Quyền con người chỉ được bảo đảm trong một quốc gia thực sự có chủ quyền

Hiện nay, mối quan hệ giữa nhân quyền và chủ quyền quốc gia là một trong những vấn đề được các thế lực thù địch ra sức lợi dụng và trở thành một trong các mũi tấn công trong chiến lược “diễn biến hòa bình”. Quan điểm sai lầm cho rằng “Nhân quyền cao hơn chủ quyền” là một ví dụ điển hình đã được các thế lực tư bản lợi dụng như một cái cớ để can thiệp vào công việc nội bộ và vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của quốc gia khác.

Tổ chức phi chính phủ Ân xá Quốc tế giở chiêu trò xuyên tạc, bịa đặt khi ra Tuyên bố vu cáo Việt Nam _nguồn: cand

Trên thực tế, chủ quyền quốc gia là cơ sở, tiền đề và điều kiện tiên quyết để bảo đảm và bảo vệ nhân quyền, bởi lẽ:

Thứ nhất, nhân quyền dựa trên nguyên tắc cơ bản là bình đẳng. Khái niệm bình đẳng hiểu theo nghĩa đầy đủ bao gồm bình đẳng giữa các cá nhân và giữa các quốc gia, dân tộc. Có nghĩa là, chỉ khi các quốc gia dân tộc bình đẳng thì các cá nhân của quốc gia, dân tộc đó mới được tự do, bình đẳng.

Thứ hai, thế giới hiện có hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau, trong đó, có quốc gia này muốn thôn tính, thống trị quốc gia kia, có nước giàu, nước nghèo, nước phát triển, nước đang phát triển, có hàng nghìn dân tộc khác nhau, theo những tôn giáo khác nhau với trình độ phát triển không giống nhau. Do vậy, không thể có nhân quyền trừu tượng mang tính “toàn cầu hóa”. Vì vậy, chủ quyền quốc gia, quyền độc lập, tự quyết của dân tộc là điều kiện tiên quyết, là cơ sở để bảo vệ và thực hiện quyền con người; chỉ có tôn trọng quyền dân tộc tự quyết để nhân dân các nước tự do lựa chọn chế độ chính trị, mô hình kinh tế và con đường phát triển mới có thể bảo đảm tôn trọng, bảo vệ những quyền cơ bản của mỗi con người.

Thứ ba, quyền con người cơ bản được bảo vệ và thực hiện trước hết phải bằng hiến pháp và hệ thống pháp luật của mỗi quốc gia, dân tộc và những biện pháp tương ứng với đạo luật đó. Bởi lẽ, về thực chất, việc thực hiện quyền con người trước hết vẫn là thuộc nội bộ quốc gia, dân tộc. Xa rời sự bảo đảm của một quốc gia, dân tộc, cũng như Hiến pháp, pháp luật của quốc gia, dân tộc đó thì bảo hộ nhân quyền quốc tế khó mà có cơ sở thực hiện được.

Ngay từ khi nhân quyền đuợc pháp điển hóa trong pháp luật quốc tế, nguyên tắc mặc nhiên được thừa nhận đó là: chủ quyền quốc gia là tiền đề để bảo đảm nhân quyền. Hai công ước quốc tế cơ bản trên lĩnh vực nhân quyền năm 1966 của Liên hợp quốc cũng thể hiện rõ tinh thần: chủ quyền quốc gia là một dạng đặc biệt quan trọng của nhân quyền (như một quyền con người tập thể). Lịch sử Liên hợp quốc cho thấy, một phần quan trọng trong các hoạt động thúc đẩy nhân quyền của tổ chức này hơn nửa thế kỷ qua một phần quan trọng là dành cho cuộc đấu tranh giành chủ quyền của các dân tộc thuộc địa. Có thể nói, xét về mặt nhân quyền, thắng lợi của cuộc đấu tranh này là cực kỳ vĩ đại, bởi qua đó, hàng tỉ người thuộc các dân tộc thuộc địa mới được hưởng các quyền tự do như công dân của những “mẫu quốc” từng đô hộ họ.

