RFA lại xuyên tạc trắng trợn về nền báo chí của Việt Nam
Mới đây, Đài Á châu tự do (RFA) đăng tải bài viết “Đảng Cộng sản siết chặt “báo hóa” tạp chí, “tư nhân hóa” báo chí để giữ chế độ!” trong bài viết của mình, RFA cho rằng “chính quyền Việt Nam luôn dùng mọi cách để hạn chế tự do ngôn luận. Do đó, các bộ ngành quản lý báo chí buộc phải ban hành nhiều quy định nhằm siết chặt phạm vi hoạt động của các tờ báo, tránh dẫn đến tình trạng “tư nhân hóa” báo chí… Tóm lại, họ sợ rằng tạp chí mà mở rộng phạm vi đưa tin bài thì sẽ tăng sức mạnh và phạm vi hoạt động của tạp chí đó, tiến đến việc ngầm tư nhân hóa báo chí và thúc đẩy tự do ngôn luận” và “bởi vì Đảng coi báo chí là chìa khóa giữ chế độ, cho nên: Muốn giữ chế độ thì phải giữ cho được truyền thông. Chuyện lạc quan là người dân muốn được làm báo chí tự do rồi, nhưng chuyện bi hài là Nhà nước vẫn muốn kiểm soát, độc quyền thông tin”… Lại là những luận điệu xuyên tạc cũ kỹ, bóp méo sự thật một cách trắng trợn về nền báo chí của Việt Nam, nhất là sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của nhà nước đối với báo chí. Tại sao lại nói như vậy?
Thứ nhất, Việt Nam đã, đang tham gia và nghiêm túc thực hiện các cam kết về vấn đề tự do ngôn luận, tự do báo chí theo Hiến chương Liên hợp quốc và các nghị định, hiệp ước quốc tế, khu vực liên quan và đã cụ thể hoá các quyền trên bằng các văn bản pháp lý. Cụ thể, Điều 25 Hiến pháp năm 2013 nêu rõ “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Luật Báo chí năm 2016 đã dành nguyên Chương II (Điều 10 – Điều 13) quy định về quyền tự do báo chí và quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân.
Thứ hai, về diện mạo phát triển của nền báo chí Việt Nam, tính đến ngày 30/11/2021, cả nước có 816 cơ quan báo chí (in và điện tử), trong đó 114 báo, 116 tạp chí thực hiện hai loại hình, 557 báo và tạp chí in; 29 báo và tạp chí điện tử; 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình và 05 đơn vị hoạt động truyền hình không có hạ tầng phát sóng truyền hình riêng; khoảng 40.000 người đang công tác tại các cơ quan báo chí với 17.161 người được cấp thẻ nhà báo. Về cơ bản, các cơ quan báo chí đã thực hiện nghiêm Luật Báo chí và những quy định mang tính nguyên tắc nhằm bám sát mục tiêu giữ vững ổn định chính trị, tạo niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và chế độ; là diễn đàn tin cậy của nhân dân; báo chí đã chủ động, kịp thời, thông tin trung thực, hiệu quả về những vấn đề lớn của đất nước, có nội dung thông tin thể hiện rõ vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận và tạo sự đồng thuận xã hội…
Bên cạnh đó, hoạt động báo chí trong thời gian qua cũng bộc lộ một số hạn chế, như: Một số cơ quan báo chí hoạt động xa rời, không bám sát tôn chỉ, mục đích; vẫn còn tình trạng phóng viên tham gia mạng xã hội có những phát biểu, bài viết về một số vấn đề nóng, vụ việc tiêu cực có xu hướng kích động, gây rối nhiễu dư luận; văn phòng đại diện, phóng viên thường trú, cộng tác viên của một số cơ quan báo chí hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích, vượt quá chức năng, nhiệm vụ được giao, gây phiền hà cho các cá nhân, tổ chức, cơ quan nhà nước…; có trường hợp vi phạm luật và đạo đức nghề nghiệp; câu kết với một số đối tượng xấu nhằm sách nhiễu, vòi vĩnh doanh nghiệp, cơ quan, ép ký hợp đồng quảng cáo, đăng tải tin, bài thiên lệch quá nhiều vào mặt trái; có hiện tượng đối tác liên kết tự thiết lập, sản xuất nội dung các kênh truyền thông trên nền tảng internet, mạng xã hội gây nhầm lẫn cho xã hội; quảng bá kênh chương trình liên kết theo hướng là kênh thuộc sở hữu của đối tác liên kết…
Trước tình hình trên, việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của nhà nước đối với báo chí, nhất là tổ chức sắp xếp lại hệ thống báo chí, xử lý tình trạng “báo hoá” tạp chí và “tư nhân hoá” báo chí là cần thiết, nhằm đảm bảo để báo chí phát triển lành mạnh, đúng hướng, hoàn thành tốt các chức năng, nhiệm vụ của mình. Hiện nay, việc thực hiện Quy hoạch báo chí ở Việt Nam đã và đang được triển khai một cách quyết liệt, nhằm tạo ra một cuộc chuyển mình mạnh mẽ; tạo ra sự đột phá trong hoạt động báo chí, phát triển báo chí và quản lý báo chí, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới.
Thứ ba, theo Công ước của Liên hợp quốc về các quyền của dân sự và chính trị thì nhân quyền nói chung và quyền tự do ngôn luận nói riêng không phải là vô hạn, mà trong các trường hợp cụ thể phải được chế định bởi luật pháp của từng quốc gia. Việt Nam cũng như bất kỳ nhà nước pháp quyền nào trên thế giới, tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và bất cứ ai nếu có hành vi vi phạm pháp luật đều phải bị xét xử theo đúng luật định. Việc RFA cố tình phớt lờ tất cả những thành tựu nổi bật trên để tung ra hàng loạt cáo buộc vô căn cứ, xuyên tạc, vu cáo Việt Nam vi phạm tự do báo chí, vi phạm dân chủ, nhân quyền… chỉ càng tô rõ bản chất xảo trá của nhà đài này mà thôi.
Hòa Xuân