Trò hề của việc kêu gọi thành lập Câu lạc bộ Phạm Đoan Trang
Cái gọi là “Câu lạc bộ Phạm Đoan Trang” chỉ là chiêu trò, nhằm lôi kéo, tụ tập những kẻ đi ngược lại lợi ích của quốc gia, dân tộc, phá hoại sự ổn định, phát triển của đất nước mà cả dân tộc này đang từng ngày, từng giờ xây dựng, vun đắp.
Vừa qua, sau khi đối tượng Phạm Thị Đoan Trang có tên gọi khác là Phạm Đoan Trang bị bắt giữ về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” theo Điều 88 Bộ luật Hình sự năm 1999 và tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin tài liệu vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” theo Điều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015, một số đối tượng đã kêu gào trên không gian mạng, đòi thành lập cái gọi là “Câu lạc bộ Phạm Đoan Trang”, hay còn gọi là “Câu lạc bộ những phụ nữ đòi nhân quyền”, do đối tượng Phạm Lệ Thủy đứng đầu. Chúng tung ra những mục tiêu nhằm đánh lừa dư luận trong việc thành lập câu lạc bộ, như: Môi trường không ô nhiễm; trẻ em đi học không thu phí và người ốm được điều trị miễn phí. Vỏ ngoài tưởng chừng là tốt đẹp, song, thực chất lại chỉ là “trò hề” của những kẻ “đồng sàng dị mộng”.
Trước hết, cần biết rõ Phạm Đoan Trang là ai?
Đã là một tổ chức thì phải có danh, nhất là khi tổ chức là tự nguyện của công dân cùng ngành nghề, cùng sở thích, cùng giới, có chung mục đích thì “tên tổ chức” đó phải hội tụ đủ và phản ánh nhu cầu của mỗi thành viên. Sự thật hiển nhiên đó lại nằm ngoài tư duy của những kẻ “đồng sàng dị mộng” đẻ ra cái gọi là “Câu lạc bộ Phạm Đoan Trang”.
Phạm Đoan Trang là con người, sự kiện hay sự việc?
Cả ba yếu tố: Con người, sự kiện hay sự việc, Phạm Đoan Trang đều không nằm trong danh mục “góp phần vào việc phát triển kinh tế – xã hội của đất nước”.
Ngược lại, tên đại diện của Câu lạc bộ này là Phạm Đoan Trang, 42 tuổi, trú quận Đống Đa, Hà Nội, người vừa bị bắt về các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, chống phá Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Là người từng xuất cảnh đi nước ngoài trái phép và bị cơ quan chủ quản kỷ luật buộc thôi việc, sau đó đã “đổi màu”, tham gia và thành lập, điều hành nhiều hội, nhóm bất hợp pháp, viết thuê cho các trang mạng của những kẻ thâm thù, chống phá đất nước, dân tộc, từng là gương mặt đại diện của cái gọi là “Nhà xuất bản tự do”, phát tán nhiều tài liệu có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc tình hình dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam, chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ và bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, kích động lật đổ chế độ chính trị ở nước ta. Đối tượng đã đi từ chỗ “bao người mơ ước” – sinh ra trong một gia đình cơ bản, từng tốt nghiệp Trường Hà Nội – Amsterdam và Khoa Kinh tế, Đại học Ngoại thương Hà Nội đến trở thành kẻ phạm tội, vi phạm pháp luật. Những hành vi mà đối tượng đã thực hiện cần phải được xử lý nghiêm minh theo pháp luật Việt Nam.
Quy định của pháp luật Việt Nam đối với việc thành lập Hội
Như bất kỳ quốc gia có chủ quyền nào trên thế giới, ở Việt Nam, mọi hoạt động của con người trong xã hội đều phải tuân thủ những quy định của pháp luật và không được hành động ngược với đạo đức, truyền thống của dân tộc. Sự thượng tôn pháp luật là đặc trưng cơ bản nhất của nhà nước pháp quyền; việc sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật của nhà nước là yếu tố nhận biết sự văn minh của xã hội nói chung và con người nói riêng.
Bên cạnh quyền hạn, nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi công dân với những vị trí xã hội khác nhau và theo nhu cầu, sở thích, lý tưởng riêng, mỗi người giao lưu, chia sẻ những đặc điểm tâm sinh lý riêng đó với những người tương đồng và tìm cách thỏa mãn trong hoạt động bởi một mô hình tự nguyện, đó là “Hội”. Hội có các tên gọi khác nhau, như: Hội, liên hiệp hội, tổng hội, liên đoàn, hiệp hội, câu lạc bộ…
Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Việt Nam đã có quy định về việc thành lập hội, đó là: Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội; Nghị định số 33/2012/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 45/2010/NĐ-CP và Thông tư số 03/2013/TT-BNV ngày 16 tháng 4 năm 2013 của Bộ Nội vụ quy định chi tiết thi hành Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội và Nghị định số 33/2012/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 45/2010/NĐ-CP.
Đây là những văn bản quy phạm pháp luật, quy định về việc thành lập. Trong đó, có những vấn đề cơ bản đáng chú ý là: Việc thành lập hội ở Việt Nam phải bảo đảm các yếu tố, như: Tên gọi; mục đích; điều lệ; trụ sở; số lượng công dân, tổ chức Việt Nam đăng ký tham gia thành lập hội; Ban vận động thành lập hội; hồ sơ xin phép thành lập hội và được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép… Đặc biệt, hồ sơ thành lập hội phải đầy đủ các yếu tố, như: Đơn xin phép thành lập hội; dự thảo điều lệ; dự kiến phương hướng hoạt động; danh sách những người trong ban vận động thành lập hội được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận; lý lịch tư pháp người đứng đầu ban vận động thành lập hội; văn bản xác nhận nơi dự kiến đặt trụ sở của hội; và Bản kê khai tài sản do các sáng lập viên tự nguyện đóng góp (nếu có).
Thành lập hội là tự nguyện nhưng phải góp phần vào việc phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, được tổ chức và hoạt động phải tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và điều lệ hội.
Tuy nhiên, cái gọi là “Câu lạc bộ Phạm Đoan Trang” lại hoàn toàn ngược lại, không đảm bảo đầy đủ các yếu tố và không tuân thủ theo quy định của pháp luật Việt Nam. Cái gọi là “Câu lạc bộ Phạm Đoan Trang” chỉ là chiêu trò, nhằm lôi kéo, tụ tập những kẻ đi ngược lại lợi ích của quốc gia, dân tộc, phá hoại sự ổn định, phát triển của đất nước mà cả dân tộc này đang từng ngày, từng giờ xây dựng, vun đắp.