Xét về phương diện đối ngoại, tôn trọng chủ quyền quốc gia không chỉ nhằm duy trì quan hệ quốc tế hòa bình, mà còn xuất phát từ nghĩa vụ chung trong việc bảo đảm nhân quyền. Trên phương diện đối nội, ngay cả khi đã được pháp điển hóa trong pháp luật quốc tế và trở thành những chuẩn mực quốc tế thì các quyền con người cũng không mặc nhiên trở thành hiện thực trên thế giới nếu không được thể chế hóa thành pháp luật, chính sách của mỗi quốc gia. Vì thế, hiển nhiên, chủ quyền quốc gia không làm tổn hại đến nhân quyền, mà ngược lại, là điều kiện để sản sinh ra các công cụ hiện thực hóa nhân quyền. Điều này lý giải tại sao luật pháp quốc tế không chấp nhận hành động xâm phạm chủ quyền với danh nghĩa bảo vệ nhân quyền mà sử dụng các giải pháp hợp tác, đối thoại và trợ giúp quốc tế để thúc đẩy và bảo vệ quyền con người.

Chủ quyền quốc gia và quyền con người có mối quan hệ hữu cơ gắn bó mật thiết, không thể tách rời, có tác động bổ trợ qua lại trong quá trình vận động và phát triển của lịch sử xã hội. Quyền con người không thể tách rời chủ quyền quốc gia, chủ quyền dân tộc tự quyết, độc lập dân tộc. Quyền con người vừa mang tính toàn cầu, vừa mang tính khu vực và mang tính bản sắc của mỗi quốc gia dân tộc. Vì vậy, không thể áp đặt tiêu chí quyền con người của quốc gia này cho các quốc gia khác. Hàng rào chủ quyền quốc gia ngăn cản mọi sự áp đặt vô lý đó. Nếu một quốc gia, tổ chức hoặc giai cấp nào đó tự coi mình là đại diện cho nhân quyền của toàn nhân loại, lấy quan điểm “nhân quyền cao hơn chủ quyền” hay “nhân quyền không biên giới” làm cơ sở để can thiệp vào công việc nội bộ các quốc gia độc lập, có chủ quyền là sự vi phạm nghiêm trọng đáng phê phán và lên án. Tôn trọng chủ quyền quốc gia cũng chính là tôn trọng các giá trị về nhân quyền của quốc gia đó. Một quốc gia không có hay chưa có chủ quyền dân tộc thì không thể nói đến quyền con người, đến các “quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc” của nhân dân.

Thực tế lịch sử Việt Nam cho thấy, khi mất chủ quyền dân tộc, mọi người dân không có đầy đủ quyền con người mà chỉ là những người “vong quốc nô”. Chính Hồ Chí Minh đã rất đau xót khi phải thốt lên rằng: “Thân phận người An Nam chỉ là thân phận người nông nô”; “chúng tôi chẳng có quyền gì cả trừ quyền đóng thuế cho “mẫu quốc” Pháp, cho bọn chủ bản xứ… chúng tôi đã đau khổ nhiều và chúng tôi còn phải đau khổ nữa. Những người “khai hóa” nước chúng tôi không để cho chúng tôi tự do”[1]. Trong tác phẩm Đông Dương, Người đã lên án thực dân Pháp: “chưa có bao giờ ở một thời đại nào, ở một nước nào, người ta lại vi phạm mọi quyền làm người một cách độc ác, trơ tráo đến thế”[2].

Mấy ngàn năm lịch sử của dân tộc Việt Nam là mấy ngàn năm lịch sử đấu tranh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tổ quốc là giá trị thiêng liêng đối với mỗi người dân Việt. Với thắng lợi của cách mạng giải phóng dân tộc, nhân dân Việt Nam từ chỗ là người nô lệ, bị mất nước trở thành những người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội, làm chủ chính vận mệnh của mình.

Như vậy, chỉ khi nào đất nước được độc lập, chủ quyền quốc gia được giữ vững thì mới bảo đảm việc hiện thực hoá quyền mưu cầu hạnh phúc của mỗi người dân. Chủ quyền quốc gia và quyền con người có mối quan hệ khăng khít, bền chặt, biện chứng, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Một quốc gia mất chủ quyền thì nhân dân của quốc gia đó cũng sẽ không bảo đảm được quyền con người, việc bảo đảm quyền con người chỉ có được trong quốc gia thực sự có chủ quyền.

Mai Phạm / TVVN

——————————————————-

[1]Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. tr.461, 467.
[2]Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. tr.406.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *