SỬ DỤNG MẠNG XÃ HỘI: TỰ DO KHÔNG ĐỒNG NGHĨA VỚI TÙY TIỆN!
Theo số liệu thống kê của tổ chức We are Social, đến tháng 01/2022, Việt Nam có 72,1 triệu người sử dụng Internet, tăng 3,4 triệu người so với năm 2021, chiếm 73,2% tổng dân số; có 76,95 triệu người sử dụng mạng xã hội, tăng 5% so với năm 2021, tương đương 78,1% tổng dân số; là 1 trong top 20 nước có số người sử dụng Internet cao nhất thế giới… Có thể nói, cùng với những mặt tích cực mà Internet và mạng xã hội đã mang lại thì sự phổ biến của các nền tảng công nghệ này cũng chính là môi trường thuận lợi để các đối tượng xấu, cơ hội phát tán các thông tin, hình ảnh có nội dung xấu, độc… Thực tế cho thấy, thời gian qua, thông qua các nền tảng mạng xã hội, các phần tử cơ hội chính trị, thế lực thù địch tăng cường bôi nhọ, công kích Đảng, Nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đồng thời, liên tục điều chỉnh hình thức, chiêu trò chống phá ngày càng tinh vi, xảo quyệt, nguy hiểm, gây tác động tiêu cực đến tư tưởng, nhận thức, làm hoang mang, dao động, làm giảm sút lòng tin của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta. Vì vậy, việc Nhà nước ban hành các quy định liên quan đến an ninh mạng trên mạng xã hội nói riêng và việc hoàn thiện hành lang pháp lý về an ninh mạng nói chung là yêu cầu cấp thiết hiện nay để xây dựng một xã hội an toàn, văn minh.
Thực tế cho thấy, các quy định liên quan đến an ninh mạng ra đời đều nhằm đảm bảo quyền tự do cá nhân, hướng tới xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên mạng xã hội, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng trên mạng xã hội, góp phần xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh tại Việt Nam, phù hợp với chuẩn mực, thông lệ và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Điều này hoàn toàn không gây ảnh hưởng đến những người sử dụng mạng xã hội văn minh, lành mạnh, tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, lại khiến những kẻ chăm chăm lợi dụng mạng xã hội để thực hiện các hành vi xấu, vi phạm pháp luật phải giật mình, lo lắng, sợ hãi. Việc Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Phú Yên mời làm việc và lập biên bản đối với hàng loạt các trường hợp có hành vi đăng tải, chia sẻ thông tin sai sự thật về việc người bị tạm giữ tự sát trong nhà tạm giữ Công an thị xã Đông Hoà trên mạng xã hội mới đây là minh chứng cho thấy, mạng xã hội dù là thế giới ảo nhưng những hậu quả mà nó gây ra lại là thật.
Công dân có quyền được sử dụng các dịch vụ trên internet, trừ các dịch vụ bị cấm theo quy định của pháp luật và có nghĩa vụ tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn, an ninh thông tin; phải chịu trách nhiệm về nội dung thông tin do mình lưu trữ, cung cấp, truyền đưa trên mạng xã hội. Cũng như các quyền khác của con người, việc thực hiện quyền tự do ngôn luận, tiếp cận thông tin phải do pháp luật quy định và trong khuôn khổ pháp luật. Đồng nghĩa với việc truyền tải thông tin và ý kiến đến người khác là một quyền được tôn trọng. Đương nhiên, đó phải là những thông tin và ý kiến chính xác, lành mạnh, chứ không phải là những thông tin và ý kiến xấu, độc, phục vụ cho mục đích xấu xa, xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Không thể có một thứ “tự do” vô thiên vô pháp ở bất cứ môi trường nào, kể cả trên không gian mạng. Bởi lẽ, tự do không đồng nghĩa với tùy tiện! Cho nên, điều chúng ta cần làm bây giờ là tuân thủ đúng các quy định, tham gia mạng xã hội một cách văn minh, lịch sự và tuyệt đối không nghe theo lời xúi giục, kích động chống phá của các đối tượng xấu, cơ hội.
Mộc An