THÀNH TỰU TRONG CÔNG TÁC BẢO ĐẢM QUYỀN CON NGƯỜI Ở VIỆT NAM LÀ KHÔNG THỂ PHỦ NHẬN!
Thời gian qua, bất chấp thực tế khách quan, các thế lực thù địch, phản động không ngừng xuyên tạc về tình hình nhân quyền ở Việt Nam, vu cáo Việt Nam “vi phạm các quyền dân sự và chính trị cơ bản một cách có hệ thống”, “hình sự hóa việc sử dụng internet hay các nền tảng mạng xã hội”, “gia tăng trấn áp những người “bất đồng chính kiến”, “cổ vũ cho tự do ngôn luận””, “bắt giam tuỳ tiện những “tù nhân lương tâm””, “đàn áp tôn giáo”… Tất cả những luận điệu xuyên tạc, dối trá trên đều hòng phục vụ mục đích chính trị đen tối của chúng là phá vỡ sự ổn định chính trị, xã hội, tiến tới lật đổ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tuy nhiên, việc Việt Nam lần thứ 2 trúng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 – 2025 với số phiếu cao vào hôm 11/10 /2022 như một “cú tát trời giáng” vào những tổ chức, cá nhân cố tình xuyên tạc, vu cáo Việt Nam.
Có thể thấy, việc Việt Nam trúng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 – 2025 chính là minh chứng rõ nét cho nỗ lực bền bỉ của Việt Nam trong việc thực hiện nghiêm túc các cam kết quốc tế về quyền con người, đồng thời, khẳng định sự ủng hộ, tín nhiệm của cộng đồng quốc tế đối với những đóng góp quan trọng và có trách nhiệm của Việt Nam trong thúc đẩy quyền con người trên thế giới. Bởi lẽ, ở Việt Nam, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người là chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước ta. Hiến pháp và các văn bản pháp luật của Việt Nam luôn nhất quán quan điểm bảo đảm cao nhất, đầy đủ nhất quyền con người, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế và thực tiễn cách mạng Việt Nam. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng Cộng sản Việt Nam một lần nữa khẳng định: “Tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân theo Hiến pháp năm 2013; gắn quyền công dân với nghĩa vụ và trách nhiệm công dân đối với xã hội”…
Trải qua hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, những thành tựu quan trọng trong bảo đảm quyền con người mà Việt Nam đã đạt được chính là minh chứng sống động cho việc ở Việt Nam con người luôn là trung tâm, là động lực của quá trình phát triển đất nước: Đến năm 2010, Việt Nam hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học; năm 2011 tất cả các tỉnh, thành phố đã đạt chuẩn giáo dục trung học cơ sở. Năm 2019, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi lao động chỉ còn 2%. Việt Nam được quốc tế thừa nhận đã thực hiện tốt các “mục tiêu thiên niên kỷ” của Liên hợp quốc (giai đoạn 2001-2015). Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm còn khoảng 6,8%. Chỉ số phát triển con người (HDI) trong năm 2019 đạt 0,704 và xếp ở nhóm nước trung bình cao; chất lượng sống của Việt Nam năm 2021 xếp hạng 62/165 quốc gia… Đặc biệt, thời điểm đại dịch Covid-19 hoành hành chính là “phép thử” để nhận ra đâu mới là giá trị chân thực của bảo đảm quyền con người. Hàng loạt chính sách an ninh xã hội được Đảng, Nhà nước Việt Nam triển khai nhằm bảo đảm an ninh lương thực và ổn định cuộc sống tối thiểu cho người dân, đặc biệt là người nghèo, như gói an sinh xã hội có quy mô 62.000 tỷ đồng (năm 2020), gói cứu trợ 26.000 tỷ đồng (năm 2021)… là giải pháp cấp bách, kịp thời, không chỉ giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19 đối với quyền sống, quyền được chăm sóc y tế và mưu sinh của người dân, mà còn một lần nữa khẳng định mạnh mẽ quan điểm của Đảng và Nhà nước Việt Nam “đặt lợi ích của người dân lên trên” và “không để ai bị bỏ lại phía sau”…
Tất cả những dẫn chứng nêu trên chính là đòn đả kích mạnh mẽ các đối tượng vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền. Dù vậy, với bản chất phản động của mình, các thế lực thù địch chắc hẳn sẽ không từ bỏ mà vẫn sẽ tiếp tục lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để vu cáo Việt Nam, đòi hỏi mỗi chúng ta cần nâng cao bản lĩnh, trí tuệ để nhận diện và vạch trần bản chất của các luận điệu xuyên tạc, phủ nhận thành quả về nhân quyền ở Việt Nam của các thế lực thù địch.
H.X