đẳng, trên tinh thần hợp tác, cùng phát triển, phấn đấu vì một thế giới hòa bình, ổn định.
Đây cũng chính là thông điệp mà Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phạm Minh Chính đã đưa ra trong chuyến thăm và làm việc tại Mỹ và Liên hợp quốc tháng 5/2022, đó là: Trong một thế giới đầy biến động, cạnh tranh chiến lược và nhiều lựa chọn, Việt Nam không chọn bên mà chọn chính nghĩa, sự công bằng, công lý và lẽ phải trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc; bình đẳng, tất cả cùng có lợi, tất cả cùng chiến thắng.
Việt Nam cũng luôn nhất quán và giữ vững nguyên tắc chính sách quốc phòng “4 không”: Không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Đó là sự khẳng định, quốc phòng Việt Nam là nền quốc phòng toàn dân, mang tính hòa bình, tự vệ; tích cực, chủ động, kiên quyết, kiên trì ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh.
Dân tộc Việt Nam đã trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, Việt Nam đã phải tiến hành nhiều cuộc kháng chiến, đấu tranh chống giặc ngoại xâm để bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc. Là một đất nước phải chịu nhiều nỗi đau, mất mát do chiến tranh, hơn ai hết dân tộc Việt Nam luôn thấu hiểu và trân trọng giá trị của nền hòa bình, độc lập, tự do. Để có được nền hòa bình, độc lập, tự do như ngày nay, dân tộc Việt Nam đã phải đánh đổi bằng xương máu của biết bao thế hệ người Việt Nam yêu nước nên Việt Nam luôn trân quý và mong muốn duy trì một thế giới hòa bình, hợp tác, ổn định, phát triển. Cũng chính vì vậy, như một lẽ tự nhiên, Việt Nam được quốc tế coi là biểu tượng của đất nước vì hòa bình, một đối tác vì hòa bình bền vững. Hơn ai hết, nhân dân Việt Nam luôn mong muốn xây dựng một môi trường hòa bình, hiểu biết, đoàn kết và yêu thương nhau, cùng xây dựng thế giới ngày càng tốt đẹp. Việt Nam luôn thẳng thắn, chân thành trong quan hệ quốc tế, xử lý hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích quốc gia – dân tộc với trách nhiệm, nghĩa vụ quốc tế.
Như vậy, có thể thấy rằng, một lần nữa các cá nhân, tổ chức thiếu thiện chí, thù địch với Đảng, Nhà nước Việt Nam lại tái diễn những luận điệu sai trái, xuyên tạc quan điểm của Việt Nam về xung đột Nga – Ukraine. Đây thực chất là một âm mưu rất thâm độc và hết sức nguy hiểm bởi những luận điệu trên không nằm ngoài mục đích là nhằm bôi nhọ, hạ thấp danh dự, uy tín của Việt Nam; xuyên tạc đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước Việt Nam; kích động dư luận trong và ngoài nước chống lại Đảng, Nhà nước Việt Nam./.